Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 18/11/2024.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 89
Chúng ta học Phật mới biết được nguyên nhân vì sao con người sống ở thế gian này có sự khác biệt nhau rất lớn. Trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, Thích Ca Mâu Ni Phật giảng tại long cung, Ngài đã chỉ rõ cho các thính chúng biết lý do vì sao chúng sanh trong các loài thủy tộc lại muôn vàn dạng khác biệt, con thì có hình thù to lớn, con thì có thân mỏng và rất dài.
Người ở thế gian cũng vậy, có kẻ giầu người nghèo, có người sống an lạc tự tại, có người thì khổ đau và chướng ngại, thậm chí đến lúc chết họ vẫn như vậy mà không thoát ra được. Tâm cảnh của họ như thế, họ sẽ đi về đâu? Chắc chắn là tam đồ ác đạo! Vậy điều gì đã tạo nên hoàn cảnh này? Tất cả đều là nhân tốt thì quả tốt và nhân xấu thì quả xấu! Biết vậy thì tại sao chúng ta không tích cực tu nhân tốt?
Khéo tu nhân tốt nên thay đổi được vận mạng, thay đổi được hoàn cảnh sống. Bản thân tôi đã thay đổi được hoàn cảnh sống của mình. Năm năm trước, tôi phải ăn rau nhiễm thuốc còn bây giờ đi tới bất cứ nơi nào, tôi đều có rau sạch mình trồng và người xung quanh được cùng hưởng dụng. Bản thân tôi giờ có thể cho đi một cách vô điều kiện.
Bố thí trong nhà Phật là chân thật cho đi một cách vô điều kiện, là tận tâm tận lực hy sinh phụng hiến. Nếu có điều kiện thì không phải là tinh thần bố thí của nhà Phật. Trên Kinh Kim Cang nhà Phật nói một cách rõ ràng là bố thí phải đạt “Tam luân không tịch” tức là “không thấy mình bố thí, không thấy người nhận thí, không thấy đồ vật mình cho đi.”
Ngày nay, việc in ấn sách cũng không vô điều kiện, luôn là có bản quyền nên người vi phạm cũng có thể bị truy tố hoặc phía sau cuốn sách có in tài khoản để vận động mọi người cúng dường. Việc này cũng không phải là vô điều kiện. Chúng ta thấy Hòa Thượng cả cuộc đời của Ngài làm biết bao nhiêu là việc. Ngài chỉ cần nghĩ đến, tâm tưởng thì sự thành. Ngài nghĩ 100 ngôi trường thì liền có 100 ngôi trường ra đời, nghĩ đến Trung Tâm Giáo Dục Đệ Tử Quy thì có người bỏ ra hàng trăm triệu đô để xây dựng. Ngài muốn in Đại Tạng Kinh để tặng cho các thư viện, các trường đại học trên thế giới thì lập tức có hàng nghìn bộ Đại Tạng Kinh, mỗi bộ ba, bốn ngàn đô được in ra để Ngài tặng. Phía sau quyển Kinh không có tài khoản kêu gọi đóng góp. Các pháp hội của Tịnh tông Học hội tặng rất nhiều Kinh sách, hoan nghênh tặng cho mọi người, muốn lấy bao nhiêu cũng được mà không hề có số tài khoản quyên góp.
Chúng ta cũng phải cẩn trọng khi in hình ảnh trên các vật phẩm, đặc biệt là hình tượng của Phật pháp. Hòa Thượng chỉ dạy rằng việc gì trên Kinh có dạy, Tổ sư Đại đức có làm thì chúng ta mới làm. Ngày ngày, họ giảng về cách tu phước, tích phước, tiết phước nhưng chính họ lại không làm, lại lãng phí phước báu thì phước báu ở đâu ra? Tất cả nhưng việc làm sai đó có nhân quả không nhỏ.
Nhiều người bố thí đôi lúc lại không thể hiện đúng tinh thần của nhà Phật, luôn tỏ thái độ bề trên ban cho bề dưới. Hòa Thượng dạy về bố thí khiến tôi rất cảm xúc. Bố Thí không phải bề trên ban cho bề dưới mà bố thí chính là tận tâm tận lực, hy sinh phụng hiến một cách chân thành, thanh tịnh, từ bi. Người làm được như thế thì không có chướng ngại.
Ở Sơn Tây, chúng ta tặng quà cho những người xung quanh nên ban đầu họ ngại, dần dần, tặng quà miết thì trở nên thân thiết hơn nhưng họ vẫn không hiểu vì sao chúng ta làm như vậy. Bắc Giang, Đắc Lắc cũng vậy, nhiều người không hiểu đạo lý vì sao chúng ta tặng rau, đậu hay quà cho họ.
Chúng ta có thể không dùng ngôn từ Phật pháp mà bằng những lời dạy của ông bà để giải thích cho họ. Đối với người miền Nam là: “Bánh ít đi thì bánh quy lại”. Đối với người miền Bắc là: “Người ta ăn thì còn, con ăn thì hết”. Chúng ta cũng có câu “Lá lành đùm lá rách”, rồi lá rách đùm lá te tua. Chúng ta làm, sách tấn người cùng làm, nhờ đó, chúng ta tạo nên một làng xóm, một xã hội đoàn kết.
Nhà Phật dạy Tứ Nhiếp Pháp trong đó đứng đầu là Bố thí Nhiếp để nhiếp hóa chúng sanh, chính là tạo nên sự đoàn kết, thân ái, thân tình. Hôm trước tôi chia sẻ ở một vùng quê miền Bắc, nơi đó người dân trong làng đã chung tay sửa chữa một ngôi chùa. Tôi sách tấn họ là nên tiếp tục chăm lo đến những bà con khó khăn trong xóm. Đó cũng là cách làm phù hợp với tinh thần của nhà Phật! Chúng ta không khô cứng ở một hình thái mà tùy thuận với tất cả mọi hoàn cảnh để có thể chân thật làm lợi ích cho cộng đồng và xã hội.