Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 01/11/2024.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 72
Tất cả tên gọi, cách bài trí, bài vị trong Phật pháp đều là biểu pháp để khai thị cho chúng sanh. Thí dụ, trên bàn Phật có hoa quả đây là biểu thị nhân quả, nhân tốt thì quả tốt; chúng ta cúng Phật là biểu lộ tâm thành kính của mình, không phải là để Phật thọ hưởng. Tối hôm qua, khi chúng ta học “Thập Thiện Nghiệp Đạo”, Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn từ chối nhân quả cũng không được!”. Chúng ta làm việc tốt, trong tâm chúng ta không vướng bận, dính mắc, không cần báo đáp nhưng chúng ta tạo nhân lành thì quả lành sẽ tự hình thành. Chúng ta có phước thì mọi thứ sẽ được an bài chu đáo trong mọi phương diện của cuộc sống.
Ngày trước, tôi có một người bạn, lần nào ghé thăm tôi cũng tặng áo, mũ, nón, sách… Họ nói: “Tôi bán một bộ quần áo thì người khác đưa tiền thì tôi mới đưa đồ vậy thì tôi mới có tiền để sống, anh chỉ tặng cho thì anh sống như thế nào? Tôi hiểu được tôi chết liền!”. Chúng ta làm chúng ta không nghĩ đến phước báu nhưng không phải là không có phước báu, chúng ta làm việc sai trái thì như Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn từ chối quả báo cũng không thể được!”. Chúng ta làm việc tốt hay xấu thì quả báo nhất định sẽ đến, đời này chưa đến thì đời sau hoặc nhiều đời sau sẽ đến.
Hôm qua, chúng ta học có nói đến việc trong nhà Phật có đốt liều, đây là chúng ta để nhang trên đầu, tay, vai đốt một phần thân thể để cúng dường Phật. Điều này là biểu thị tâm chân thành, cũng là đánh dấu việc chúng ta phát nguyện, từ đây, chúng ta xả bỏ thân để phục vụ chúng sanh. Thân mạng chúng ta vô cùng quý giá, quý giá hơn cả hạt Minh châu. Hạt Minh châu vô cùng giá trị, khi để hạt Minh châu vào cốc thuốc độc thì độc dược tự tan biến, nhưng cho dù hạt Minh châu rất quý giá cũng không thể đổi được một phần cơ thể của chúng ta. Chúng ta đốt một phần thân thể là để dâng cúng Phật để biểu thị tâm chân thành. Phật đại từ, đại bi thương yêu tất cả chúng sanh, các Ngài không muốn chúng sanh bị thương tổn, tất cả việc làm nơi nhà Phật đều là biểu pháp cho chúng ta. Chúng ta quy y Phật trước mặt mọi người để chúng ta ghi nhớ, chúng ta đã hứa thì chúng ta không được vi phạm. Nếu chúng ta thật làm theo lời Phật dạy thì cho dù chúng ta không tham dự sự kiện quy y, không hành lễ thì chúng ta cũng chân thật là một đệ tử của Phật.
Có người hỏi Hòa Thượng: “Con là cư sĩ tại gia khi thời khoá sớm tối thì có nên mặc áo tràng hay không?”.
Trước mặt Phật chúng ta phải ăn mặc đoan nghiêm, áo tràng là để thể hiện tâm thành kính của chúng ta. Tổ Sư Ấn Quang nói: “Một phần tâm thành kính được một phần lợi ích, mười phần tâm thành kính được mười phần lợi ích”. Pháp sư Định Hoằng nói: “Vậy thì, một trăm phần thành kính được một trăm phần lợi ích, một ngàn phần thành kính được một ngàn phần lợi ích”.
Hòa Thượng nói: “Áo tràng là lễ phục của người học Phật, chúng ta mặc để biểu thị sự cung kính, vậy nên chúng ta mặc áo tràng lễ Phật là rất tốt”. Chúng ta đi dự pháp hội chúng ta mặc áo tràng có màu giống mọi người để thể hiện sự trang nghiêm, chuẩn mực, chỉnh tề. Tôi không mặc áo tràng nhưng bộ quần áo tôi đang mặc cũng giống như lễ phục, chúng ta không thể ăn mặc một cách tùy tiện.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta đến pháp hội thì chúng ta phải mặc theo quy định, chúng ta ở nhà thì không mặc áo tràng cũng được”. Phật pháp không có định pháp, Phật pháp là tùy thuận, tùy duyên, không cưỡng cầu. Nếu chúng ta tạo thành thói quen thì khi không làm đúng chuẩn mực chúng ta sẽ nhận ra. Thí dụ, khi ra đường bằng xe máy mà chưa đội mũ bảo hiểm thì tôi sẽ cảm thấy trên đầu thiếu một thứ gì đó; Khi lên xe ô tô mà tôi chưa thắt dây an toàn thì tôi cũng cảm thấy ngực đang bị trống. Khi chúng ta lễ Phật, chúng ta phải định đặt ra quy chuẩn nhất định và tuân theo, không thể tùy tiện. Khi chúng ta học “1200 chuyên đề” tôi luôn mặc áo tràng nâu, sau đó tôi luôn mặc bộ quần áo tôi đang mặc này.
Ngày trước, có người hỏi Hòa Thượng, khi họ đang đi du lịch, họ nhìn thấy một ngôi chùa nên họ vào chùa lễ Phật, khi đó họ đang mặc váy ngắn, có một vị nhìn thấy như vậy thì nói mặc như vậy thì sẽ đọa Địa ngục. Hòa Thượng nói: “Người mặc thì không đọa Địa ngục, người nói câu nói đó mới đọa Địa ngục!”. Họ lễ Phật bằng tâm chân thành, quên đi hình tướng, điều này đáng trân trọng. Có người muốn xin một loại quả ở trên bàn Phật để lấy lộc thì có người nói, như vậy là họ phạm tội trộm cắp, sẽ đọa Địa ngục. Những người nói câu này khiến cho mọi người sợ, họ cảm thấy chùa có nhiều quy tắc, vào đó không khéo sẽ phạm đại tội nên họ dần mất đi tín tâm.