Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 17/11/2024.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 88
Trong 10 điều tâm niệm của nhà Phật, có một điều là: “Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh khổ, nếu không bệnh khổ thì tham dục dễ sanh”. Chúng ta mang thân người trong thời buổi hiện đại này khi hoàn cảnh ô nhiễm, tâm lý ô nhiễm, mọi sự ô nhiễm mà mong mình không có bệnh thì đó chính là vọng tưởng. Cho nên nếu một ai hoặc một giáo phái nào nói rằng rèn luyện pháp nào đó sẽ không già, không bệnh, không chết thì chính họ đang tự gạt mình, gạt người.
Đạo lý mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã thuyết tại Vườn Nai cho năm anh em ông Kiều Trần Như là pháp Tứ Diệu Đế, trong đó nói đến “Sanh Lão Bệnh Tử” là khổ. Khi Phật sắp nhập Niết Bàn, Ngài cũng thị hiện bệnh khổ trên thân tứ đại. Bao đời Tổ sư Đại đức tu hành chứng đạo, trước lúc rời thân tứ đại, cũng trải qua bệnh khổ. Cho nên chúng ta chớ nên tin những lời nói lừa gạt rằng luyện pháp này hay pháp kia sẽ không già, không bệnh, không chết.
Tổ sư Đại đức của chúng ta cũng đều theo định luật của vũ trụ mà xả bỏ báo thân, vậy thì những tổ sư của những giáo phái đó có không già, không bệnh, không chết không? Vì sao con người lại dễ tin đến như vậy? Vì con người vốn dĩ sợ chết. Cho nên làm gì để không già, không bệnh, không chết là nhu cầu của con người. Họ có thể bỏ ra rất nhiều tiền để đạt được điều này.
Các đời vua chúa xưa cũng mong muốn ngồi lâu trên ngai vị để hưởng vinh hoa phú quý nên chính họ cũng mong muốn tìm ra phương thuốc trường sinh bất lão. Bao nhiêu người đã phải bỏ mạng vì sự vọng tưởng, tham cầu vô lý này của họ. Họ ra lệnh rằng nếu không tìm được thuốc trường sinh bất tử thì đừng có về, nếu về thì sẽ phải chết. Chúng ta phải tỉnh táo đừng dại khờ mà nghe những lời nói như thế.
Con người cũng đã nghiên cứu một số cách rèn luyện thân thể, thế nhưng, chúng ta chỉ cần lạy Phật ví dụ từ 40 tuổi trở lên, đầu hôm lạy 100 lạy, tối lạy 100 lạy, thì thân thể luôn khỏe mạnh, cường tráng, không bệnh. Hòa Thượng lúc ở độ tuổi 90, Ngài có một chút đồi mồi dưới da. Còn khi dưới 90 tuổi, làn da của Ngài như một thanh niên.
Ngày nay, người ta rất thích vô công hưởng lộc, không thích rèn luyện vì việc đó quá khổ cực. Sáu giờ tối hôm qua, tôi vẫn ở Sài gòn nhưng sáng nay, tôi đã có mặt ở Đà Lạt. Buổi sáng, tôi vẫn dậy lễ Phật đầy đủ và bây giờ thì lên lớp. Rõ ràng tôi có mệt nhưng tôi đã lập định cho cơ thể của mình. Tất cả là ở nơi ý chí của chính mình. Chính chúng ta phải vượt qua, không nên có tâm thái ỷ lại, nương nhờ hay ai cầu, xin xỏ.
Phần nhiều là chúng ta có thái độ ai cầu, xin xỏ. Đối với quan tham thì xin xỏ được còn đối với Phật Bồ Tát, các Ngài sẽ không làm được. Chúng ta cứ y giáo phụng hành làm theo lời dạy của các Ngài thì sẽ có kết quả. Nếu chúng ta mong muốn ban phước thì ở nơi nhà Phật không có việc này. Nếu có sự ban phước thì đây là cảnh giới đã mắc vào lưới Ma, đã bị Ma dụ dỗ rồi.
Pháp mà Phật thuyết trong lần chuyển pháp luân đầu tiên là Tứ Diệu Đế, trong đó Ngài khẳng định con người sanh ra ở cõi đời này, không ai tránh khỏi “Sanh Lão Bệnh Tử”. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ cảm nhận được sự già nua của chính mình và nếu chúng ta không làm những việc cần làm trước khi tuổi già đến thì sẽ quá muộn màng.
Hòa Thượng nói: “Người ngày nay thích nghe gạt, không thích nghe khuyên”. “Khuyên” là những lời nói chân thật, đúng đạo lý về quy luật của cuộc sống, của kiếp người mà không ai tránh được. Còn “Gạt” là những lời nói cho rằng tu theo pháp này thì không già, không bệnh, không chết. Chỉ cần người hiểu về đạo lý nhân sanh cũng thấy đây là lừa gạt vì đâu có ai mà tránh được “Sanh Lão Bệnh Tử” đâu. Ngoài nghĩa địa đầy những người chết, đâu phải già hay thanh niên mới chết mà trẻ vừa sanh cũng bỏ mạng.
Nhà Phật có lời dạy rằng: “Chớ đợi đến già mới tu hành, niệm Phật, mộ ngoài đồng đâu thiếu gì tuổi trẻ”. Chúng ta hiểu điều này rồi thì chúng ta hãy tận tâm tận lực hy sinh phụng hiến và làm những việc cần làm cho tất cả mọi người. Điều đó mới đem lại giá trị không già, không bệnh, không chết. Thân thể của chúng ta thì phải tuân theo quy luật. Có nhiều người tu học Phật vài chục năm rồi mà thấy mình càng lúc càng già nua, bệnh khổ càng lúc càng nhiều nên họ liền bỏ Phật, chạy theo luyện pháp không già, không bệnh, không chết.