62Thứ Năm, 07/11/2024, 13:43
78 · Phật Pháp Vấn Đáp - 78 _ 1 78 · Phật Pháp Vấn Đáp - 78 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 07/11/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 78

Tất cả hình tượng trong nhà Phật đều là biểu pháp để giáo hoá, nhắc nhở chúng sanh nỗ lực tu hành. Trong nhà Phật, biểu tượng bánh xe pháp luân có ý nghĩa là chúng ta phải mang Phật pháp tuyên dương, thuyết giảng cho tất cả chúng sanh, không phân biệt màu da, chủng tộc. Chúng ta tu hành theo giáo huấn của Phật, làm ra biểu pháp thì đó là chúng ta đã chuyển pháp luân.

Có người nói với Hòa Thượng, khi họ nhìn thấy tượng Phật, họ khóc vì họ nghĩ đến việc Phật đã dày công giáo hóa chúng sanh nhưng chúng sanh không nghe theo. Hòa Thượng nói, đó là họ đã khởi được tâm từ bi. Sau khi chúng ta khởi tâm từ bi, chúng ta phải thật làm theo giáo huấn của Phật Bồ Tát. Chúng ta “y giáo phụng hành” thì chúng ta đã làm ra biểu pháp cho tất cả chúng sanh. Nhiều người chỉ khởi tâm thương cảm nhưng không nỗ lực làm nên họ không có được lợi ích. Chúng ta thường tỏ vẻ từ bi đối với tất cả chúng sanh nhưng chúng ta phải khóc cho chính mình vì chính chúng ta cũng không làm theo lời Phật. Những lời nhắc nhở của Phật, của Tổ Sư Đại Đức thường như gió thoảng qua tai chúng ta. Có những người tâm rất động, họ ở yên một nơi mà họ luôn đi đến rất nhiều đạo tràng. Chúng ta phải rất thận trọng, chúng ta đi nhiều, nghe nhiều chuyện thị phi thì chúng ta sẽ bị mất tâm thanh tịnh.

Chúng ta phải có thiết lập những thời khoá, định khoá nhất định cho mình. Nếu ngày nào chúng ta cũng trễ giờ thời khóa thì chúng ta không có công phu tu hành. Tôi bôn ba khắp nơi nhưng nếu tôi đã định ra thời khoá thì tôi sẽ tuân theo. Hơn 2000 ngày qua, tôi luôn lên học đúng giờ vì tôi biết nghiệp chướng, tập khí của tôi rất sâu dày, cho dù tôi bị bệnh nặng thì tôi vẫn dạy đúng giờ để thời khoá. Chúng ta tu hành không có thành tựu thì khi sinh tử đến chúng ta sẽ oán Phật, sẽ trở thành oan gia của nhà Phật. Chúng ta trở thành oan gia của nhà Phật vì chúng ta cho rằng, chúng ta học Phật nhiều năm nhưng chúng ta vẫn phiền não, khổ đau, con đường giải thoát của chúng ta vẫn mờ mịt. Chúng ta có tâm oán Phật thì chúng ta đã phạm tội ngũ nghịch, chúng ta sẽ đi thẳng vào Địa ngục A Tỳ.

Hôm trước, khi ở trên máy bay, tôi ngồi cạnh hai Mẹ con, khi người Mẹ bóc một chiếc bánh, tôi hỏi nhân của chiếc bánh là gì. Họ nói, chiếc bánh đó có nhân mứt. Tôi nói với họ, tôi đã ăn chay nhiều năm. Tôi nói như vậy để gợi lên cho họ thiện tâm, họ sẽ cảm thấy an lành khi ngồi cạnh tôi. Đó là chúng ta đã diễn pháp, chuyển pháp luân. Chúng ta phải làm mọi việc bằng tâm vì chúng sanh, vì người lo nghĩ, không vì “danh vọng lợi dưỡng” hay vì khoe khoang.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, gia đình con có một người em, hai năm trước người em này đã bị tai nạn xe và mất, anh chị em con vì lo cho sức khỏe của Mẹ nên đã nói với Mẹ là người em làm ăn ở xa nên không thể về thăm Mẹ. Chúng con thống nhất phải luôn có người ở nhà với Mẹ, càng đông càng tốt để Mẹ luôn cảm thấy yên lòng. Chúng con cảm thấy làm như vậy là đại vọng ngữ, là bất hiếu, lừa gạt người già nhưng nếu chúng con nói ra sự thật thì Mẹ sẽ rất đau lòng, xin hỏi chúng con phải làm như thế nào?

Hòa Thượng nói: “Mọi người làm như vậy là đã có tâm hiếu, đây không phải là vọng ngữ, đây gọi là khai duyên, không phạm giới. Nếu người già biết được việc đau lòng này sẽ rất khó vượt qua. Chúng ta dùng phương tiện khéo léo giấu bà cũng là việc tốt nhưng chúng ta phải dùng Phật pháp khuyên bà, thường nhắc bà niệm Phật, để bà biết rằng thế gian là vô thường, đừng quá chấp trước vào người thân. Khi người Mẹ chịu phát tâm niệm Phật, buông bỏ tình chấp thì khi biết tin con trai mất họ cũng sẽ cảm thấy rất nhẹ nhàng”.

Người Mẹ đã già yếu, nếu nghe tin người em mất thì Mẹ sẽ rất đau lòng, không thể chịu đựng được. Những người Mẹ thường sẽ cảm nhận được sự mất mát, trống vắng nếu người con của họ đã rời khỏi thế gian.

Hòa Thượng nói: “Người niệm Phật mà không thể vãng sanh là do hai nguyên nhân chính, nguyên nhân thứ nhất chính là không thể buông xả tình thân, đây chính là tham ái. Nguyên nhân thứ hai đó là chướng ngại do tâm hận thù. Chúng ta có tâm hận thù hay chấp vào tình thân thì chúng ta đều không thể vãng sanh”. Những người khiến chúng ta vui thì chúng ta thường dễ quên nhưng người khiến chúng ta đau khổ thì chúng ta sẽ nhớ mãi. Người nào đắc tội với chúng ta thì chúng ta thường luôn khởi niệm oán hận. Hôm trước, tôi xem một video, có một người lái xe ô tô đâm đổ cổng của một đám cưới do họ có ân oán với gia đình đang tổ chức đám cưới. Họ làm như vậy thì họ sẽ bị pháp luật xử lý, bị người cho thuê rạp cưới bắt đền.