

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 29/10/2024.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 69
Nhiều người cứ ngỡ rằng cúng dường cho một ai đó hoặc làm công tác từ thiện xã hội mới là bố thí. Theo Hòa Thượng, bố thí chính là tận tâm tận lực, chính là hy sinh phụng hiến một cách chí công vô tư. Người thế gian có thể làm các việc sai trái rồi dùng tiền kiếm được từ các hoạt động sai trái đó để làm từ thiện. Đồng tiền họ mang đi làm từ thiện không phải là đồng tiền thanh tịnh. Đây là lý do vì sao chúng ta thấy nhiều người tích cực phóng sanh, bố thí, từ thiện xã hội nhưng đời sống của họ khổ đau vẫn khổ đau, phiền não vẫn phiền não.
Một người phụ nữ nghèo đến chùa bố thí vài xu thì trụ trì chùa đã tác pháp cho cô nhưng một người giàu có cúng dường rất nhiều tiền thì vị Hòa Thượng trụ trì không ra tác pháp mà để chú tiểu làm việc đó. Số tiền của người giàu kia không có được từ sự lao nhọc còn của người phụ nữ nghèo là toàn bộ tài sản, là sự lao nhọc của cô.
Hòa Thượng định nghĩa cho chúng ta về sự bố thí khiến chúng ta vỡ ra được nhiều điều. Ngài khẳng định chân thật bố thí phải là tận tâm tận lực hy sinh phụng hiến. Dùng tiền để tặng cho ai đó chỉ là một trong nhiều cách bố thí. Trong quá trình bố thí này, cần phải xét dụng tâm của chúng ta có xen tạp “tự tư tự lợi” hay không? Nếu có tư lợi thì việc làm của chúng ta đã có sự bất thiện, không đạt được thuần thiện.
Muốn có được tâm thuần thiện thuần tịnh, chúng ta phải xả mình vì người hay nói cách khác phải vì xã hội, vì nhân dân, vì tất cả chúng sanh mà phục vụ. Chúng ta làm từ thiện, phóng sanh, bố thí cúng dường lâu năm mà vẫn không an vui là do xen tạp “tự tư tự lợi” và “danh vọng lợi dưỡng”.
Được người ta tán tụng chính là lợi dưỡng và nếu nghe tán tụng mà cảm thấy vui thì chúng ta đã dính mắc vào danh lợi. Đã từ rất lâu, tôi không thích nghe mọi lời tán tụng. Giữa khen và chê đương nhiên chúng ta vẫn phải giữ tâm bình khí hòa. Nếu làm các việc lợi ích chúng sanh nhưng lại thích nghe những lời khen tặng sáo rỗng, chúng ta sẽ trở thành những con rối. Chúng ta thấy truyền thông có thể đưa lên rất nhiều chuyện từ chuyện nổi danh nổi tiếng đến chuyện bóc phốt người khác cho nên từ lâu tôi cũng tránh xa truyền thông, không mở facebook, không dùng zalo.
Những việc cần làm thì chúng ta còn đang thiếu thời gian để làm. Facebook, zalo có rất nhiều việc không cần thiết. Thậm chí có người còn sử dụng đến hai hay ba chiếc điện thoại để tiếp nhận cho hết những vọng tưởng phiền não. Trong một tuần nay, tôi không nhận được một cú điện thoại nào của ai. Vậy tôi có phải là người vô tích sự không? Chẳng lẽ cứ phải alo điện thoại liên tục mới là người có tích sự hay sao? Tôi duy nhất sử dụng viber để nghe báo cáo và xem hình ảnh về công việc trong Hệ thống.
Việc hạn chế truyền thông, không sử dụng truyền thông là cách chúng ta bảo vệ tâm thanh tịnh. Phiền não vọng tưởng nơi chúng ta ngày ngày rất khó loại bỏ, vậy mà chúng ta còn tiếp nhận thêm thông tin từ mạng truyền thông cho nên phiền não, vọng tưởng vẫn còn y nguyên. Facebook và zalo là chiếc máy hút bụi cực lớn, nếu chìm đắm trong đó thì lúc nào chúng ta tu hành đến bao giờ mới có lực? Trên chiếc điện thoại, chúng ta thấy ở đó không thiếu thứ gì cho nên đây là duyên để dấy khởi phiền não.
Chúng ta hãy xem xem cách Bồ Tát tu hành thế nào? Đó là “Thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, không để bất cứ ý niệm bất thiện nào xen tạp” cho nên các Ngài luôn tăng tấn được đạo nghiệp. Còn chúng ta đạo nghiệp thì không tinh tấn là do chúng ta đã để pháp bất thiện xen tạp trong tư duy, trong ý niệm của chúng ta dẫn đến hành vi bất thiện; kết thành nghiệp bất thiện và nhận lấy kết quả bất thiện.
Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, ở nơi chúng con có pháp sư đến kết duyên và giảng pháp. Phần nhiều đồng tu Tịnh Độ cũng đến nghe, như vậy có phải là xen tạp không?”
Ở thế gian lưu truyền câu nói: “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” – một nghề tinh chuyên thì mới đưa chúng ta đến đỉnh cao. Trong tu hành cũng vậy, nếu không chuyên tinh thì không thành công. Hơn 20 năm qua, tôi chỉ nghe một mình Hòa Thượng Tịnh Không, không nghe bất cứ một bài giảng của ai khác. Đó chính là chuyên nhất, là một con đường, một lối đi thẳng tiến. Nếu có hai, ba con đường thì chúng ta có đến 2,3 lối đi, vậy thì chúng ta sẽ đi đường nào và bao giờ thì chúng ta đến đích?
Người thế gian thường thích việc học rộng nghe nhiều, như thế mới trở thành người thông thái. Vậy việc đó có cần thiết không? Bản thân tôi chỉ nghe một mình Hòa Thượng mà tôi vẫn có thể làm được rất nhiều việc. Hòa Thượng nói rằng Phật pháp ngày nay chính là đạo tràng không gian và tôi đã thực hành lời dạy này. Lớp học trải qua hơn 2000 buổi của chúng ta chính là một đạo tràng không gian. Hôm qua khi tôi vào trang web Tịnh không pháp ngữ đã thấy hơn 200 người đang trực tiếp nghe trên mạng và có hơn 38.000 lượt truy cập.
Phật pháp chủ yếu là phải thực hành thì mới có thành tựu. Nếu không thực hành thì tâm luôn bất an khiến chúng ta sẽ đi tìm cầu, nay nghe người này, mai nghe người khác. Cuối cùng chẳng biết nghe theo người nào, chẳng biết làm theo ai. Biết được quá nhiều pháp nhưng pháp nào cũng không làm được.
Hòa Thượng trả lời câu hỏi này rằng: “Tu học Phật pháp quan trọng nhất là phải ‘Nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu’. Tốt nhất là chúng ta theo học một vị Thầy. Lúc nào có thể rời Thầy? Theo tiêu chuẩn của người xưa là khi nào chúng ta khai ngộ. Sau khi khai ngộ mới được rời Thầy. Khai ngộ chính là minh tâm kiến tánh, chính là đại triệt, đại ngộ. Như vậy thì bạn mới tốt nghiệp! Người xưa gọi là xuất sư, xuống núi. Nếu bạn chưa minh tâm kiến tánh thì không thể rời Thầy vì khi bạn rời Thầy, bạn nhất định sẽ đi sai đường.
“Tu hành Tịnh Độ có điều kiện không cao lắm, chỉ cần chúng ta đạt được công phu thành khối thì chính chúng ta nắm chắc phần vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đến lúc đó, ai giảng Kinh bạn cũng đều có thể nghe. Bạn niệm Phật thành khối rồi thì bạn có thể đi đến bất cứ nơi nào, nghe bất kỳ ai giảng bởi vì đối với bạn, bạn không có chướng ngại. Còn nếu bạn chưa nắm chắc phần vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thì chuyên tu, chuyên học sẽ tốt hơn. Cũng chính là nói bạn không được rời Thầy.
“Ai là Thầy của mình vậy? Chính là A Di Đà Phật! A Di Đà Phật ở chỗ nào vậy? Chính là Kinh Vô Lượng Thọ, do đó, ngày ngày chúng ta phải y theo Kinh Vô Lượng Thọ mà tu học. Chúng ta phải tư duy, thấu hiểu được đạo lý và phương pháp trên Kinh đã dạy mà y giáo phụng hành. Những gì Phật dạy chúng ta làm thì nhất định phải chăm chỉ, nỗ lực làm. Phật dạy những gì không được làm thì nhất định chúng ta không làm. Chỉ cần hai đến ba năm thì bạn liền nắm chắc được phần vãng sanh.”
Chúng ta học đã lâu mà chưa có thành tựu là do chưa thật làm, vẫn là xen tạp “tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, tham sân si mạn”. Đây là những chướng ngại lớn nhất. Một khi chúng ta thấy rõ gốc bệnh mới có cách để đối trị.
Hòa Thượng tiếp lời: “Pháp môn Tịnh Độ thành tựu rất nhanh. Trong bộ sách Thánh Hiền lục, ghi lại những kỳ tích vãng sanh và sách vãng sanh truyện cũng ghi lại những câu chuyện vãng sanh, chúng ta thấy người niệm Phật 3-5 năm vãng sanh rất nhiều. Có người từng hỏi tôi, người tu Tịnh Độ thì thọ mạng chỉ còn ba năm, năm năm thì vừa lúc vãng sanh phải không?”.
Có người sợ niệm Phật vì họ cho rằng niệm Phật thì thọ mạng chỉ còn từ 3-5 năm đã phải ra đi. Đây là cách hiểu sai lầm! Vì sao những người này niệm được 3-5 năm thì vãng sanh? Là vì họ có đầy đủ tiêu chuẩn và điều kiện để vãng sanh. Họ không có vọng tưởng, tình chấp, luyến ai ở thế gian, họ rất tự tại mà ra đi. Còn chúng ta chưa muốn đi vì chúng ta còn tình chấp, còn nhiều lo toan như nhà cửa xây chưa xong, con cái học chưa xong. Nếu chúng ta không bị trói buộc bởi điều gì, mọi sự đều đã an bài thì mới không còn vướng bận. Đây mới là đại phước đức! Cuộc đời của tôi rất là khó khăn nhưng tôi có thể an bài cuộc sống của mình một cách tốt đẹp. Đây không phải sự tình cờ may mắn mà do bản thân tôi đã dụng tâm nỗ lực làm mọi việc cho người nên mọi sự mới được an bài.
Hòa Thượng nói: “Người vãng sanh đối với tất cả mọi sự mọi việc mọi người ở thế gian này không còn một chút lưu luyến cho nên dù thọ mạng còn, họ cũng chẳng cần. Họ đã có thể nhìn thấu hai thế giới, một là thế giới Ta Bà và hai là thế giới Tây Phương Cực Lạc.” Ta bà thì khổ đau, phiền não, con người không thành thật, tu hành nơi đây dễ thoái đọa và thế giới Cực Lạc là nơi các bậc thượng thiện nhân câu hội, nơi có Phật A Di Đà, Quan Âm Thế Chí, Bồ Tát Văn Thù Phổ Hiền nhắc nhở dìu dắt chúng ta, cảnh giới tu hành nơi đây là bất thối chuyển. Về Tây Phương Cực Lạc không phải là chọn nơi an lành để đi mà là để nâng cao năng lực độ sanh của chính mình. Cho nên nhìn cho thấu thì mới có thể buông cho được. Việc niệm Phật thành khối có thể nhìn thấu được hai thế giới trên.
Trong những bài học trước, Hòa Thượng nói, sau khi vãng sanh, gặp được Phật A Di Đà thì cho dù chưa đạt quả vị cao nhất, chúng ta vẫn có thể quay về cõi Ta Bà để tiếp độ chúng sanh, độ thân bằng quyến thuộc. Nhưng lúc đó, chúng ta không dùng tâm luyến ái mà là dùng tâm tri ân.
Hòa Thượng nói: “Đã biết được thế giới Tây Phương Cực Lạc là thế giới an lành, có thể thẳng tiến tu hành tấn đạo, vậy thì hà tất chúng ta còn ở lại cõi Ta bà để mà chịu khổ hay sao? Thế nhưng vẫn có một ngoại lệ! Có thể đi rồi nhưng mà vẫn không đi! Vì sao không đi? Vì ở thế gian này còn có rất nhiều người có duyên cần phải giúp đỡ cho nên chưa đi. Đi thì vẫn đi nhưng có thể chậm lại. Hiểu rõ đạo lý này thì tu hành có thể không chuyên nhất hay sao? Nếu không chuyên tâm, chuyên nhất thì khó có thành tựu”. Người đã nắm chắc phần vãng sanh thì đi sớm hay đi muộn một chút cũng không hề gì. Nếu ở thế gian không còn người để độ thì họ sẽ ra đi.
Trả lời câu hỏi về việc có xen tạp hay không khi các đồng tu Tịnh Độ thường nghe một vị pháp sư khác giảng pháp. Hòa Thượng trả lời là tốt nhất là nên theo một vị Thầy. Một vị Thầy có một lối đi, hai vị Thầy, ba vị Thầy là hai, ba lối đi. Hòa Thượng nói chúng ta phải luôn “Nhất môn thâm nhập trường kỳ huân tu”. Bao giờ chúng ta nắm chắc phần vãng sanh, đạt niệm Phật thành khối thì chúng ta có thể nghe nhiều người, đi nhiều con đường. Lúc này chúng ta không còn chướng ngại, không còn bị xen tạp. Như chúng ta đây, tu hành chưa có lực, niệm Phật chưa thành khối thì rất dễ dàng bị dao động.
Văn Hóa Truyền Thống thực sự mang lại lợi ích to lớn cho nhiều gia đình nhưng có người, khi được trả lương cao gấp 5-7 lần thì bỏ công việc liên quan đến Văn Hóa Truyền Thống. Họ không hiểu được giá trị chân thật nên họ chọn thứ chẳng những không mang lại lợi ích cho bản thân mà còn có hại. Nếu có tiền nhưng không đủ trí tuệ để sử dụng đồng tiền, suốt ngày chỉ đầu tư cho áo quần, ăn chơi thì sẽ tạo nghiệp.
Do đó, cần phải có hằng tâm trong tu hành, trong học tập và trong công việc. Chúng ta phải hiểu rằng những gì ta hy sinh phụng hiến mà không nhận bằng tiền thì nhận bằng phước báu. Nếu coi tiền quan trọng hơn thì sai rồi, đến lúc có tiền cũng không vui, có hối hận cũng không kịp. Bản thân tôi, tài khoản chẳng có tiền nhưng tôi làm được rất nhiều việc. Việc nghĩ hôm nay thì chậm nhất là dăm bữa, nửa tháng tôi đã có thể làm được. Như vậy có gì hạnh phúc bằng. Chúng ta phải tin và làm theo những điều Hòa Thượng dạy chúng ta thì nhất định có thành tựu./.
*******************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!