58Thứ Tư, 06/11/2024, 21:53
77 · Phật Pháp Vấn Đáp - 77 _ 1 77 · Phật Pháp Vấn Đáp - 77 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 06/11/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

 BÀI 77

Đời sống càng hiện đại thì tham cầu, vọng tưởng của con người càng lớn mạnh. Có người lợi dụng shopee để lừa đảo người khác. Còn người mua thì muốn mua đồ khuyến mại nên đã bỏ ra số tiền lớn nhưng kết cục là thưởng thì có thưởng song hàng nhận về toàn là hàng dởm. Đây là kẻ xấu đánh vào lòng tham của con người.

Tham là đầu nguồn của mọi đau khổ và chướng ngại. Chặn được đầu nguồn thì chúng ta không còn đau khổ nữa. Nếu chúng ta không tham cầu thì không bị lừa. Từ ngàn xưa, tổ tiên ông bà chúng ta dạy rằng: “Vô công bất hưởng lộc” tức là nếu ta không có công trạng gì thì cho dù người khác gợi ý tặng hoặc tặng ta thì ta cũng không nhận.

Chúng ta tu học Phật pháp là để sửa tâm “tự tư tự lợi”, tâm tham cầu của mình. Hòa Thượng từng dạy rằng dù có đáng hưởng dụng, chúng ta cũng không hưởng dụng. Những thứ dư ra đó đều là để cúng dường, để giúp đỡ tất cả chúng sanh. Phật pháp dạy chúng ta: “Tri túc thường lạc” – biết đủ thường vui. Người không biết đủ thì cho dù là người giàu nhất hành tinh thì vọng tưởng, tham cầu của họ không bao giờ dừng lại, nên họ sẽ là người nghèo nhất. Người chân thật biết đủ mới là người giàu.

Có người làm ra vẻ như đang chân thật xả bỏ, họ lên núi tu hành nhưng vẫn nói xấu người khác và cho rằng người khác không biết xả bỏ. Thật ra, mỗi lần lên núi là mỗi lần họ đi đổi gió, lên ở không mất tiền. Đó không phải là xả bỏ. Xả bỏ phải xả từ nơi tâm, chân thật biết đủ chứ không phải không mong cầu được nên đành cam chịu. Người có mà không cần thọ hưởng mới là đáng quý.

Cuộc sống hiện đại cũng kéo theo sự hình thành một số đạo lạ đánh vào lòng tham con người để lừa gạt. Họ thấy người bệnh khổ nên đưa ra chiêu bài chỉ cần luyện pháp này từ 3-5 ngày là được khỏe mạnh, sống lâu. Ai nghe như vậy cũng thích vì chỉ cần tu 3-5 ngày là thành công còn tu theo Phật thì phải tu cả đời khổ cực, lại còn phải buông bỏ “danh vọng lợi dưỡng”, bỏ ăn, bỏ ngủ, thậm chí bỏ cả sắc đẹp. Họ cho rằng tu Phật khó quá nên bỏ tu Phật để tu theo đạo lạ.

Những đạo này, thứ gì họ cũng tu, “tu danh tu lợi, tu gian tu dối, tu dục tu tình, tu quanh tu quẹo” nhưng họ lại không tu tâm thanh tịnh, tâm chân thành, tâm từ bi. Vì tham sự nhàn hạ nên họ bị lừa. Thậm chí có gia đình tu hành niệm Phật lâu năm, thờ Phật trang nghiêm, một thành viên trong gia đình đó từng là trưởng đạo tràng dẫn dắt cả một khu vực. Thế nhưng, họ đã giải tán đạo tràng, bỏ Phật không tu. Việc tu hành của họ không xuất phát từ tâm chân thành, thanh tịnh mà là tu dục tu tình, tu danh tu lợi nên mới có kết quả như vậy.

Người học Phật mà chìm đắm trong “danh lợi” thì tu học không thể đạt kết quả. Khi gặp chướng ngại xảy ra thì họ cho rằng lâu nay học Phật chẳng được gì, thế là họ bỏ học Phật đi học thứ khác. Học Phật thì cần phải tu Giới Định Tuệ, diệt trừ Tham Sân Si còn học những thứ khác thì nhanh có kết quả, chẳng phải diệt gì nên ai cũng thích.

Người có duyên lành với Phật pháp, mỗi ngày được nghe, được học Phật pháp là người có phước báu. Dù có phước báu như thế nhưng nếu không chân thật tu hành thì họ cũng sớm đến ngày bỏ Phật pháp mà quay sang “tu danh tu lợi, tu gian tu dối, tu dục tu tình, tu quanh tu quẹo”. Những người có những sở thích như thế thì không bao giờ tu tập theo sự định hướng của Hòa Thượng. Họ không thể ngồi yên để nghe pháp của Hòa Thượng. Thậm chí, mỗi ngày nghe pháp là mỗi ngày họ cho rằng đang bị mắng chứ không cảm thấy thấm thía, cảm xúc trào dâng.

Họ cũng nói học Phật pháp phải vui mới học được. Họ đâu biết rằng muốn được an vui thì phải khổ công hàng phục 16 tên giặc tập khí, bỏ “danh vọng lợi dưỡng, “tự tư tự lợi”, ngăn ngừa “năm dục sáu trần”, diệt trừ “tham sân si mạn”.

Hòa Thượng thường nói: “Chúng sanh ngày nay thích nghe gạt chứ không thích nghe khuyên”. Người thế gian không muốn rèn luyện, không thích diệt phiền não. Họ cho rằng không cần diệt vọng tưởng, chỉ cần thỏa mãn “năm dục sáu trần”. Nếu ai đó nói với họ rằng tu hành không cần giữ giới hoặc nói những điều chìm trong tư dục thì họ rất thích còn lời Phật dạy thì họ không nghe. Đến lúc khổ đau đến rồi, muốn quay đầu thì không còn kịp, không còn thời gian.