Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 31/10/2024.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 71
Người xưa dạy chúng ta: “Tu hành cần gấp rút như cứu lửa cháy trên đầu”. Chúng ta cần tinh tấn tu hành giống như đang có lửa cháy ở trên đầu. Chúng ta chểnh mảng một vài ngày thì công phu nhiều năm của chúng ta sẽ mất. Nhiều người tu hành, niệm Phật nhiều năm nhưng tâm vẫn tán loạn, hôn trầm. Hôm qua, tôi bị trễ giờ lạy Phật vào buổi sáng, khi tôi thức dậy, trời lạnh nên tôi muốn nằm thêm, đợi đến khi điện thoại reo nhưng tối hôm qua, tôi quên sạc điện thoại nên điện thoại hết pin. Cơ thể của tôi thức vì nó đã biết đó không còn là giờ ngủ nhưng tôi cố vẫn nằm. Chúng ta phải hết sức cẩn trọng đối với tập khí, phiền não, chúng ta chểnh mảng thì tập khí, phiền não sẽ chiếm thượng phong, sẽ dẫn dắt chúng ta.
Trong tu hành, chúng ta phải chuyên, nếu chúng ta không chuyên thì chúng ta không thể tiến bộ. Chúng ta thường trong thời gian tụng Kinh thì niệm Phật, trong giờ niệm Phật thì lạy Phật, trong giờ làm việc thì chúng ta niệm Phật, đây đều là chúng ta chểnh mảng. Chúng ta phải rõ ràng giờ nào việc đó. Chúng ta làm như vậy là vì tập khí, phiền não của chúng ta đang “lánh nặng, tìm nhẹ”. Khi chúng ta học 1200 chuyên đề, Hòa Thượng nói: “Nhất tâm là giờ làm việc thì chúng ta nhất tâm làm việc, giờ niệm Phật thì chúng ta nhất tâm niệm Phật”. Chúng ta phải giờ nào việc đó, có thời khoá biểu cụ thể. Khi mới bắt đầu lễ Phật, chúng ta lễ 100 lần, dần dần chúng ta nâng lên thành 150 lễ, 200 lễ. Nếu hôm nay chúng ta lễ 500 lần, sau đó giảm còn 300 lễ, 100 lễ, sau đó lại quay lại 500 lễ thì chúng ta đã không thể điều phục được tập khí.
Tôi đã giao kết với mình, nếu tôi thức dậy trước 3 giờ sáng thì tôi được nằm tiếp, nếu tôi thức dậy sau 3 giờ sáng thì tôi nhất định phải ngồi dậy. Đối với tập khí phiền não của mình, chúng ta phải có sự cương quyết đối trị. Có những người tu hành cả một đời nhưng họ vẫn luôn ở trong trạng thái hôn trầm, tâm tán loạn. Tổ Sư Đại Đức nói: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm dát họng cũng uổng công”. Chúng ta dùng tâm “tự tư tự lợi”, tâm chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng” , “tham, sân, si, mạn” niệm Phật thì chúng ta niệm Phật cả đời cũng không có kết quả!
Mấy chục năm nay, tôi chỉ học theo Hòa Thượng Tịnh Không nhưng tôi vẫn làm được rất nhiều việc. Trước đây, tôi chuyên dịch đĩa Hòa Thượng giảng, sau đó, tôi đi giảng, rồi sau đó, tôi đi làm giáo dục, tổ chức lễ tri ân, trồng rau, làm đậu, tôi sẽ tiếp tục làm thêm những việc khác. Hòa Thượng dạy chúng ta bố thí, bố thí là tận tâm tận lực hy sinh vì xã hội, vì chúng sanh phục vụ. Chúng ta mở được tâm thì chúng ta sẽ có rất nhiều việc để làm. Chúng ta làm việc vì chúng sanh thì năng lực của tự tánh sẽ được khai mở, chúng ta sẽ tự biết những việc cần làm mà không cần người khác dạy.
Hòa Thượng dạy, chúng ta tận tâm tận lực phục vụ chúng sanh nhưng chúng ta cũng phải nắm chắc được việc vãng sanh của mình. Chúng ta tích cực làm việc vì chúng sanh đến một giai đoạn nào đó thì chúng ta nên lui lại học tập. Sau một thời gian, tôi đã lui về dành thời gian học tập “1200 chuyên đề”, “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục”, “Phật Pháp Vấn Đáp”, dành thời gian để tu phước, niệm Phật. Nhiều người không làm việc chỉ niệm Phật, nhưng họ niệm Phật với tâm “tự tư tự lợi”, “tham, sân, si, mạn”. Đỉnh cao nhất của Tâm Bồ Đề là chúng ta một lòng niệm Phật, một lòng cầu sinh Cực Lạc. Người tận tâm hy sinh phụng hiến, làm mọi việc với tinh thần “việc tốt cần làm, không công công đức” thì sẽ có phước báu, nếu họ chưa thể vãng sanh thì cũng sẽ có người trợ lực, giúp họ vãng sanh hay nếu họ chưa thể vãng sanh thì họ cũng sinh về cõi lành, vẫn còn cơ duyên gặp được Phật pháp.
Hơn mười năm trước, tôi nói với mọi người, người có tâm làm việc lợi ích chúng sanh, nếu đọa xuống Địa ngục thì Diêm vương cũng dành cho họ căn phòng có máy lạnh; Nếu người nào chỉ nghĩ cho riêng mình, ích kỷ thì Diêm Vương dành cho họ căn phòng không có toilet. Người xưa nói: “Đức trọng Quỷ thần Kinh”. Người làm việc lợi ích chúng sanh bằng tâm chân thành thì Quỷ thần cũng khiếp sợ. Người chỉ biết đến bản thân thì Quỷ thần không ưa thích họ. Gần đây, có một số vong nhập lên, khi nghe đến tên một người thì vong nói, người đó có tòa tháp to nên họ rất kính sợ. “Người có tòa tháp to” là chỉ những người ngày ngày làm việc lợi ích chúng sanh. Chúng ta phải nỗ lực làm theo lời Hòa Thượng dạy, tận tâm tận lực, xả mình vì người, hy sinh phụng hiến.