11Thứ Hai, 28/10/2024, 16:11

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 27/10/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

 BÀI 67

Phật dạy chúng ta rằng tu hành trước tiên phải bắt đầu từ việc bố thí. Trong Lục Độ Ba La Mật, sáu phép tu của Bồ Tát đạo, thì bố thí đứng đầu. Trong Tứ Nhiếp Pháp thì bố thí nhiếp cũng đứng đầu. Bố thí có thể nhiếp phục được chúng sanh. Biết được như vậy thì chúng ta chỉ cần y theo lời Phật dạy mà tu hành, một mặt tu huệ, một mặt tu phước, chắc chắn sẽ không phải lo lắng chuyện cơm ăn áo mặc. Tuy nhiên, có nhiều người chẳng chịu tu phước mà vẫn mong cầu có phước để hưởng phước.

Phước huệ song tu là một việc khó trong thời đại ngày nay vì chúng ta thiếu tấm gương. Nếu chúng ta gần những người tích cực tu phước và tu huệ thì chúng ta sẽ làm được. Nếu chúng ta gần người tích cực tu phước nhưng không tu huệ hoặc tích cực tu huệ nhưng không tu phước thì chúng ta sẽ giống y như họ. Do đó, trong tu tập, chúng ta cần biết chọn Thầy tốt bạn lành.

Nếu như nhiều năm trước tôi không gặp được pháp của Hòa Thượng thì tôi cũng giống như nhiều người khác là tích cực “tự tư tự lợi”. Đã từ lâu, mỗi buổi sáng thức dậy, tôi đều lễ Phật. Một số ý niệm lợi ích chúng sanh thường xuất hiện ngay lúc lễ Phật. Vọng tưởng để tạo nghiệp thì không nên có còn vọng tưởng mà lợi ích chúng sanh đôi lúc chúng ta vẫn phải mượn dùng.

Cho nên người tích cực tu học phước huệ, chân thật nghĩ đến lợi ích chúng sanh và làm những việc thiết thực cho chúng sanh thì không bao giờ phải lo sợ. Nếu họ không được người ở thế gian cúng dường thì thiên nhân sẽ đến cúng dường. Hòa Thượng từng dạy đạo tràng tu hành thanh tịnh mà bị thiếu hụt, bị đói thì thần hộ pháp ở khu vực đó sẽ bị bắt nhốt.

Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, con nghe nơi công đức trì giới, thọ giới có lợi ích vô cùng thù thắng nhưng phá giới thì phạm trọng tội. Vậy rút cục, con có nên thọ năm giới hoặc Bồ Tát giới hay không? Trước khi thọ giới thì nên chuẩn bị tâm lý và sự nhận biết như thế nào cho đúng ạ?

Trong giới Kinh nói, người giữ giới thanh tịnh thì mỗi giới có 5 vị thần hộ giới. Công đức thọ giới, giữ giới tinh nghiêm rất thù thắng, ngược lại không giữ giới thì tội chồng tội, giống như người biết mà phạm thì tội nặng. Hòa Thượng trả lời: “Đây là một thực tế, một vấn đề nghiêm trọng trong cửa Phật. Không chỉ là vấn đề của người thọ giới mà còn của người thọ Tam Quy. Tình hình này không thể không biết! Pháp sư Hoành Nhất trong giảng giải của Ngài có nói rằng Phật tử ngày nay thọ giới chỉ ở trên hình thức. Thọ Tam Quy, Năm Giới cũng chỉ là hình thức.

Thọ Tam Quy là quay về với “Giác Chánh Tịnh” nhưng rất nhiều người thọ Tam Quy rồi vẫn “Mê, Tà, Nhiễm” và có người thọ Năm Giới rồi nhưng vẫn sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối. Hòa Thượng nói: “Trong Giới Kinh, Thế Tôn nói rõ về tiêu chuẩn thọ giới. Đối với giới Tỳ Kheo và Tỳ Kheo ni, mức độ thấp nhất cần có năm vị Tỳ Kheo chân thật đắc giới (có giới luật tinh nghiêm) truyền giới cho thì mới đắc giới. Đại sư Ngẫu Ích nói với chúng ta rằng từ Nam Tống trở về sau thì không có người chân thật đắc giới.

Người chân thật giữ giới là người có giới luật tinh nghiêm. Hòa Thượng từng kể cho chúng ta về một vị là Tuyên Luật Sư, ông cả đời giới luật tinh nghiêm nên được thiên nhân thường đem cơm đến cúng dường ông. Ngày nay người thọ giới nhưng không giữ giới rất nhiều. Trước Phật Bồ Tát mà họ còn ỡm ờ, thọ giới nhưng không hứa là sẽ giữ giới. Oan gia trái chủ bên cạnh chúng ta nhìn thấy rất rõ việc làm này của chúng ta. Ngài Lý Bỉnh Nam khi còn tại thế, chỉ truyền thụ Tam Quy-Quy y Phật, Pháp, Tăng chứ không khuyên người giữ giới, tuy nhiên, nếu có ai phát nguyện giữ giới thì Ngài mới truyền giới cho họ.

Hòa Thượng tiếp lời: “Trên thực tế chỉ là hình thức thọ giới chứ không đắc giới, cho nên đại sư Ngẫu Ích mới đề xướng luân pháp sám hối (chính là Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo Kinh), dùng phương pháp này để sám hối. Thế nhưng Tổ Sư, Đại đức đề xướng “Trì Giới Niệm Phật”. Những năm đầu khi tôi học Phật, Đại sư Chương Gia dạy tôi học giới. Đại sư dạy rằng giới luật không ở trên hình thức mà phải chú trọng ở thật làm. Chân thật thọ trì, học một điều, làm một điều vậy thì bạn chân thật đạt một điều.