41Thứ Năm, 24/10/2024, 21:32
64 · Phật Pháp Vấn Đáp - 64 _ 1

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 24/10/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 64

Phật dạy chúng ta phải tích cực tu phước, tu huệ, chúng ta có phước huệ viên mãn thì sự tu hành của chúng ta sẽ không có chướng ngại. Nếu phước báu của chúng ta khiếm khuyết thì chúng ta tích cực, nỗ lực tu phước, nếu chúng ta có dư phước thì chúng ta tích cực bố thí. Người không có phước thường có chướng ngại rất lớn là bệnh khổ. Rất nhiều người không có phước nên họ bị bệnh nan y hay có những người bị linh hồn khống chế, không có sự tự chủ. Khi nghiệp chướng hiện tiền thì chúng ta biết rằng mình phước mỏng, nghiệp dày. Chúng ta có dư phước thì chúng ta vẫn phải tích cực tu phước, tích phước, tiếc phước.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta có phước chúng ta cũng không hưởng phước mà chúng ta dành tặng phước đó cho chúng sanh khổ nạn”. Chúng ta có phước thì chúng ta đi cứu giúp những người khó khăn. Đây là tâm lượng đại từ, đại bi của Phật Bồ Tát. Nhiều người sợ nghèo khổ, sợ được mất, sợ lời lỗ nên họ bố thí, làm lợi ích chúng sanh một cách dè dặt.

Sáng hôm qua, trước khi đi bấm huyệt, tôi vẫn dành khoảng hai tiếng để cắt rau mang tặng. Chúng ta sợ khó, sợ khổ thì chúng ta không thể làm được những việc lợi ích chúng sanh. Hòa Thượng nói, chúng ta chưa đủ phước báu thì đời này, chúng ta chăm chỉ, nỗ lực tu phước vẫn còn kịp. Tôi hoàn toàn tin việc này! Chúng ta chăm chỉ, nỗ lực làm trong 3 năm, 5 năm thì sẽ có kết quả. Trong thời gian dịch khoảng 3 năm, chúng ta đã xây dựng xong các khu đào tạo, những vườn rau.

Phật Bồ Tát, Cổ Thánh Tiên Hiền nói, con người có vận mạng và vận mạng có thể thay đổi, chúng ta có đang nỗ lực thay đổi vận mạng của mình không? Chúng ta đang nỗ lực thay đổi hay chúng ta tuỳ thuận phiền não? Ngày ngày, chúng ta vẫn bị việc ăn, ngủ, tài sắc danh thực thuỳ dẫn đạo, làm chủ. Thí dụ như, đến giờ học mà chúng ta vẫn muốn ngủ tiếp. Tôi nói với các chú ở cùng rằng, hằng ngày, tôi tỉnh táo từ sáng sớm đến tối, sau này nếu tôi mất, mắt tôi cũng vẫn sẽ mở một cách tỉnh táo! Hầu hết chúng ta người ngủ đủ thời gian nhưng chúng ta vẫn cảm thấy buồn ngủ, tinh thần không minh mẫn. Tinh thần của chúng ta không minh mẫn thì đó là chúng ta đang bị tập khí sai sử. Chúng ta phải tỉnh táo, minh mẫn, tường tận mọi sự mọi việc.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hoà Thượng, khi con niệm Phật con khởi lên ý niệm vô cùng ác, thí dụ như ý niệm về năm nghịch, mười ác, vậy làm thế nào để con đối trị những niệm ác này? Tâm hạnh của con dường như rất tà ác có phải con đã bị Ma ám hay không?”.

Rất nhiều người gặp phải trạng thái như này, nếu trong quá trình tu hành, nếu chúng ta không bị chướng ngại lớn, chỉ gặp chướng ngại nhỏ thì đó là do chúng ta có phước đức, nhân duyên rất lớn. “Ngũ nghịch” là một trong năm trọng tội giết Cha, giết Mẹ, giết A La Hán, phá hoà hợp tăng, làm thân Phật chảy máu. “Thập ác” là những điều trái với “Thập thiện”. Thí dụ như, khi chúng ta niệm Phật mà chúng ta vẫn khởi lên ý niệm “sát, đạo, dâm, vọng”, “tham, sân, si, mạn”.

Trước đây, có người nói với tôi, họ rất sợ lên điện niệm Phật vì mỗi lần làm như vậy họ đều nghe tiếng nói ở bên tai là: “Đừng có niệm người đó!”. Đây là do oan gia trái chủ. Tất cả đều do tâm của chúng ta. Phật nói: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Chúng ta phải mở rộng tâm lượng. Tâm chúng ta thiện thì mọi pháp đều thiện.

Ngày trước, tôi xuống Đồng Tháp thăm một người bạn, sau đó chúng tôi đi gặp một vị, người bạn tôi nói, tôi phải cẩn thận vì vị này có ma thuật thu phục lòng người. Chúng tôi ngồi nói chuyện với vị đó khoảng 40 phút, sau đó chúng tôi ra về. Anh bạn tôi hỏi, khi nói chuyện với vị đó tôi đã nghĩ gì. Tôi nói, tôi chỉ niệm “A Di Đà Phật” và nghĩ đến những việc có thể giúp ích mọi người, khởi tâm từ bi, yêu thương đến mọi người. Hay nói cách khác, tôi chỉ niệm Phật và quán từ bi. Người bạn của tôi nói, khi tôi và vị đó nói chuyện, anh cảm thấy như có hai luồng khí đang đẩy nhau, luồng năng lượng của vị kia chỉ đến được khoảng giữa hai người thì dừng lại, không thể vượt qua. Tất cả đều do tâm chúng ta tạo. Vị đó nói điều gì thì tôi cũng chỉ niệm “A Di Đà Phật” và nghĩ đến việc giúp một người nào đó. Sau đó, người bạn của tôi nói, anh sẽ tặng tôi câu thần chú, câu thần chú này có thể giúp tôi đọc được suy nghĩ của người khác. Tôi nói, nếu tôi đọc được suy nghĩ của người khác thì tôi sẽ rất khổ. Tôi chưa diệt được vọng tưởng, phiền não của chính mình mà tôi biết được người khác sắp làm những việc ác thì tôi sẽ càng khổ đau.

Hòa Thượng nói: “Bạn có bị Ma ám hay không thì việc này không cần phải hỏi người khác, chính mình biết rõ ràng. Nếu như chúng ta gặp những việc này khi chúng ta niệm Phật, chúng ta phải sám hối, sám trừ những ác niệm này. Chúng ta nên lạy Phật nhiều, phải “quán tưởng niệm Phật”, buông xuống ý niệm của chính mình. Việc này vô cùng quan trọng”.  “Quán tưởng niệm Phật” là chúng ta nhìn tượng Phật mà lạy Phật, xem tướng hảo của Phật.

Ngày trước, có hai thanh niên chở một cô gái đến chùa, khi đó tôi làm ở nhà sách, buổi trưa các Thầy nghỉ nên tôi mời họ vào ngồi chờ trong nhà sách. Trông cô gái dáng vẻ rất mệt mỏi, cô nói, mỗi lần cô nhắm mắt thì cô nhìn thấy mặt Quỷ, cô khiếp sợ đến nỗi không thể ngủ. Tôi khuyên cô nên để tượng Phật ngay trước mặt, cô nhìn tượng Phật để niệm Phật, cô niệm đến khi nào mệt thì ngủ, nếu chưa mỏi thì mở mắt nhìn tượng Phật để niệm tiếp. Đây là do oan gia trái chủ. Chúng ta nhìn tượng Phật để chúng ta khắc sâu hình ảnh Phật trong não, buông bỏ tà niệm, ác niệm. Chúng ta không nên ngồi niệm Phật mà nên nhìn Phật, niệm Phật, lạy Phật. Nếu chúng ta dễ hôn trầm, chúng ta cũng nên áp dụng phương pháp này. Trước đây tôi lạy Phật rất chậm, hiện tại, tôi lạy Phật rất nhanh. Buổi sáng khi lạy Phật, tôi mặc ba áo, tôi ra rất nhiều mồ hôi nên chiếc áo bên trong bị ướt sũng. Sau khi niệm Phật xong, tôi thay quần áo, tinh thần của tôi rất phấn chấn.

Hòa Thượng nói: “Tốt nhất là chúng ta nên lạy Phật nhiều, buông bỏ tất cả những ý niệm, tập trung ý chí vào câu “A Di Đà Phật”, quán sát, bái lạy “A Di Đà Phật”. Chúng ta nên tập trung tinh thần, ý chí vào câu “A Di Đà Phật”, mắt nhìn tượng Phật và lạy Phật.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Con niệm Phật khoảng hai, ba năm, hơn nửa năm trước, sau khi lạy Phật, khi nghỉ ngơi, bên tai con vẫn nghe được âm thanh của câu Phật hiệu, xin hỏi việc này tốt hay xấu?”. Chúng ta niệm Phật khoảng một hai giờ thì khi chúng ta ngồi nghỉ ngơi, chúng ta vẫn nghe được tiếng niệm Phật.

Hòa Thượng nói: “Bạn không cần phải để ý đến việc này. Đây là cảnh giới tốt nhưng nếu bạn thường để ý, thường nghĩ đến sự việc này vậy thì việc này trở thành không tốt rồi!”. Khi chúng ta niệm Phật, chúng ta nghĩ vì sao, hôm nay chúng ta không nghe đc âm thanh đó thì chúng ta đã vọng tưởng.

Hòa Thượng nói: “Trên “Kinh Lăng Nghiêm” dạy chúng ta một đạo lý, khi một cảnh giới hiện tiền, chúng ta không nên dính mắc, để ý đến vậy thì đây là cảnh giới tốt. Nếu chúng ta khởi tâm phân biệt, chấp trước, chúng ta cho rằng đó là cảnh giới tốt, chúng ta khoe với người khác, trong khi niệm Phật, chúng ta thường nghĩ đến cảnh giới này vậy thì cảnh giới này trở thành cảnh giới không tốt”.

Ngày trước, có người chụp được ảnh, khi mọi người niệm Phật thì Thần hộ pháp đứng xung quanh, khi Hòa Thượng nhìn thấy những bức ảnh này, Hòa Thượng bảo mọi người phải xé bỏ ảnh và không được nói cho người khác. Nếu mọi người biết việc này thì họ sẽ vừa niệm Phật vừa vọng tưởng, họ sẽ nhìn xem có ai đang đứng xung quanh hay không.

Nếu đạo tràng niệm Phật thanh tịnh thì có thể Phật Bồ Tát cũng đến niệm Phật. Một đạo tràng chưa thanh tịnh nhưng những người niệm Phật cố gắng dụng công thì sẽ có Long Thiên Thiện Thần đến. Đạo tràng nhiều “thị phi nhân ngã”, phải trái tốt xấu, “danh vọng lợi dưỡng” thì ác thần đến để giúp chúng ta tăng thêm “thị phi nhân ngã”, “danh vọng lợi dưỡng”.

Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Ta là Phật đã thành tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành”. Chúng ta có đầy đủ năng lực thành Phật vậy thì việc chúng ta nghe được tiếng niệm Phật, ngửi thấy mùi thơm, biết việc xảy ra trong quá khứ, tương lai cũng không có gì là lạ. Chúng ta không cần chú ý đến cảnh lạ mà chỉ nên chuyên tâm niệm Phật. Chúng ta cũng không cần khoe khoang để người khác ngưỡng mộ, chúng ta khoe khoang vậy thì chúng ta đã sai rồi.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hoà Thượng, mỗi ngày con đều cúng một ly nước, một bát cơm, khoảng một giờ sau thì ly nước bị giảm đi một nửa, việc này là vì sao?”.

Hòa Thượng nói: “Bạn cúng dường cơm, nước mà chúng ít đi một chút thì đây là việc rất tốt, biểu thị có chúng sanh thọ dụng. Bạn không cần để ý đến việc này. Chúng ta cúng dường bằng tâm cung kính là được, chúng ta khởi phân biệt, chấp trước thì chúng ta đã mất đi tâm cung kính”. Khi chúng ta cúng, có con thạch sùng, tắc kè đến uống nước là việc bình thường. Việc này không cần phải hỏi mà có thể tự suy đoán.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Khi con niệm Phật bằng tràng hạt, con phải cầm tràng hạt như thế nào?”. Tràng hạt chỉ là công cụ, phương tiện để nhắc nhở chúng ta niệm Phật. Có người nói, khi niệm Phật, tay lần đến hạt ở đầu tràng hạt thì phải quay lại, không đc vượt qua. Họ cho rằng hạt ở đầu tràng hạt là biểu thị cho một vị Phật. Chúng ta làm thế nào để có thể giữ câu Phật hiệu liên tục, không gián đoạn là được, chúng ta không nên khởi phân biệt, chấp trước. Bồ Tát Đại Thế Chí dạy chúng ta: “Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm nối nhau”. Chúng ta gom nhiếp sáu căn, tập trung niệm Phật, không vọng tưởng. Nếu chúng ta dùng xâu chuỗi thì mỗi lần chúng ta bấm một hạt, chúng ta niệm một câu Phật hiệu.

Hòa Thượng nói: “Bạn cầm xâu chuỗi như thế nào để bạn thoải mái là được, không cần nhất định ở hình thái nào”. Điều quan trọng là chúng ta miệng niệm Phật, tâm nghĩ đến Phật. Ở thế gian, có những người nhiều chuyện, họ luôn đi dạy người khác làm như thế nào cho đúng trong khi họ chưa làm được.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hoà Thượng, có người nói, khi lần tràng hạt niệm Phật không được lần tay qua hạt đầu tiên của tràng hạt, như vậy có đúng không?”.

Hòa Thượng nói: “Khi lần tràng hạt niệm Phật không được lần tay qua hạt đầu tiên của tràng hạt, bởi vì một số tràng hạt, hạt đầu tiên có hình tượng Phật, bạn lần tay qua tượng Phật thì sẽ không cúng kính. Tốt nhất là chúng ta không nên gắn hình Phật ở đầu tràng hạt”. Xâu chuỗi là để niệm Phật không nên gắn tượng Phật, không cần thiết phải dùng xâu chuỗi đắt tiền, chúng ta dùng gỗ tốt để không xước tay khi chúng ta lần hạt là được. Chúng ta dùng xâu chuỗi bằng nhựa thì sẽ không tốt cho sức khỏe.

Chúng ta tu hành điều cốt lõi nhất là chúng ta giữ được tâm thanh tịnh, niệm câu Phật hiệu một cách miên mật, đối trị được tập khí xấu ác. Chúng ta niệm Phật như thế nào, âm điệu ra sao là tuỳ thuộc vào mỗi người. Mỗi người có cơ địa khác nhau, họ có thể niệm thầm, niệm to, tuỳ theo sức khỏe, chúng ta không nên tùy tiện khuyên người. Nhiều người niệm thầm vì sức khỏe của họ không tốt, có người niệm Phật to để họ không cảm thấy hôn trầm. Điều quan trọng là chúng ta giữ được các niệm tiếp nối liên tục. Chúng ta niệm Phật thành khối là chúng ta niệm Phật liên tục, không còn khoảng trống để vọng niệm xen tạp.

Ngày trước, có một người tặng cho tôi một xâu chuỗi bằng đá cẩm thạch, mua ở Malaysia, ban đầu tôi đeo nhưng tôi cảm thấy rất nặng ở cổ. Sau đó, tôi cắt xâu chuỗi đó thành năm sâu, tặng cho các học trò. Đến bây giờ xâu chuỗi vẫn rất bóng đẹp. Có một người bán trầm hương tặng cho tôi một xâu chuỗi làm bằng trầm hương, họ nói xâu chuỗi đó rất quý, giúp phòng chống gió độc. Ngay trong hôm đó, tôi đã tặng lại xâu chuỗi cho một chú học trò để người đó mang về tặng cho bà nội. Chúng ta không nên đây đều là những điều chướng ngại tâm thanh tịnh của chúng ta. Chúng ta tự tạo cho mình sự phân biệt, chấp trước thì chúng ta giống như lời Phật nói là “khổ không nói lên lời”.

Hôm trước, sau chuyến công tác, tôi di chuyển về Đà Lạt, mọi người tưởng tôi bay về thành phố Hồ Chí Minh thăm cháu ngoại, đây là tôi không để mình quá chấp trước. Trong khởi tâm động niệm của chúng ta đã nhiều phân biệt, chấp trước, chúng ta thường không buông bỏ mà khiến mình càng thêm nhiều phân biệt, chấp trước. Chúng ta tu hành bất kỳ pháp môn nào cũng là để chúng ta đối trị tập khí của chính mình. Từ khi chúng ta học Phật, tập khí “tham, sân, si, ngạo, mạn” đã giảm được chưa? Nếu tập khí, phiền não của chúng ta vẫn không giảm thì xin chia buồn với chúng ta, chúng ta chắc chắn sẽ đoạ vào tam đồ ác đạo. Chúng ta tu học mà phân biệt, chấp trước không giảm thì chứng tỏ chúng ta chưa tu hành gì! Tập khí của chúng ta giảm thì chúng ta niệm Phật mới có thể vãng sanh.

****************************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!