Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 04/11/2024.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 75
Hòa Thượng dạy chúng ta rằng “chí thành thì cảm thông”. “Thành” nghĩa là chân thành, kiền thành, kiệt thành, chí thành. Khi chúng ta “chí thành thì cảm thông” nghĩa là dùng hết tâm thành kính thì theo Tổ Ấn Quang, một phần tâm thành kính sẽ được một phần lợi ích mà 10 phần tâm thành kính sẽ được 10 phần lợi ích. Pháp sư Định Hoằng nói vậy nếu 100 phần, 1000 phần thành kính thì sao? Thì được 100 phần, 1000 phần lợi ích.
Ấn Tổ có câu nói: “Kiền thành tự khả chuyển phàm tâm. Niệm Phật phương năng tiêu túc nghiệp” – Muốn chuyển được tâm phàm thì nhất định tâm phải chân thành đến mức cao nhất, đến mức kiền thành. Vậy tại sao chúng ta lại không thể cảm thông được với Phật Bồ Tát, long thiên thiện thần hay những quỷ thần xung quanh chúng ta? Bởi vì họ không thấy chúng ta chân thành. Nếu chúng ta chân thành thì họ sẽ cùng chúng ta tu tập.
Chúng ta từng nghe câu nói rằng: “Bần cư náo thị vô nhân vấn. Phú tại sơn lâm hữu khách tầm” Có nghĩa là: Nghèo hèn mà sống nơi đông đúc giữa phố chợ cũng chẳng có ai đến thăm hỏi. Nhưng giàu sang, dù sống ở nơi núi rừng xa xôi cũng có lắm người tìm đến. Trong Phật pháp thì người có đức hạnh dù ở trong núi sâu cũng có người tìm đến cầu học. Chúng ta cũng thấy các Tổ sư Đại Đức xưa ẩn tu trong thâm sơn cùng cốc vẫn thường có người ghé thăm. Biết được then chốt này thì chúng ta hãy từ nơi đây mà bắt đầu tu hành.
Trên Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy rằng mỗi chúng sanh đều có “Trí tuệ vô sư” – trí tuệ không cần Thầy. Chỉ cần chúng ta có tâm thanh tịnh thì sẽ khai mở được trí tuệ này. Người Thầy của chúng ta sẽ dạy chúng ta một môn học cụ thể, còn “Trí tuệ vô sư” sẽ giúp chúng ta sự sự vô ngại – không gì chướng ngại. Có người từng hỏi rằng tại sao trước đây, người tu hành chứng đạo không nói trước những việc cần nói. Thật ra các Ngài tường tận nhưng nếu có nói trước thì chưa chắc đã giúp ích gì, chúng sanh cũng có thể không tin.
Phật nhìn trong bát nước có 8 vạn bốn ngàn con vi trùng. Thời đó, khi Phật nói ra thông tin này thì ai tin Phật sẽ tin điều này mà ai không tin Phật thì không thể tiếp nhận thông tin này. Phật nói trong thế giới có vô số hạt bụi, trong hạt bụi có vô số thế giới, hạt bụi không phình to, thế giới không thu nhỏ nhưng thế giới có thể để trong hạt bụi. Khi lần đầu nghe thông tin này, tôi thực sự không hiểu. Đến khi tôi dịch đĩa “Hài Hòa Cứu Vãn Nguy Cơ” thì tôi hiểu ra.
Chiếc phi thuyền bay ra khỏi trái đất, cách 8 vạn dặm thì trái đất bằng đầu đũa. Nếu phi thuyền đi xa cách trái đất 16 hay 32 vạn dặm thì trái đất không khác gì hạt bụi, trong hạt bụi ấy chứa đựng nhà cửa, xe cộ, vui buồn thương ghét giận hờn. Thế cho nên trong hạt bụi có vô số thế giới là vậy. Từ cõi Ta Bà đến thế giới Tây Phương Cực Lạc là 10 muôn ức cõi Phật, vậy thì nếu ở Cực Lạc nhìn về cõi Ta Bà cũng sẽ không còn thấy dù chỉ là hạt bụi. Chỉ có Phật nhãn mới thấy.
Cho nên chúng ta tin những điều Phật nói luôn là sự thật nếu chúng sanh làm đúng lời Phật dạy thì chắc chắn sẽ đạt được thành tựu. Hòa Thượng từng kể câu chuyện về một Thầy hương đăng ngu dốt, không biết chữ. Khi qua mùa đông, sang mùa hè, mọi người nói phải phơi hết mọi thứ ra để khỏi bị mốc thì ông phơi cả đèn nến đến nỗi nắng làm nóng chảy hết đèn nến. Tối đó, Chùa không còn cây đèn nến nào để đốt. Hòa Thượng trụ trì liền khuyên ông không nên làm hương đăng mà đến một ngôi chùa nhỏ để tu tập. Trước khi đi, vị tri sự còn nói rằng: “Ông mà đi về đó tu tập, ông thành giảng sư, tôi sẽ đi theo làm thị giả cho ông”. Vậy mà ba năm sau, ông biết chữ, biết làm thơ và còn có thể giảng Kinh nói Pháp.
Cho nên, người học Phật được khai mở trí tuệ không phải từ nơi học vấn mà từ nơi chân thành học Phật, luôn là dụng tâm Chân Thành, Thanh Tịnh, Từ Bi thì nhất định trí tuệ khai mở. Trí tuệ thế gian chỉ là thế trí biện thông. Ma quỷ cũng dùng thế trí biện thông nhưng họ không độ được chúng sanh vì bản thân họ cũng không độ được chính mình. Họ vẫn sống trong phiền não, vẫn đang bị chướng ngại trong nội tâm. Họ chỉ lừa gạt một số chúng sanh được thôi.
Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Pháp sư đề xướng tụng Kinh, chuyên tụng một bộ Kinh thì đủ rồi, vậy thì giảng giải của những bộ Kinh khác có nên nghe không?” Trước đây có người từng hỏi tôi câu hỏi này, tôi trả lời rằng chúng ta nghe bất kỳ giảng giải nào Hòa Thượng đều được, đều không sao nhưng nếu vừa nghe Hòa Thượng giảng, vừa nghe thêm nhiều người khác giảng thì việc nghe nhiều người sẽ khiến tâm chúng ta bị tạp loạn. Ví dụ như khái niệm về sự bố thí, có người giảng bố thí là xả tài vật tặng cho người đâu cần phải ra sức nhọc nhằn còn Hòa Thượng nói bố thí là tận tâm tận lực, là hy sinh phụng hiến, nếu nghe cả hai bên, chúng ta sẽ không biết nên làm thế nào.