36Thứ Năm, 29/08/2024, 18:08
9 · Phật Pháp Vấn Đáp - 9

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 29/08/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 09

Trong cuộc sống, trong tu học, chúng ta có rất nhiều vấn đề không biết cách giải quyết. Chúng ta không hỏi ai, chúng ta tự ý làm thì sẽ dẫn đến rất nhiều sai phạm. Nếu chúng ta tạo ra sai phạm nhỏ thì còn có thể cứu chữa, nhưng nếu chúng ta tạo sai phạm lớn thì chúng ta phải theo nghiệp mà thọ báo. Chúng ta có rất nhiều tập khí xấu ác nếu chúng ta “tự dĩ vi thị”, tự cho mình là đúng, chúng ta làm theo cách hiểu của mình thì sẽ dẫn đến những sai phạm không thể cứu chữa. Trong cuộc sống, chúng ta phải thưa hỏi những người có kinh nghiệm sống, trong tu hành chúng ta cũng phải thưa hỏi thiện hữu tri thức. Có những người tưởng rằng mình làm Phật sự nhưng thực ra là đang làm Ma sự. Người làm Phật sự thì tâm luôn hoan hỷ, người làm Ma sự thì trong nội tâm tràn đầy phiền não, chấp trước, chướng ngại. Người học Phật mà không buông bỏ chấp trước ngay trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng không có sự an lạc.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Khi con niệm Phật trong lòng có tâm cảm ơn hoặc có tâm cảm phải hướng đến Phật, phải học tập với Phật thì có phải là con có hai tâm không?”. Người sơ tâm như chúng ta nên có tâm cảm ơn, nghĩ đến giáo huấn của Phật. Người niệm Phật thuần thục thì chỉ cần chân thành niệm Phật,chúng ta không hoài nghi, không gián đoạn chính là có tâm hướng đến Phật, nghe lời Phật mà làm.

Hòa Thượng nói: “Đây không phải là hai tâm, đây là tâm chính xác. Chúng ta phải cảm ơn ân đức của Phật. Khởi lên tâm cảm ơn với Phật không phải là tâm trống rỗng mà chúng ta phải hướng đến Phật thật làm, mang giáo huấn của Phật đến với tất cả mọi người. Đây là chân thật báo ân”. Người sơ phát tâm niệm Phật như chúng ta phải nên có tâm này. Khi chúng ta niệm Phật thuần thục, không còn hoài nghi, xen tạp, gián đoạn thì chúng ta chỉ cần một câu “A Di Đà Phật” niệm đến cùng. Chúng ta đạt đến cảnh giới bất niệm tự niệm thì chúng ta không còn tâm nghĩ đến ân đức, nghĩ đến lời giáo huấn của Phật. Chúng talà người sơ phát tâm, thay vì chúng ta vọng tưởng đến “Danh vọng lợi dưỡng” thì chúng ta phải nghĩ đến ân đức của Phật, Lão sư, Cha Mẹ. Chúng ta nghĩ đến ân đức của mọi người, chúng ta có tâm tri ân thì chúng ta mới biết báo ân. Chúng ta có tâm tri ân thì chúng ta mới thật tâm, chân thành làm Phật sự, làm việc lợi ích chúng sanh.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Hằng ngày, con ngủ sớm, dậy sớm, ban ngày thì quy y chiêm ngưỡng, nỗ lực tinh tấn, chân thành theo lời dạy của Phật mà tu hành, vì người diễn nói; Tuy con không ở trong Phật thất nhưng suốt đêm con tinh tấn niệm Phật, như vậy thì con có được vãng sanh thế giới Tây Phương không?”. Người hỏi câu này thì trong tâm đã có sự hoài nghi. Người tinh tấn tu hành, có duyên giảng dạy Phật pháp, chuẩn mực Thánh Hiền thì tâm, nguyện, hạnh của họ đều giống như Phật vậy thì họ sẽ nhất định vãng sanh.

Hòa Thượng nói: “Đương nhiên là có thể. Bởi vì trong Tịnh Độ Ngũ Kinh một luận không nói là phải vào Phật thất mới vãng sanh, cũng không nói nhất định suốt đêm niệm Phật mới vãng sanh”. Chúng ta tu hành tùy theo cơ địa, sức khỏe của mình. Chúng ta phải đề khởi sự dũng mãnh, tinh tấn nhưng đa phần chúng ta giải đãi.

Hòa Thượng Đế Nhàn dạy người học trò của mình là người thợ vá nồi rằng: “Ông niệm câu “A Di Đà Phật”, mệt thì đi nghỉ, nghỉ khỏe thì mau mau niệm Phật”. Có người cảm thấy mệt nên họ ngủ thêm cả buổi sáng. Hòa Thượng từng nói, thể lực của người xưa rất khỏe, người xưa ba ngày ba đêm không ngủ cũng không sao. Ngày nay, chúng ta thức một đêm, ban ngày chúng ta không ngủ thì chúng ta đã không chịu đươc. Tâm Phật là tâm luôn nghĩ đến chúng sanh, tâm chúng sanh thì luôn nghĩ về mình.

Trong khi giảng giải “Kinh Vô Lượng Thọ”, Hòa Thượng nói: “Phật hiệu có thể gián đoạn nhưng Phật tâm không thể gián đoạn”. Tâm Phật là tâm luôn nghĩ đến chúng sanh, nghĩ đến cách thức, phương tiện để giúp đỡ chúng sanh một cách thiết thức nhất. Chúng sanh ở tầng không gian khác nhiều đến vô lượng vô biên, chúng ta sớm thành tựu một ngày thì chúng ta sớm một ngày có thể giúp chúng sanh khổ nạn. Nếu chúng ta luôn nghĩ đến chúng sanh thì chúng ta sẽ luôn dũng mãnh, tinh tấn. Chúng ta có tâm, nguyện, hạnh của Phật thì chúng ta nhất định thành Phật. Chúng ta hiểu, chúng ta nói ra được, chúng ta làm được thì chúng tacó thể vãng sanh. Chúng ta hiểu, chúng ta nói ra được nhưng chúng ta không làm được thì chúng ta không thể vãng sanh.