10Thứ Ba, 22/10/2024, 09:24
62 · Phật Pháp Vấn Đáp - 62 _ 1

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 22/10/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

 BÀI 62

Phật nói ra rất nhiều pháp môn vì căn tánh của chúng sanh khác nhau cho nên Phật pháp rộng lớn vô lượng vô biên. Chúng ta chọn pháp để tu thì chỉ chọn một. Có như vậy mới đạt được thành tựu. Nhà Phật gọi đó là “Nhất môn thâm nhập trường kỳ huân tu”. Sau khi chọn được pháp tu cho mình, chúng ta khởi đầu bắt đầu từ đâu?

Bài học hôm qua Hòa Thượng nói về điều này. Đó là trong ba lợi ích chân thật thì chúng ta cần Trụ Chân Thật Huệ. Đây là điều rất quan trọng. Nếu chúng ta bắt đầu tu học mà có thể trụ được vào trí huệ chân thật thì chúng ta có thể khai mở được tự tánh của chúng ta, khai mở tâm rộng lớn vì Phật pháp cửu trụ, vì chúng sanh mà phục vụ.

Để làm được việc này, Hòa Thượng chỉ dạy chúng ta là phải y giáo phụng hành. Nếu Kinh Phật dạy thì chúng ta nhất định phải làm theo, trên Kinh Phật không dạy nhưng ai đó ở thế gian bày vẽ ra thì chúng ta nhất định không nên nghe. Có người khi tạc tượng Phật đã tạc khuôn mặt Phật giống hệt chính mình bởi vì họ tự cho rằng họ là Phật, đáng được đời đời kính ngưỡng. Nếu họ không có công phu, phước báu được như Phật thì sự định đặt, bày vẽ này là một việc làm khủng khiếp!

Có người học Phật có năng lực làm được rất nhiều việc mang lại lợi ích cho những người xung quanh, luôn thấy hạnh phúc vui vẻ. Tuy nhiên, có một số người khác cũng học Phật nhưng mù mờ không rõ đường đi, không rõ pháp tu và họ khổ không nói nên lớn. Để tìm ra nguyên nhân của việc này, chúng ta nhớ lại lời của Hòa Thượng rằng: “Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm phải làm ra được tấm gương tốt cho xã hội. Đây chính là Trụ Chân Thật Huệ”. Vậy chúng ta hãy quán chiếu lại xem những năm tháng qua mình có làm ra tấm gương không, có làm lợi ích được cho ai không hay là làm phiền não cho người khác, cho thân bằng quyến thuộc?

Khi bắt đầu tu học là tôi đã cắt mọi ngoại duyên, không liên lạc với thân bằng quyến thuộc, tuy vậy, mỗi lần họ gặp tôi, tôi luôn duy trì sự hài hòa thân ái, quan tâm tặng quà thậm chí dù không thường xuyên liên lạc nhưng luôn giúp đỡ họ một chút tài chính khi gia đình họ có việc. Tôi không làm cho họ cảm thấy có sự phân biệt rằng tôi là người tu hành, họ là người thế gian; tôi là người tạo phước, họ là người tạo tội; tôi là người ăn chay, họ là người ăn thịt; v..v. Đa phần người học Phật rơi vào tâm phân biệt này. Đây là sai lầm, hãy mau mau sửa lại! Chúng ta tu hành nhiều năm mà vẫn làm chưa được tốt, còn họ chưa tu thì làm sao lại không có những sai lầm? Chúng ta phải trở thành người gần gũi với họ mới có thể ảnh hưởng được họ.

Câu hỏi đâu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, ở ngay trong cuộc sống thường ngày, khởi tâm động niệm làm thế nào có thể thực hiện được Năm Giới, Mười Thiện ạ?”. Chúng ta phải nhận diện rõ ràng các hiện tượng bất thiện nổi lên để ngay lập tức chúng ta phải ngăn lại, không để nó phát tác. Có thể nó xảy ra rồi thì nhất định chúng ta phải dừng nó lại, người công phu cao thì khi sự việc chưa xảy ra, mới xuất hiện từ xa là họ đã dập tắt nó.

Hòa Thượng trả lời: “Chỉ cần đem Mười Thiện làm cho tốt thì Năm Giới tự nhiên ở trong đó. Trong Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh dạy chúng ta phải đọc và tư duy nhiều lần. Ngay trong cuộc sống thường ngày thì tận lực mà làm cho được. Làm thế nào để làm cho tốt? Trên Kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta cương lĩnh để làm tốt 10 thiện. Chính là ‘Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người’. Phải bắt đầu từ nơi không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời hung ác và không nói lời thêu dệt.

Trên Kinh Vô Lượng Thọ dạy rằng ba điều khéo giữ trên thân khẩu ý là: “Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người. Khéo giữ thân nghiệp, không mất oai nghi. Khéo giữ ý nghiệp, thanh tịnh vô nhiễm” để giúp chúng ta tu tốt Thập Thiện.

Chúng ta có thói quen hư tình giả ý, qua loa, mọi sự đều xem nhẹ nên chúng ta vô tâm vô cảm với mọi sự mọi việc. Tôi đi đến bất cứ nơi đâu, chỗ mình ở hay chỗ người khác, tôi đều nhận ra những việc bất thường. Có lần tôi sang Mỹ, buổi sáng ra ngoài vườn, tôi thấy hoa nở rất đẹp nhưng tôi đã cảm nhận thấy chúng đang thiếu nước và tôi đã tưới hết cả khu vườn.