50Thứ Bảy, 26/10/2024, 18:42
66 · Phật Pháp Vấn Đáp - 66 _ 1 66 · Phật Pháp Vấn Đáp - 66 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ nhật, ngày 27/10/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 66

Mỗi chúng ta đến thế gian này đều thọ thân tứ đại, thân chúng ta hợp thành từ đất, nước, gió, lửa. Trong cơ thể chúng ta hơi ấm cơ thể là lửa; thịt, xương là đất hơi thở là gió. Chúng ta có thân tứ đại thì chắc chắn chúng ta sẽ có bệnh. Phật nói, thân người không thể thoát khỏi tám cái khổ của Sinh – Lão – Bệnh –Tử, cầu bất đắc khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ. Chúng ta cầu mà không được, ghét nhau mà phải gặp mặt, yêu thương mà phải chia lìa, cơ thể không điều hòa thì chúng ta đều khổ. Chúng ta bị bệnh do thân thì chúng ta phải uống thuốc. Công phu của chúng ta chưa cao nên chúng ta cần thuốc để hỗ trợ.

Bệnh của thân đã khó chữa nhưng bệnh do oan gia trái chủ, bệnh do vong dựa thân còn khó chữa hơn. Trong cuộc sống, vì cơm gạo áo tiền mà chúng ta đã tạo ra rất nhiều oan gia trái chủ. Trong vô lượng kiếp, chúng ta cũng đã tạo ra rất nhiều oan gia trái chủ. Người xưa kể câu chuyện, Triệu Thấu đi theo Quốc sư Ngộ Đạt mười đời để chờ cơ hội trả thù. Bệnh do nghiệp chướng là những người mới sinh ra đã tàn tật, không có tay chân hay đầu óc bị ngây dại.

Hòa Thượng nói: “Ba loại bệnh này đều có căn nguyên chúng ta phải hiểu được để chúng ta dùng phương pháp đối trị phù hợp. Chúng ta muốn hóa giải bệnh tật thì chúng ta nhất định phải dùng tâm chân thành, thanh tịnh, từ bi”. Chúng ta giữ được tâm chân thành, thanh tịnh, từ bi thì chúng ta chữa được thân bệnh, tâm bệnh, điều giải được với oan gia trái chủ, hóa giải được nghiệp chướng.

Người thế gian luôn dính mắc vào “ân oán tình thù”, họ không muốn thua người khác, luôn muốn báo oán. Trong “Đệ Tử Quy” dạy chúng ta: “Báo oán ngắn, báo ân dài”. Chúng ta phải mau kết thúc tâm báo oán; tiếp nối, tăng trưởng tâm báo ân. Tâm báo ân cần phải được nuôi dưỡng để hình thành và phát triển, chúng không dễ sinh khởi.

Chúng ta đã thọ thân tứ đại thì chúng ta không thể tránh khỏi Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Nếu oan gia trái chủ đến đòi nợ thì thân bằng quyến thuộc phải tích cực tu phước, tích phước để hồi hướng cho họ. Chúng ta phải làm mọi việc một cách mạnh mẽ thì mới có kết quả. Chúng ta phải chuyển đổi nội tâm của chính mình thì mới có thể hóa giải oan gia trái chủ. Chúng ta không thể hóa giải oan gia trái chủ là vì, thứ nhất chúng ta chỉ làm ở bề ngoài, không làm từ nội tâm; thứ hai, chúng ta làm không đúng pháp, chúng ta nghe theo sự hướng dẫn của những người “tự tư tự lợi”. Chúng ta mắc bệnh do oan gia mà chúng ta uống thuốc, đến bệnh viện thì bệnh không thể khỏi, bệnh viện chỉ chữa bệnh do thân sinh lý. Chúng ta muốn chữa bệnh do oan gia thì chúng ta làm theo lời Phật dạy, chuyển đổi tâm, làm những việc lợi ích lớn cho chúng sanh để oan gia trái chủ hoan hỷ mà thay đổi.

Hòa Thượng từng kể nói, ngày trước, có người muốn báo thù người đã hại chết Cha, họ dành thời gian học võ thuật sau đó quay trở lại tìm người đã hại Cha mình để báo thù. Sau đó, người con thấy người đó là một vị quan thanh liêm, lợi ích cho rất nhiều người nên người con chờ cho đến khi người đó không làm quan, không làm lợi ích chúng sanh nữa thì mới báo thù.

Chúng ta chân thật làm việc lợi ích chúng sanh thì oan gia trái chủ cũng sẽ cảm động, không dám động đến chúng ta. Nếu chúng ta làm lợi ích chúng sanh mà oan gia trái chủ hại chúng ta là họ đang hại rất nhiều người. Chúng ta muốn hóa giải oan gia trái chủ thì chúng ta phải chân thật chuyển đổi từ nơi chính mình. Chúng ta khởi tâm động niệm đều vì người khác thì chắc chắn oan gia trái chủ sẽ trở thành hộ pháp, giúp đỡ chúng ta.

Hòa Thượng nói, chúng ta có chướng ngại thì chúng ta quán sát xem nguyên nhân chướng ngại là ở đâu. Chúng ta làm bất cứ việc gì cũng có “cái ta”, “cái của ta” thì oan gia trái chủ sẽ thấy rất rõ ràng. Hòa Thượng nói: “Chúng ta chỉ gạt được những người tâm ý qua loa, chỉ cần người tâm có một chút thanh tịnh thì chúng ta đã không gạt được”.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, cư sĩ tại gia có thể mặc áo tràm màu cà-phê không?”.

Hòa Thượng nói: “Tôi nghĩ, việc này không vấn đề gì bởi vì ở trên Kinh, không nói là không thể mặc. Trên Kinh chỉ nói về việc chúng ta mặc áo cà sa, “cà sa” nghĩa là là tạp sắc, các loại màu sắc trộn lẫn với nhau. Nó biểu thị ý nghĩa là đa nguyên văn hóa, không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo. Các màu hồng, vàng, lam, trắng đen là năm loại chánh sắc. Đệ tử của Phật người xuất gia hay tại gia đều không nên mặc những màu chánh sắc mà phải mặc những màu hoại sắc. Chúng ta ăn cơm cũng gọi là cà sa phạn. Ý nghĩa của cà sa là hỗn hợp lại với nhau, không phân biệt, không chấp trước, là bình đẳng, tâm địa thanh tịnh”.