Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 08/11/2024.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 79
Hòa Thượng nói, chúng ta không thể cảm hoá những người xung quanh vì chúng ta không mở rộng tâm lượng, lòng từ bi của chúng ta chưa khiến mọi người cảm động. Chúng ta chân thật có từ bi thì người khác ở cạnh chúng ta họ cũng sẽ cảm động. Ngày trước, Thích Ca Mâu Ni Phật trở về thành Ca Tỳ La Vệ, khi cậu bé La Hầu La đứng cạnh Phật, cậu nói: “Chỉ chiếc bóng của Ngài cũng làm con mát mẻ an vui!”. Người chân thật tu hành thì năng lượng từ bi mà họ phát ra có thể cảm hoá tất cả chúng sanh, cả chúng sanh vô tình và hữu tình. Hòa Thượng nói, trong xã hội hiện đại chúng ta phải làm ra tấm gương để nhiếp phục người.
Tổ Sư Đại Đức tu hành nghiêm túc nên trên thì cảm hoá được Thiên nhân, dưới thì cảm hoá được Quỷ thần, không cần đến pháp thuật. Yêu Ma Quỷ Quái dùng pháp thuật, chiêu trò ma mị để lừa gạt mọi người. Phật Bồ Tát, người chân thật tu hành dùng tâm chân thành, thanh tịnh, từ bi để cảm hoá người. Từ tâm chân thành, thanh tịnh, từ bi lưu xuất ra trí tuệ, trí tuệ này giúp các Ngài quán thông được mọi sự, mọi việc. Những việc làm xuất phát từ trí tuệ thì sẽ chân thật lợi ích cho chính mình và lợi ích cho người đời sau. Thích Ca Mâu Ni Phật sống cách đây gần 3000 năm, Khổng Lão Phu Tử sống cách đây hơn 2000 năm nhưng những giáo huấn của các Ngài vẫn hữu dụng, giáo huấn của các Ngài không bị không gian, thời gian đào thải.
Hòa Thượng nói, người không thật làm mới phải dùng chiêu trò lừa gạt chúng sanh, Phật Bồ Tát thật làm nên các Ngài khiến chúng sanh cảm động. Chúng ta tu hành, trước tiên chúng ta phải mở rộng tâm lượng, nếu chúng ta không mở tâm thì chúng ta càng tu hành càng gặp nhiều chướng ngại.
Tôi thường nói: “Trước khi chúng ta mở ví tiền thì chúng ta phải mở tâm”. Nếu chúng ta mở ví tiền mà chúng ta chưa mở được tâm thì sau đó, chúng ta sẽ cảm thấy hối hận, chúng ta tiếc những gì mình đã bỏ ra. Nếu chúng ta hối tiếc thì chúng ta làm khổ chính mình và mọi người, làm hư hại hình tượng của những người chân thật làm việc lợi ích chúng sanh. Ngày nay, khi chúng ta làm việc gì đó cho mọi người thì mọi người thường sẽ hoài nghi, đó là vì họ đã bị lừa nhiều lần.
Nếu chúng ta mở được tâm thì chúng ta sẽ luôn chân thật làm vì người khác. Người khác chưa tin chúng ta vì trong nội tâm chúng ta vẫn còn “tự tư tự lợi”, chưa hoàn toàn hy sinh phụng hiến. Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải tận tâm tận lực hy sinh phụng hiến”. Ngày nay, chúng ta chỉ cần nghĩ cho người 80%, nghĩ cho mình 20% thì chúng ta đã là người phi thường. Chúng ta phải học cách nghĩ cho người khác, ban đầu chúng ta nghĩ cho người 10%, nghĩ cho chúng ta 90%, sau đó, chúng ta mở rộng tâm, chúng ta nghĩ cho người 20%, nghĩ cho chúng ta 80%, khi nào chúng ta nghĩ cho người 50%, nghĩ cho ta 50% thì chúng ta sẽ bắt đầu cảm thấy an vui. Phật Bồ Tát luôn nghĩ cho người 100%. Chúng ta muốn học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền thì trước tiên chúng ta phải mở được tâm.
Hòa Thượng nói: “Tâm lượng của chúng ta càng rộng lớn thì công đức, phước báu của chúng ta sẽ càng rộng lớn”. Chúng ta làm việc nhỏ với tâm rộng lớn thì phước báu của chúng ta cũng to lớn. Chúng ta làm việc lớn nhưng tâm chúng ta nhỏ thì phước báu cũng sẽ nhỏ.
Ngày trước, khi gia đình bà Hứa Triết vừa dọn mâm chuẩn bị ăn cơm thì có một người ăn xin đến, Mẹ của bà Hứa Triết hỏi người ăn xin đã bao lâu không được ăn cơm, người ăn xin nói, ba ngày nay họ chưa được ăn gì. Mẹ bà Hứa Triết liền nói với các con, hôm qua, mọi người đã được ăn cơm rồi nên bữa cơm này sẽ nhường cho người ăn mày.
Việc làm của mẹ bà Hứa Triết tưởng chừng không có gì lớn lao nhưng bà Hứa Triết đã có ấn tượng sâu sắc về việc này. Bằng hành động nhường một bữa ăn, Mẹ của bà đã độ được một người con, sau này, cả cuộc đời bà Hứa Triết đã hy sinh phụng hiến vì mọi người, bà trở thành quốc bảo của Singapore. Chúng ta làm những việc lớn nhưng tâm chúng ta có tham, sân, si, ngạo mạn thì những việc đó sẽ gây hại cho người. Chúng ta làm việc nhỏ nhưng chúng ta chí công vô tư thì công đức, phước báu của chúng ta không nhỏ. Phật Bồ Tát mỗi niệm đều vì tất cả chúng sanh tận hư không pháp giới. Chúng ta là đệ tử của Phật, học trò của Thánh Hiền, khởi tâm động niệm của chúng ta có giống các Ngài không?