828/10/2024, 21:04 28/10/2024, 22:51

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 28/10/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

 BÀI 68

Khi Thích Ca Mâu Ni Phật sắp nhập Niết Bàn, Ngài A Nan hỏi Phật rằng khi Phật còn tại thế thì chúng con nương vào Ngài, vậy khi Phật nhập Niết Bàn, chúng con biết nương vào ai? Phật trả lời rằng: “Lấy giới làm Thầy, lấy khổ làm Thầy”. Giới như tròng mắt của chúng ta cho nên giữ giới được ví như giữ con ngươi của mình. Người học Phật mà không giữ giới thì không phải là người học Phật. Cho dù người đó có niệm Phật hay thiền định thì vẫn không thể có thành tựu.

Đây là điểm đặc biệt lưu ý! Bất cứ ai dùng thủ đoạn lừa người khác để lấy tiền thì cho dù họ mặc áo tu, họ cũng không phải là đệ tử của Phật. Hòa Thượng nói: “Năm Giới và Mười Thiện là căn bản giới luật mà nếu không làm được tốt thì cho dù có phát nguyện vãng sanh, niệm Phật có tốt cũng không thể vãng sanh.

Có nhiều người nghe đến cụm từ “đới nghiệp vãng sanh” thì có tâm ý chờ đợi khi lâm chung là mang nghiệp theo còn hiện tại vẫn tạo nghiệp, vẫn phạm sai lầm. Đới nghiệp vãng sanh là mang nghiệp cũ chứ không mang nghiệp mới. Kể từ khi phát tâm, phát nguyện niệm Phật vãng sanh thì không còn tạo thêm nghiệp, nếu tạo thêm nghiệp thì đây là nghiệp mới, những nghiệp trước thời điểm phát tâm, phát nguyện mới tính là nghiệp cũ. Dù tại gia hay xuất gia thì Năm Giới, Mười Thiện phải vâng giữ.

Muốn trở lại làm người thì chúng ta phải tu tốt Năm Giới. Muốn sanh cõi trời thì chúng ta phải tu Năm Giới tròn đầy và Mười Thiện đạt mức từ trung phẩm trở lên, ngoài ra còn tu tâm “Từ, Bi, Hỉ, Xả”. Cho nên chúng ta thấy người nào tùy tiện thì phải biết người này không phải là người tu hành chân chính, phải mau mau mà tránh xa.

Có người tâm sự với tôi rằng gia đình họ đang sống yên ổn thì một thành viên trong gia đình nghe một người lừa đảo, mang tiền ra làm việc nọ việc kia mà những việc đó chỉ là để xây dựng bá đồ cá nhân. Chúng ta phải xem xét cẩn trọng rằng những gì thiết thực lợi ích chúng sanh thì chúng ta nghe theo, nỗ lực mà làm, còn việc gì chỉ vun đắp cho bá đồ cá nhân thì chúng ta nên tránh xa.

Trong đệ tử Phật có giới không nói dối gồm bốn ý nhỏ: Không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời hung ác, không nói lời thêu dệt. Do đó, nếu chúng ta nói để lợi mình mà hại người thì là sai lầm nghiêm trọng rồi. Trong bài học hôm qua, có người hỏi Hòa Thượng là làm sao tu hành cho tốt. Ngài nói: “Đừng làm việc ác, vâng làm việc thiện”. Câu trả lời này vượt qua Năm Giới mà đạt đến mức độ không làm tất cả các việc ác, chỉ làm tất cả các việc thiện.

Người nói dối thì ngoài lời nói khôn khéo, họ còn có cả ma thuật để lời nói thêm phần mạnh mẽ, để dụ người. Chúng ta không nên để bị lừa gạt. Chúng ta không nên rảnh quá lang thang đi nơi này nơi khác, rồi không khéo lại bước vào bẫy của Ma thì lúc đó không ai cứu được.

Chúng ta nên nhớ rằng nơi nào chân thật là danh ngôn chánh phái thì chúng ta đến còn nơi nào không phải là danh ngôn chánh phái thì chúng ta vẫn kính trọng nhưng không gần gũi. Có người học trò vì không nghe lời dạy bảo, chạy hết nơi này nơi kia nên kết cục là không còn niềm tin đối với Phật.

Cho nên, chúng ta phải nắm được cương lĩnh tu học, phải biết rõ pháp tu của mình là: “Một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu, không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn”. Đối với công việc hằng ngày thì “Việc tốt cần làm nên làm không công không đức”. Điều này có nghĩa là chúng ta cứ tích cực làm việc lợi ích chúng sanh, lợi ích cộng đồng và xã hội mà không cần phải nghĩ đến phước đức hay công đức. Trong vòm trời mênh mông rộng lớn này, việc làm tốt hay việc làm xấu cho dù nhỏ như hạt bụi cũng không mất đi. Cho nên chúng ta đừng tưởng không ai thấy việc chúng ta làm và cũng đừng lo rằng công đức, phước báu bị mất đi. Biết được đạo lý này rồi, vậy tại sao chúng ta không nỗ lực?

Tôi hiện ở khu nhà này có một mình, công việc rất nhiều nên tôi làm từ sáng đến tối mới hết việc. Tất cả những người xung quanh mà tôi từng đào tạo để có năng lực làm việc thì tôi cử họ đi những nơi khác để phục vụ. Tôi thường nói về những công việc tôi đã làm được để mọi người thấy tôi làm đúng hay sai, từ đó chúng ta cùng nhau khích lệ, cùng nhau làm việc theo đúng lời Hòa Thượng dạy là “việc tốt cần làm thì nên làm”.