38Thứ Tư, 28/08/2024, 17:16
8 · Phật Pháp Vấn Đáp - 8

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 28/08/2024.

-----------------------------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 08

Trong cuộc sống thường ngày, nếu chúng ta không phản tỉnh thì rất dễ bị người khác dẫn dụ, sai khiến làm vô số sự việc sai lầm. Bài học hôm trước, có người hỏi Hòa Thượng rằng có cần phải làm các việc này việc kia theo một số phong tục địa phương cho người chết hay không? Ở một số địa phương thường có các phong tục hoặc là tốt hoặc là không tốt, là hủ tục do một số người bày vẽ nhằm tạo ra sự huyền bí để trục lợi.

Chúng ta cần phải sáng suốt khi gia đình chúng ta đối diện với tang sự, cần phải tham vấn với người thấu suốt, hiểu chuyện. Điều quan trọng Hòa Thượng dạy chúng ta cách ứng xử đối với người chết là phải hoàn toàn y cứ vào Kinh điển của Phật hoặc tùy thuận theo các bậc tu hành chân chánh. Kinh điển hay các bậc tu đạo hạnh có nhắc đến thì chúng ta nên làm, không nhắc đến thì chúng ta chớ làm.

Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay khá là cao sâu, huyền bí thể hiện rằng người hỏi đang quá tự hào mình là người học sâu, hiểu rộng. Câu hỏi thì như hỏi trên trời còn hành động việc làm của họ thì ở dưới đất thấp. Họ hỏi rằng: “Di Đà và tự tánh thể là một. Niệm là đề khởi tánh thể. Ngay khi đề khởi tánh thể là tâm sanh vạn pháp. Thế nhưng học trò công phu chưa chín muồi, đang niệm Phật thì vọng tưởng khởi lên trùng trùng. Nếu buông bỏ quá niệm thì giác tâm nó an, nếu không niệm Phật thì vọng niệm cũng sanh. Tâm viên ý mã thật là khó hàng phục tâm này. Con xin hỏi Hòa Thượng là làm thế nào cho tốt ?

Rất nhiều người có bệnh hiểu thì trên trời nhưng làm thì chẳng tới đâu. Những ông già bà cả đâu cần hiểu gì đâu, chỉ là buông bỏ mọi vọng niệm phiền não mà niệm Phật từ sáng đến chiều. Niệm mệt thì nghỉ, niệm đói thì đi ăn, xong việc thì lại niệm tiếp.

Căn bệnh nằm ở chỗ các khái niệm như “tánh thể khởi tác dụng là gì?” đều hiểu được; “tâm viên ý mã là gì” cũng hiểu được chính là tâm như con khỉ chuyền cảnh, ý như con ngựa rong ruổi trên thảo nguyên không cách gì khống chế; hiểu được “niệm Phật là gì?” và “tự tánh Di Đà duy tâm Tịnh Độ” nhưng bản thân lại không khắc chế được vọng tưởng, tập khí phiền não, làm không đến đâu. Đây gọi là Phật học, là nghiên cứu thấu đáo nhưng thực hành thì chưa tới.

Đây là căn bệnh nửa mùa, cao không cao, thấp không thấp nên rất khó đối trị. Thà là cao hẳn hay thấp hẳn thì dễ đối trị. Trước kia có một cụ già cùng ở trên thất này, khi hỏi cụ ăn được không thì cụ nói “A Di Đà Phật!”; cụ ngủ được không? Cũng “A Di Đà Phật!”; cụ khỏe không? Lại là “A Di Đà Phật!”. Cụ không trả lời. Lúc đầu tôi cũng khó chịu nhưng sau mới hiểu ra là: “Quá tốt! Cần thiết gì phải trả lời!”. Cứ hỏi đến là “A Di Đà Phật!” Như vậy là được rồi đâu cần kiến thức cao siêu, hiểu biết các khái niệm.

Hòa Thượng rất từ bi, Ngài trả lời rất nhiều cho câu hỏi thứ nhất này vì Ngài biết rằng đây là tâm bệnh vô cùng khó chữa: “Tâm tánh là học vấn rất sâu, cảnh giới rất là rộng. Nếu như không buông bỏ vọng tưởng chấp trước thì đối với những chân tướng sự thật đều không cách gì lý giải (thể nhập) thấu đáo. Chúng ta trong quá trình là người sơ học cũng chỉ là nghe Phật nói ra (những đạo lý cao siêu) mà thôi không phải là cảnh giới của chính mình.

Lúc này cần phải xem căn tánh của chính mình, nếu là lợi căn thì phiền não nhẹ trí tuệ lớn, có khả năng để ngộ nhập, thế nhưng, nhất định phải thân cận thiện tri thức. Sau khi khai ngộ, ở trong hội của thiện tri thức rồi thì mới có thể rời khỏi, còn chưa khai ngộ thì chưa được rời khỏi

Hội” chính là trong lớp học như chúng ta đây. Bản thân tôi đã trải qua mấy mươi năm học với Hòa Thượng, đến bây giờ vẫn đang học Hòa Thượng và hết cuộc đời này vẫn chỉ học theo Ngài. Không lúc nào ngơi nghỉ. Vì sao vậy? Vì mình biết rằng mình chưa ngộ nhập cảnh giới của Phật hay cảnh giới mà Hòa Thượng truyền dạy. Cho nên suốt cuộc đời mình chỉ theo học Ngài. Chúng ta nghe Hòa Thượng thì phải chú ý rằng chúng ta được nghe đạo lý là từ Phật nói ra chứ không phải là cảnh giới của chính mình. Cảnh giới đó quá hay nhưng chân thật là chúng ta chưa làm được chút nào.