4130/08/2024, 13:28 30/08/2024, 15:19
10 · Phật Pháp Vấn Đáp - 10

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 30/08/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 10

Trong bài học hôm qua, có đồng tu cho rằng, từ lúc họ quy y, thọ giới, họ cẩn thận, nghiêm trì giới luật nhưng họ cảm thấy không có thọ dụng lớn, trong đời sống thường ngày mỗi khi gặp việc thì họ cảm thấy rất mệt mỏi. “Giới” là biệt giải thoát, chúng ta giữ giới nào thì chúng ta hoàn toàn được giải thoát khỏi giới đó, chúng ta không phạm phải giới đó một cách rất tự nhiên. Thí dụ, chúng ta giữ giới không nói dối thì chúng ta phải tạo thành thói quen không nói dối. Khi trong tâm chúng ta có ý định nói dối thì ý định đó đã bị chặn lại. Giới phải biến thành khởi tâm động niệm, hành vi của mình một cách tự nhiên. Trong vô hình chung, hành động tạo tác của chúng ta không vượt qua chuẩn mực của giới. Có người không thọ giới nhưng vẫn giữ giới được tinh chuyên.

Khi Bà Hứa Triết 101 tuổi, bà mới đến xin quy y với Hòa Thượng, bà hỏi Hòa Thượng: “Hòa Thượng ơi, con có đủ tư cách để quy y Phật không?”. Bà một đời hy sinh phụng hiến vì chúng sanh, tâm của bà thuần tịnh, thuần thiện, bà là tấm gương cho chúng ta. Hòa Thượng nói: “Bà hoàn toàn đủ tư cách, bà được điểm 10”. Người như bà thì khi giữ giới sẽ không gặp chướng ngại. Nhiều người cảm thấy trong đối nhân xử thế tiếp vật, làm việc gì cũng phải giữ giới nên họ cảm thấy mệt mỏi. “Giới tướng” là chúng ta chỉ giữ giới trên hình thức. Những người chỉ giữ giới trên hình thức trong nhà Phật gọi là không được đắc giới. Giới phải trở thành giới thể, biến thành khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của chúng ta. Người làm được như vậy mới đắc được giới thể. Chúng ta làm ở trên hình thức rất đẹp nhưng nội tâm của chúng ta trống rỗng thì chúng ta tu hành không có thọ dụng, không an vui. Người tu hành có tâm cảnh như vậy nhiều vô số kể.

Tôi thường nói, điều này giống như, chúng ta ở trong ngôi nhà giải thoát mà không được giải thoát, ở trong ngôi nhà an vui mà không được an vui. Chúng ta cảm thấy mình làm gì cũng không được, luôn cảm thấy mình như đang mắc lỗi. Chúng ta sợ mắc lỗi lầm nhưng chúng ta vẫn mắc lỗi là vì chúng ta chỉ chú trọng hình thức, không chú trọng nội tâm. Chúng ta tu học như vậy thì đời này và nhiều đời sau chúng ta sẽ không có hạnh phúc, an vui.

Chúng ta giữ giới không được ăn chiều nhưng chúng ta thường phải đi tiếp khách thì chúng ta vẫn ngồi ăn với khách, nhưng chúng ta tiết giảm việc ăn uống, khách cũng không cảm nhận được là chúng ta đang giữ giới không ăn chiều. Có người không ăn tỏi, không ăn hành nên khi đến nhà người khác ăn cơm thì họ gắp hành, gắp tỏi bỏ ra bên ngoài. Chúng ta làm như vậy thì chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu, và khiến người khác cũng khó chịu. Thí dụ, người khác kho đậu với hành thì chúng ta gạt hành qua một bên, chúng ta chỉ ăn đậu là được. Có người khi ăn bánh có trứng thì họ nhả trứng ra. Trước đây, tôi đi máy bay, trên máy bay không có đồ ăn chay, trong suất cơm của tôi có một miếng jum-bông, tôi gói miếng jum-bông lại để dành cho kiến và các chúng sanh khác, tôi ăn cơm không. Chúng ta tỏ ra mình là người tu hành, đi đâu chúng ta cũng giữ giới thì chúng ta làm ra dáng vẻ, gây phiền phức cho mọi ngươi. Đây là chúng ta tu hành không đúng cách.

Khi được mời đi ăn đám cưới, tôi dặn mọi người không cần đặt mâm cỗ chay riêng vì như vậy rất tốn kém. Tôi vẫn ngồi chung bàn với mọi người, trên bàn có thể có nước tương, rau, bún hoặc rong biển, có món ăn gì thì tôi sẽ ăn món ăn đó. Chúng ta phải hài hòa, gần gũi với mọi người. Trước đây tôi cũng đã có thời gian giữ giới không đúng cách như vậy, tôi tự lập định ra rằng người tu hành phải làm như vậy nhưng sau đó, tôi tự hỏi, có cần thiết phải như vậy không! Chúng ta phải khéo léo, không tạo ra sự lập dị. Mọi người cảm thấy người tu hành khó gần gũi, không hài hòa vậy thì họ chắc chắn sẽ không muốn tu.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Con chân thật phát tâm làm những việc từ thiện xã hội, trong tâm muốn y theo pháp sư, y theo đại chúng để hoàn thành viên mãn tâm nguyện này, thế nhưng ngay trong lúc làm, con gặp rất nhiều khó khăn vậy con phải nên làm như thế nào cho tốt?”. Người hỏi điều này không phải chân thật phát tâm làm công việc xã hội vì họ trong tâm có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên họ mới có chướng ngại. Họ chỉ cần buông bỏ phân biệt, chấp trước thì họ sẽ làm được. Hòa Thượng dạy chúng ta: “Việc tốt cần làm, nên làm, không công, không đức”.