Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 27/08/2024.
-----------------------------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 07
Trong bài học hôm trước, có người hỏi Hòa Thượng rằng họ đã thọ 5 giới gồm: “Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ” thế mà trong mộng vẫn thấy mình giết người và trong cuộc sống thường ngày có khởi ý niệm ác này, như thế có phải là phá giới không? Hòa Thượng trả lời rằng nếu thọ 5 giới thì “trên tâm” không luận tội mà chỉ luận tội “trên sự” tức là có làm thì mới phạm giới, tuy nhiên, thọ Bồ Tát giới thì sẽ luận tội ở “trên tâm”.
Nhiều người không hiểu điều này nên thấy người ta thọ Bồ Tát giới thì bắt chước thọ giới theo. Họ nghe thông tin rằng khi thọ Bồ Tát giới thì chết đi sẽ được làm Bồ Tát hoặc chỉ cần thọ Bồ Tát giới là mình làm Bồ Tát. Cũng có người bảo chúng ta thọ Bồ Tát giới là để đòi hỏi sự cúng dường vì Bồ Tát là phải biết thí xả. Chúng ta nên hiểu rằng khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của Bồ Tát rất tỉ mỉ quán sát và Bồ Tát có một pháp là “Ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, không để bất cứ một ý niệm bất thiện nào xen tạp”.
Cho nên chúng ta phải biết thưa hỏi đến Thầy Cô bên trên, đến bạn đạo để biết việc mình làm có sai không? Nếu chúng ta không hỏi ai, tự cho mình là biết và xem người xung quanh mình là không biết thì sẽ bị người khác gạt te tua. Sau khi sự việc đã đổ bể ra rồi thì chúng ta mới biết rằng không chỉ mình mà bao nhiêu người khác trong và ngoài nước đều bị gạt như mình. Đó là trong cuộc sống thường ngày còn trong tu hành thì chắc chắn phải hỏi.
Trong thời gian trước, người ta lưu truyên và kêu gọi nhau chép Kinh Địa Tạng và đặt Kinh vào tượng Địa Tạng rồi nhập thất. Đó là việc của người ta chúng không bàn đến mà chúng ta chỉ nhắc đến vai trò, trách nhiệm của các Thầy Cô giáo chúng ta hiện đang làm công tác giáo dục. Tại sao mình không làm tròn trách nhiệm của Thầy Cô giáo mà đi chép Kinh để nhập thất trong khi Kinh được chép ra hay phổ biến là để cho người đọc hiểu mà thực hành thì mới có lợi ích. Hòa Thượng từng cảnh báo là có tới 99%, chúng ta có nguy cơ rơi vào tà kiến.
Chúng ta đừng chủ quan mà ỷ lại vào việc mình là người có học thức, có bằng cấp! Vừa rồi ở Bình Thuận, có người là giáo viên nhiều năm, đã tin theo một đạo lạ, khiến vợ chồng tan nhà nát cửa, ly tán nhau. Cho nên khi có vấn đề gì thì mình phải biết thưa hỏi lên Ông Bà, Cha Mẹ, Thầy Cô hoặc những người trong dòng họ có tu tập, có đức hạnh. Nếu sự việc bất thường thì những người cao hơn sẽ giúp mình nhìn nhận đúng sự việc. Tránh âm thầm tự làm, đến lúc đổ bể ra thì hết cứu chữa. Chúng ta phải đặc biệt chú ý chỗ này.
Ngày xưa Ngài Lý Bỉnh Nam chỉ khuyên người ta quy y Tam Bảo chứ không khuyên thọ trì ngũ giới. Vì sao? Vì họ không làm được. Ngài khuyên họ quy y Phật là Giác, quy y Pháp là Chánh và quy y Tăng là Tịnh, khuyên họ trở về với Giác, Chánh, Tịnh dần dần họ tin rồi, mới khuyên họ giữ giới. Tuy nhiên, có rất nhiều người khi được quý Thầy hỏi tại Lễ Quy Y Tam Bảo và thọ năm giới rằng: “Phật tử có thể giữ được giới không sát sanh không?” thì Phật tử đều thưa là “Dạ! Giữ được ạ!” nhưng bản thân họ mập mờ không giữ giới. Họ phát nguyện thọ giới rồi nhưng không giữ giới, đặc biệt có khi còn phạm cả giới “Tà dâm”.
Trong bài học hôm nay, câu hỏi thứ nhất có người hỏi rằng: “Thưa Hòa Thượng, có người phát tâm xuất gia và nghe nói một tự viện nào đó có một minh sư nên liền đến nơi đó làm công quả, hy vọng có thể thân cận, kết duyên và trở thành đệ tử nơi đó. Cách làm như vậy có phải bị xem là có tâm riêng tư cầu ân báo, cầu quả báo hay không?”
Hòa Thượng trả lời rằng: “Người xuất gia nhất định phải hiểu rõ ý nghĩa của xuất gia nếu không về sau, hành nghi và việc làm của chúng ta trái phạm với giới luật mà Thế Tôn đã định ra cho người xuất gia. Vậy thì không tốt! Xuất gia thì phải làm ra tấm gương “học vi nhân sư, hành vi thế phạm” cho đại chúng xã hội. Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều là mô phạm cho đại chúng xã hội. Như vậy thì xuất gia mới có vô lượng vô biên công đức.
“Nếu làm trái lại sẽ không bằng người tại gia. Tại gia tu hành vẫn có thể có được thành tựu, thành Phật, thành Bồ Tát. Cho nên người chân thật là bậc thiện tri thức thì không tùy tiện khuyên người xuất gia. Tổ sư Ấn Quang cả đời không khuyên người xuất gia cũng không dám nhận đệ tử xuất gia. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam cũng không khuyên người xuất gia.