Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 14/11/2024.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 85
Phật pháp đến thế gian là để làm lợi ích chúng sanh. Chúng ta học Phật, nếu chúng ta được tiếp nhận Phật pháp chân chính thì chúng ta sẽ chân thật có lợi ích, nếu chúng ta không được tiếp nhận Phật pháp chân chính thì chúng ta sẽ khổ không nói lên lời. Khi xưa, Thích Ca Mâu Ni Phật yêu cầu vật phẩm cúng dường phải là tịnh tài, tịnh vật; trước khi nhận cúng dường, người nhận cúng dường phải hỏi đó có phải là tịnh tài, tịnh vật hay không. Nếu vật cúng dường có được do hành vi phi pháp thì người tu hành sẽ không được tiếp nhận. Người tu hành tiếp nhận vật phẩm cúng dường là để phục vụ chúng sanh.
Hòa Thượng nói, tứ sự cúng dường bao gồm vật phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống, quần áo, đồ vật dùng để nghỉ ngơi, thuốc, chúng ta cúng dường những thứ này là chúng ta cúng dường đúng như pháp. Hiện tại, tứ sự cúng dường đều là tiền tài, người tu hành được cúng dường tiền tài càng nhiều thì tâm tham sẽ càng nặng, mất đi đạo tâm. Trên Kinh Phật thường nhắc nhở: “Tích tài tán đạo”. Nhiều đạo tràng, ban đầu, khi mọi người cùng tu hành trong một căn phòng nhỏ thì mọi người tu hành rất tốt, hòa thuận nhưng khi đạo tràng có nhiều tiền tài thì mọi người mất đi đạo nghĩa.
Hòa Thượng nhiều lần nhắc chúng ta: “Tài, sắc, danh, thực, thùy, Địa ngục ngũ điều căn”. Năm điều này là căn gốc đưa chúng ta thẳng đến Địa ngục. Nhà Phật cũng nói: “An bần lạc đạo”. An với cái nghèo, vui với cái đạo. Tiền tài không chỉ khiến chúng ta quên đi thế giới Tây Phương Cực Lạc mà còn quên đi tình nghĩa, đạo nghĩa, trở thành kẻ vong ân bội nghĩa, vô liêm sỉ.
Trong cuộc sống, chúng ta phải đối đãi thật tốt với những người có ân nghĩa, đạo nghĩa với chúng ta. Nếu chúng ta tích cực lo cho một nhóm người nhưng không quan tâm đến những người có ân nghĩa, đạo nghĩa thì chúng ta đã không có tâm Phật. Có những người chỉ lo nghĩ cho những người bạn đồng tu hay những học trò trung thành với họ. Chúng ta phải sáng suốt, tỉnh táo trong việc tu hành, giải thoát.
Hòa Thượng từng nói: “Tiền càng nhiều thì tâm tham càng lớn”. Nhiều người, khi cuộc sống kham khổ thì họ tu hành tinh tấn, khi có một chút tiền tài thì họ chìm đắm trong danh lợi, không muốn nghe ý kiến của người khác. Có người viết cho tôi lá thư rất dài hỏi về việc họ gặp phải vấn đề này, tôi khuyên họ cố gắng niệm Phật, đó là do nghiệp chướng nhiều đời, đây là thắng duyên để họ tu hành, nếu họ vượt qua được thì họ sẽ có đạo lực. Tâm tham sẽ làm chúng ta mất đi đạo tâm.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta cúng dường những người này, nếu họ đi vào tam đồ ác đạo thì chúng ta cũng phải gánh lấy trách nhiệm. Phật dạy, chúng ta phải nên có tâm từ bi vì tất cả chúng sanh mà làm ruộng phước. Chúng ta có chân thật đang đoạn ác tu thiện không? Nếu chúng ta khởi tâm động niệm đều vì chúng sanh mà lo nghĩ thì chúng ta mới là ruộng phước”. Chúng ta muốn trở thành ruộng phước cho chúng sanh thì chúng ta phải làm những việc thiết thực, chân thật lợi ích cộng đồng. Nếu một mảnh ruộng tốt thì khi mọi người gieo hạt xuống, hạt sẽ nảy mầm; nếu mảnh ruộng có nhiều cỏ dại thì khi chúng ta rải thóc, hạt thóc đó không thể sinh sôi.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta có đủ tu cách là phước điền của chúng sanh không? Nếu chúng ta không phải là phước điền của chúng sanh mà chúng ta nhận cúng dường của chúng sanh thì chúng ta phải gánh lấy trách nhiệm nhân quả”. Nếu chúng ta không có trí tuệ thì chúng ta sẽ làm ra nhiều việc sai trái. Chúng ta muốn có trí tuệ thì chúng ta phải xa lìa “danh vọng lợi dưỡng”, an định trong giới luật. Chúng ta có trí tuệ thì chúng ta mới phân minh được thiện ác.
Ngày trước, Tổ Sư Đại Đức thường tránh duyên, tránh tiếp xúc với nhiều người. Con người luôn đầy tham cầu, họ luôn tham cầu bình an, khỏe mạnh; nếu chúng ta nhận cúng dường của họ mà cuộc sống của họ không bình an, khỏe mạnh thì chúng ta sẽ phiền phức.
Hòa Thượng nói: “Phật Bồ Tát, Cha Mẹ ban cho chúng ta vô điều kiện, nhưng những người khác cho chúng ta đều có điều kiện”. Người khác cho chúng ta thứ gì cũng đều có điều kiện; thậm chí nếu chúng ta khiến họ đau khổ, khiến họ phải vào vòng luân hồi sinh tử thì họ sẽ đến đòi nợ chúng ta. Ngoài Thầy Cô, Cha Mẹ, Phật Bồ Tát thì chúng ta cẩn trọng khi tiếp nhận của những người khác.