11Thứ Tư, 23/10/2024, 17:13
63 · Phật Pháp Vấn Đáp - 63 _ 1

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 23/10/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

 BÀI 63

Hòa Thượng nói Thích Ca Mâu Ni Phật giảng Kinh nói pháp không cần phải chuẩn bị mà tùy theo người hỏi để trả lời. Phật thuận theo căn tánh của chúng sanh cao hay thấp mà có pháp để nói. Do đó Phật pháp không có định pháp. Đối với chúng ta, mọi sự mọi việc đều có sự chuẩn bị, có đề án, có sách lược nhưng đôi lúc làm việc vẫn thất bại.

Nguyên nhân vì chúng ta không làm với tâm chân thành mà làm với tâm được mất, hơn thua, lời lỗ. Đến khi nào chúng ta bước vào cảnh giới rời khỏi chuyện được mất, hơn thua, lời lỗ thì sẽ khác. Chúng ta phải đi một quãng đường xa mới đạt được cảnh giới đó và chắc chắn chúng ta sẽ bước đến được.

Việc trù bị cho công việc phần nhiều là vọng tưởng chứ chúng ta chưa dụng tâm chân thành, đồng cảm với chúng sanh. Nếu có thể đồng cảm với chúng sanh thì công việc chúng ta làm sẽ có kết quả khác. Hòa Thượng cho rằng chúng ta được phép mượn dùng sự vọng tưởng trong quá trình làm việc nhưng làm xong thì phải buông hết.

Tôi hoàn toàn sâu sắc thể hội việc này vì nếu chúng ta có kế sách, trù bị thì chúng ta có khuôn khổ còn nếu chúng ta tùy thời tùy lúc mà làm thì có thể ứng biến. Ví dụ ở mỗi vùng miền đều có sự khác biệt, ngay đến giọng nói từng địa phương cũng khác nhau, cho nên không thể đem cách làm nơi này áp dụng cho nơi khác. Nội dung thì giống nhau nhưng cách làm phải thay đổi cho phù hợp. Nếu có thể ứng biến thì có thể khế nhập được cảnh giới. Do đó, chúng ta nhất định quay về với tâm chân thành, tâm đồng cảm. Đồng cảm khác với đồng tình. Đồng tình là thuận theo còn đồng cảm là cảm nhận được. Muốn có sự đồng cảm thì phải chân thành.

Hòa Thượng khẳng định Phật Bồ Tát làm việc không cần sách lược, kế hoạch nhưng các Ngài làm luôn là viên mãn, không ai sánh được. Chúng ta có kế hoạch mà vẫn phạm phải sai lầm rất nhiều. Vì vậy, nếu xây dựng kế hoạch, sách lược trên tâm chân thành, từ bi, vô ngã thì kế hoạch sách lược đó sẽ là nguyện lực. Nếu xây dựng trên tâm hư ngụy thì kế hoạch sách lược đó không có tính từ bi mà là vọng tưởng, là mưu đồ. Cho nên trong những bài học trước, Hòa Thượng dạy chúng ta rằng khi vọng tưởng khởi lên mà chúng ta thực hiện vọng tưởng đó một cách viên mãn, chu đáo thì vọng tưởng biến thành nguyện lực.

Kỳ này tôi đi Hà Nội, tôi có khởi một vài vọng tưởng và hôm qua tôi đã thực hiện xong những vọng tưởng đó một cách viên mãn đến không ngờ. Hòa Thượng cho rằng lúc làm việc chúng ta có thể mượn vọng tưởng để tư duy xem xét làm thế nào cho công việc tốt nhất nhưng khi xong việc thì buông tất cả. Vậy hãy xét cuộc đời chúng ta, mọi việc chúng ta làm là nguyện lực hay là vọng tưởng?

Câu hỏi thứ nhất trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, người mà đến cõi trời có ngồi trên tòa hoa sen hay không ạ?

Câu hỏi này chính là sự vọng tưởng, phân biệt. Việc cần làm thì chúng ta không làm, chỉ chìm trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên triền miên khổ đau. Ngay việc tu hành niệm Phật của chúng ta cũng vậy, chúng ta niệm Phật là cầu vãng sanh rồi cho nên không cần thiết phải vừa niệm Phật vừa cầu vãng sanh, làm như thế rất lôi thôi. Chỉ cần làm đúng, niệm đủ thì đáng vãng sanh thế nào, sẽ vãng sanh như thế đó. Đủ năng lực đứng hay ngồi vãng sanh thì sẽ đứng và ngồi vãng sanh. Nếu không đủ thì không vãng sanh. Chúng ta không cần thiết phải biết lúc vãng sanh chúng ta ngồi hoa sen như thế nào? Chỉ cần biết có Phật A Di Đà tiếp dẫn về Tây Phương Cực Lạc là được rồi. Không nên ngồi đó mà khởi tâm phân biệt rằng mình muốn ngồi trên hoa sen màu tím mà Phật lại mang hoa sen xanh đến tiếp dẫn.

Muốn về được cõi trời, chúng ta cứ theo pháp Thiên đạo mà làm, thực hành Năm Giới tròn đầy và Mười Thiện từ trung phẩm trở lên, ngoài ra còn tu tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỉ, tâm Xả. Đủ điều kiện này thì khi ra đi, thiên nhân trỗi nhạc trời đón rước rất long trọng. Nếu vãng sanh thì có Phật A Di Đà cùng thánh chúng đến tiếp dẫn. Nhạc ở thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ hay hơn nhạc cõi trời.

Cách đây rất lâu, có một cô học trò kể chuyện về việc khi Cha cô gần lâm chung, cô đã nghe được tiếng trống vang trời, vài hôm sau khi cụ đã mất thì cô nghe thấy tiếng nhạc vang vang mặc dù ông cụ nằm trong phòng kính, bệnh viện lại cách xa khu dân cư nên không thể có tiếng nhạc. Khi ông sống, ông tu tập về cõi trời, đời sống của ông rất chân thành, thiện lành, không làm mất lòng ai. Do vậy, cảnh giới của ông có lẽ được sanh về cõi trời.