65Thứ Ba, 05/11/2024, 10:42
76 · Phật Pháp Vấn Đáp - 76 _ 1 76 · Phật Pháp Vấn Đáp - 76 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 05/11/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

 BÀI 76

Chúng sanh chúng ta đến thế gian này là do nghiệp và mọi việc tốt xấu mà chúng ta đang trải qua đều hình thành từ nghiệp. Thế nhưng mỗi khi chúng ta đối diện với chướng ngại và khó khăn thì phần nhiều chúng ta không cam lòng, đều phản kháng rất quyết liệt. Chúng ta thậm trí oán trời trách người. Làm như thế chúng ta lại tạo nghiệp nên nghiệp chồng nghiệp, đời sống mọi việc lại càng thêm khó khăn.

Đây là lý do vì sao nghiệp của chúng ta không tiêu bớt, càng lúc càng nặng. Hòa Thượng chỉ dạy rằng đã thiếu nợ người thì trả cho xong, việc ứng xử phản kháng của chúng ta khiến nợ ngày càng lây dây. Ở nước ngoài, các khoản nợ thường gửi thông qua hóa đơn về tận nhà, nếu người dân không trả thì đời sống của họ sẽ rất khó khăn. Hòa Thượng nói rằng cho dù trả nợ khó chịu đến thế nào chăng nữa, chúng ta vẫn phải cắn chặt môi mà trả nợ. Chúng ta cùng quát sát thì thấy rằng bản thân mình khi bị người đối xử tệ bạc còn muốn báo thù lại, vậy mà người khác báo thù mình thì mình lại phản kháng. Như thế có công bằng không?

Sáng sớm vừa đánh xe ra đường, mình làm người ta giật mình khiến người ta mắng chúng ta là đui mù, cho nên, mọi việc ở thế gian chẳng vô duyên vô cớ, đều là nhân duyên quả báo, nhân trước quả sau. Chúng ta khi tạo nghiệp thì thoải mái không hề biết nhưng đến khi trả nghiệp thì vô cùng khó chịu.

Người có thể quán sát thấu đạo lý nhân duyên, nhân quả sẽ sống được an vui hơn, ngược lại, không quán thấu được thì sẽ sống trong đau khổ. Người thế gian nhiều người ích kỷ, đồ vật của họ, họ giữ khư khư không cho ai còn đồ vật của người khác, họ lại có ý muốn sắp đặt, định đoạt. Vậy tại sao mình phải gặp họ? Vì mình có duyên nghiệp với họ.

Hòa Thượng dạy chúng ta rằng những người đó đang giúp ta tăng tấn đạo nghiệp, giúp chúng ta tiêu trừ nghiệp chướng. Không có họ chúng ta biết đi đâu để tiêu nghiệp. Lời của Ngài có đạo lý sâu sắc nhưng chúng ta lại không can tâm. Khi gặp tình huống cụ thể, chúng ta chẳng còn nhớ đến lời dạy của Thánh Hiền, hoàn toàn hành xử theo tập khí nên chúng ta phàm phù vẫn là phàm phu. Hòa Thượng dạy chúng ta rằng mình bị mắng thì mình phải cảm ơn họ và niệm “A Di Đà Phật” hồi hướng cho họ. Đây là tấm lòng từ bi của Phật, Bồ Tát.

Người khác tán thán chúng ta, chúng ta cũng không sanh tâm hoan hỉ vì sự tán thán này chưa chắc đã là thật. Chúng ta tin là thật thì sẽ khổ đau, thế gian này chẳng khác gì một trò hề. Người ta tôn sùng chúng ta thì cần phải nghĩ rằng đức hạnh của mình chưa đủ, còn kém khuyết, so với Phật Bồ Tát Thánh Hiền thì chúng ta chưa làm được gì để được tán thán như vậy. Điều chúng ta làm được là nhờ ân đức của Thầy dạy, chẳng đáng để mà tự hào, chẳng đáng để khoe khoang. Chẳng những nghĩ như vậy, chúng ta còn phải sanh tâm hổ thẹn vì đáng lẽ ra với năng lực này, chúng ta có thể làm được nhiều việc hơn.

Hòa Thượng xuất thân từ một gia đình bần hàn, không có gì, lưu lạc tha phương nhưng Ngài lại để cho thế gian này biết bao nhiêu sự hy sinh, cống hiến. Hòa Thượng Tịnh Không cũng là con người, Ngài là một phàm phu tiêu chuẩn. Ở nước ta còn có rất nhiều tấm gương đức hạnh đang được lưu truyền. Người có thể làm được những việc phi thường thì chúng ta gọi là Thánh nhân. Thánh nhân cũng là một con người bình thường rèn luyện thành.

Phật Thích Ca Mâu Ni cũng là một con người, một thái tử, Ngài cũng phải vượt qua mọi sự cám dỗ của trần gian, đặc biệt là ngôi vị hoàng đế, thứ mà nhiều người đổ bao xương máu để có được. Ngài trốn đi, bỏ lại sau lưng là đền đài, ngôi vị, vợ đẹp con khôn sau đó, Ngài trải qua đời sống khổ hạnh. Trong Kinh Hiền Ngu, chúng ta được nghe những câu chuyên về cuộc sống trong các đời quá khứ của Ngài, chúng ta lại thêm nể phục.

Chúng ta thấy ai đó làm được việc gì đó đều cho rằng họ là Phật Bồ Tát. Phật Bồ Tát cũng là con người. Chữ “Phật” xưa khi được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hoa đã được người xưa đặt bộ nhân đứng đầu tiên, ý nói Phật là con người. Chữ “Tiên” cũng vậy có bộ nhân đứng và chữ sơn, nghĩa là người tu trên núi lâu ngày thành tiên.

Con người thường chìm trong “năm dục sáu trần, danh vọng lợi dưỡng, tham sân si mạn”. Vậy ai có thể đưa những tập khí đó xuống mức thấp nhất đã là con người phi thường. Người chỉ biết cho đi là người chân thật biết sử dụng tiền vì họ chỉ cho đi mà không tiêu sài cho tư dục cá nhân. Hòa Thượng dạy chúng ta có tiền là phước, dùng tiền là trí tuệ, tạo ra phước báu, công đức. Sử dụng tiền tạo nghiệp khiến tương lai vào tam đồ ác đạo thì đó là người không có trí tuệ.