Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 09/11/2024.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 80
Chúng ta tu hành không phải để chứng đắc một cảnh giới nào đó mà phải loại trừ tập khí, phiền não xấu ác của chính mình. Chúng ta mong cầu chứng đắc một cảnh giới nào đó thì chúng ta đã rơi vào tà tri, tà kiến. Chúng ta tu hành, chúng ta cũng không cần cầu tai qua, nạn khỏi, mạnh giỏi, bình an, có đời sống an vui. Người xưa nói: “Người phước nhất định ở đất phước, đất phước chỉ dành cho người phước”. Chúng ta chân thật cải đổi những tập khí xấu ác thì chúng ta đã có phước, người có phước nhất định sẽ ở nơi có phước. Chúng ta học Phật mà chúng ta mong cầu một thứ nào ở bên ngoài thì chúng ta đã sai lầm nghiêm trọng. Nhà Phật nói: “Ngoài tâm tìm Phật thì không thể thấy Phật”. Phật chính ở nơi tâm của chúng ta.
Một trong những tập khí xấu ác nhất của chúng ta là “tự tư tự lợi”, chúng ta khởi tâm động niệm đều vì chính mình, cái của mình. Chúng ta nghĩ đến mình nên chúng ta thỏa mãn năm dục, khởi “tham, sân, si, mạn”, ảo danh, ảo vọng. Chúng ta triệt để loại bỏ “tự tư tự lợi” thì những tập khí khác sẽ giảm nhẹ và mất đi. Những tập khí xấu ác này đã theo chúng ta từ vô lượng kiếp, không dễ loại bỏ. Nếu chúng ta chứng quả A – La – Hán thì tập khí của chúng ta vẫn còn. Các bậc A – La – Hán khi nghe thấy nhạc trời, trong bất tri bất giác cũng lắc lư theo nhạc, đây là tập khí của các Ngài vẫn hiện hành.
Hòa Thượng từng đưa ra một ví dụ, nếu chúng ta dùng một chiếc bình để đựng rượu thì cho dù chúng ta rửa sạch chiếc bình đó nhiều lần, chiếc bình đó vẫn có mùi rượu. Chúng ta không thể khiến cho chiếc bình không còn mùi ngay lập tức. Nếu chúng ta mở nắp bình và để chiếc bình ra ngoài trời một thời gian dài thì chiếc bình sẽ tự nhiên không còn mùi. Tập khí không khởi hiện hành nhưng gốc của những tập khí này vẫn tồn tại một cách vi tế. Hôm qua, chúng ta học dịch “Tịnh Độ Đại Kinh khoa chú”, Hòa Thượng giảng “Chúng ta phải trải qua ba A Tăng Kỳ Kiếp thì những tập khí xấu ác mới dần dần mất đi”.
Hằng ngày, chúng ta không nên tiếp xúc với những hoàn cảnh khiến chúng ta bị ô nhiễm. Thí dụ, chúng ta bước vào vũ trường, tiếng nhạc, hoàn cảnh xung quanh sẽ khiến chúng ta nhảy múa theo; Hay khi chúng ta bước vào quán nhậu, chúng ta cũng sẽ dần dần cũng sẽ bị lôi cuốn bởi mọi người. Chúng ta đừng bao giờ cho mình có cơ hội để những tập khí xấu ác có duyên để dấy khởi.
Những năm gần đây, khi tôi ra Hà Nội, tôi chỉ ở Ngọc Linh, sau khi ăn sáng xong thì tôi di chuyển qua khu đào tạo Sơn Tây để làm việc, làm việc xong thì tôi trở về Ngọc Linh, không tiếp xúc với mọi người. Nếu ở khu đào tạo Sơn Tây đủ điều kiện để học tập thì tôi sẽ ở đó, không cần di chuyển sang Ngọc Linh. Hòa Thượng nói: “Chúng ta đi nhiều, tiếp xúc nhiều thì thị phi cũng sẽ nhiều”. Chúng ta không cẩn trọng thì “danh vọng lợi dưỡng”, phải trái, tốt xấu cũng sẽ cuốn chặt lấy tâm chúng ta. Tôi vừa làm việc vừa niệm Phật, học tập. Tôi tránh duyên để tập khí, phiền não không có cơ hội dấy khởi. Tập khí của chúng ta đã tan nhạt giống như một chiếc chai đã từng đựng rượu, nay chỉ còn mùi rượu nhưng nếu gặp duyên thì tập khí vẫn sẽ dấy khởi. Chúng ta biết tránh duyên là chúng ta biết cách bảo hộ tâm thanh tịnh, bảo hộ giới thân, huệ mạng của mình. Chúng ta đừng để thân phạm phải sai lầm là chúng ta giữ giới cho thân, giữ giới cho tâm, để tâm chúng ta thanh tịnh.
Nhiều người niệm Phật nhiều năm nhưng vẫn “tự tư tự lợi”, họ lo sợ mình không thể vãng sanh. Chúng ta tu hành, niệm Phật đúng như pháp thì chúng ta nhất định sẽ vãng sanh. Nhiều người chỉ niệm Phật mong được vãng sanh nên họ không làm bất cứ việc gì. Hòa Thượng nói: “Nếu không cần làm gì thì Thích Ca Mâu Ni Phật đâu cần bôn ba suốt 49 năm, ngày ngày giảng Kinh nói pháp, không một ngày nào nghỉ ngơi”.
Hòa Thượng cũng từng nói: “Tự hành giúp cho hóa tha, hóa tha giúp cho tự hành”. Chúng ta giúp ích cho chúng sanh thì đó là chúng ta giúp cho chính mình. Chúng ta không tiếp xúc với người thì chúng ta không có hoàn cảnh để khảo nghiệm những tập khí, phiền não của chính mình. Chúng ta cho rằng tâm chúng ta thanh tịnh, không còn “tự tư tự lợi”, “tham, sân, si, mạn” nhưng khi chúng ta gặp cảnh thì những tập khí của chúng ta vẫn còn nguyên. Hiện tại, nếu chúng ta điểm danh thì những tập khí tham, sân, si của chúng ta đều có đầy đủ. Những tập khí này đã theo chúng ta từ vô lượng kiếp, chúng đã rất “chung thủy” với chúng ta. Chúng ta tránh hết mọi cảnh duyên thì những tập khí này không thể dấy khởi.