6Thứ Tư, 30/10/2024, 19:23

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 30/10/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

 BÀI 70

Hòa Thượng cho biết rằng người tu hành pháp môn Tịnh Độ có thể đạt được thành tựu rất nhanh. Vãng sanh truyện và Thánh Hiền Lục là hai bộ sách ghi lại kỳ tích vãng sanh. Có nhiều người tu hành chỉ từ 3-5 năm là đã có thành tựu, thế nhưng tu pháp Tịnh Độ phải nhớ một điều là: “Không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn”.

Không hoài nghi” là tin vào lời giới thiệu của Thích Ca Mâu Ni Phật về thế giới Tây Phượng Cực Lạc. Tuy nhiên, vẫn có người cho rằng không phải Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu pháp môn Tịnh Độ đến cho chúng ta. Trên Kinh, Phật khẳng định rằng Ngài ra đời vì một đại sự nhân duyên, đó chính là đem pháp môn Tịnh Độ giới thiệu cho chúng sanh. Do đó, pháp môn này quả thực chính là do Thích Ca Mâu Ni Phật chỉ dạy chứ không phải là ai khác.

Có một vị Thầy đã tra cứu Đại Tạng Kinh và thấy Thích Ca Mâu Ni Phật đã thuyết giảng về Tịnh Độ trong 200 bộ Kinh. Nếu pháp môn Tịnh Độ là ngụy tạo thì làm sao có thể dày công đến như vậy và ngay trong hiện đời có rất nhiều người tu hành có thành tựu. Ví dụ như Hòa Thượng Hải Hiền, là con người hiện thực ngay trong thời đại của chúng ta. Ngài niệm Phật vãng sanh lưu lại toàn thân xá lợi. Những tổ sư đại đức tu hành đã chứng thực lời Phật nói thì chúng ta lại không tin hay sao?

Muốn “Không xen tạp” thì chỉ cần chúng ta làm như lời dạy trong Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương là: “Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm nối nhau; bất giả phương tiện tự đắc tâm khai nhập tam ma địa”. “Không gián đoạn” là một câu “A Di Đà Phật” tiếp nối nhau, không cần mượn nhờ bất cứ một phương tiện nào khác. Niệm đến niệm Phật thành khối thì đã thành tựu, tự đắc tâm khai nhập Tam Ma Địa (tức là thành Phật).

Tuy nhiên, ngày nay có nhiều người đề xướng Tịnh Độ song lại đính kèm thêm pháp này và pháp khác như niệm Phật kèm tụng Kinh, niệm Phật thêm trì chú, niệm Phật thêm tham thiền. Một câu “A Di Đà Phật” chính là tham thiền, chính là đại thần chú, chính là tổng trì của tất cả các bộ Kinh. Hòa Thượng Tịnh Không lúc giảng Kinh Vô Lượng Thọ từng nói rằng: “Bạn có đủ can đảm suốt cuộc đời này chỉ niệm một câu A Di Đà Phật không?

Lúc đầu tôi nghe câu nói này, tôi rất ngạc nhiên vì Hòa Thượng dùng từ “can đảm” nhưng dần dần tôi đã hiểu được người ta đề xướng Tịnh Độ nhưng người ta lại không tin vào câu “A Di Đà Phật” nên niệm Phật vẫn phải kèm tụng Kinh, niệm Phật vẫn phải kèm tụng Chú, niệm Phật vẫn phải kèm tham thiền. Cho nên để có thể tiếp nhận Tịnh Độ chánh mạch là phước đức nhân duyên. Tạp tu thì không phải là chánh mạch.

Tôi quan sát xung quanh và thông qua các cuộc điện thoại, tin nhắn mà mọi người gửi cho tôi, tôi nhận ra rằng trong thời Mạt pháp này, việc chỉ niệm một câu “A Di Đà Phật” quả thật là can đảm. Con người ngày nay cho rằng cần phải nghe nhiều người để có nhiều cách nhìn, nhiều cách thấy, nhiều cách làm. Tuy nhiên, tuy nhiều như thế nhưng không cách nào làm tốt hơn thậm chí còn khiến chính họ bỏ Phật pháp không tu học.

Một số người đi hộ niệm cho người khác, từng khẳng định là đã hộ niệm cho người này người kia vãng sanh nhưng chính họ sau này bỏ cả Phật pháp mà đi theo tà ma ngoại đạo, thứ đạo không được quốc gia và thế giới công nhận, có cách truyền đạo lén lút. Vậy những người mà trước đây họ cho rằng đã vãng sanh là thật hay giả? Nếu là thật thì tín tâm của họ đáng ra càng tăng tấn, đạo nghiệp càng phải phát triển mạnh mẽ, thế nhưng, ngay đến việc học Phật họ còn không tiếp tục học. Cho nên, tốt nhất là chúng ta không chạy đây chạy đó, không nên nghe quá nhiều người, để rồi cuối cùng không biết làm như thế nào.

Có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, con tu học đã nhiều năm rồi nhưng khi tụng Kinh niệm Phật, tâm vẫn tán loạn và vẫn có tâm đố kỵ, cảm giác công phu không có lực. Con làm thế nào để đối trị?

Câu hỏi này cho thấy họ chưa thuần nhất niệm Phật mà vẫn có kèm tụng Kinh. Ngài Ngẫu Ích dạy cho học trò là niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” nhưng bản thân Ngài chỉ niệm “A Di Đà Phật” là vì người khác chưa chắc niệm Phật để cầu vãng sanh, còn Ngài ngay đời này không còn khách sáo, nhất quyết phải vãng sanh, cho nên Ngài chỉ niệm “A Di Đà Phật”, không có “Nam mô”. “Nam mô” là quy y, là cung kính, là nương về.