13Thứ Hai, 21/10/2024, 09:31
60 · Phật Pháp Vấn Đáp - 60 _ 1 60 · Phật Pháp Vấn Đáp - 60 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Chủ Nhật, ngày 20/10/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

 BÀI 60

Chúng ta sống trong thời hiện đại với sự phát triển của khoa học kỹ thuật đang làm cho cuộc sống của chúng ta có nhiều tiện ích hơn. Tuy nhiên sự phát triển của khoa học kỹ thuật có một mặt trái là làm chúng ta mất đi năng lực vốn có. Trong bài học trước, Hòa Thượng đã nói cho chúng ta biết rằng khoa học đã tìm ra phương pháp nhân bản vô tính, tức là tạo ra con người.

Tuy nhiên phương pháp này không thể tạo ra một con người hoàn hảo, một con người không có “tự tư tự lợi”, không có “tham sân si mạn” hay một còn người chỉ biết “hy sinh phụng hiến”, không thể tạo nên một vị Phật, Bồ Tát hay Thánh Hiền. Nếu chúng ta sống cùng với những con người được nhân bản vô tính thì rất khủng khiếp.

Một con quạ còn biết tha mồi về cho Cha Mẹ, một con nai thấy Mẹ vướng vào hàng rào dây thép gai còn biết chạy ra đường để chặn xe nhờ người giải cứu cho Mẹ mình, một con cá voi bị lưới quấn quanh người mà nó đã biết nhờ những người trên thuyền giúp nó cắt lưới. Loài vật mà còn có cảm xúc, có tình thân tình thương như vậy, thế mà con người lại vô tính, không có tình cảm thì thật là đáng sợ. Do đó, cuối cùng con người cũng sẽ phải quay trở về với cái gốc của chính mình. Đi tìm gốc thì không thể rời khỏi giáo huấn của Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền.

Câu hỏi thứ nhất trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, chúng ta tạo nghiệp có thiện có ác và có không thiện không ác. Xin cho con hỏi làm thế nào để đoán định được tiêu chuẩn của thiện ác? Lão sư phụ thường nói chúng ta có lúc đem công đức tu được để hồi hướng, tuy nhiên, chúng con cho rằng đó là công đức song thật ra đó lại chẳng phải là công đức. Do đó, tiêu chuẩn thiện ác chưa phân biệt được rõ ràng nên phải làm sao ạ?

Nếu chúng ta không học qua Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp Đạo thì không dễ gì hiểu được tiêu chuẩn của thiện và ác. Hòa Thượng trả lời: “Đúng vậy, vì chúng ta không phân biệt được thế nào là thiện, thế nào là ác nên Đại Sư Ấn Quang mới đề xướng Liễu Phàm Tứ Huấn, nhằm dạy chúng ta nhận biết về nhân quả và đề xướng An Sĩ Toàn Thư, Cảm Ứng Thiên, trong đó nêu lên tiêu chuẩn của thiện ác.

Trong Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh, Phật đem thiện ác tổng kết thành mười loại lớn như sát sinh là ác, không sát sinh là thiện; trộm cắp là ác, không trộm cắp là thiện; tà dâm là ác, không tà dâm là thiện; nói dối là ác không nói dối là thiện; cho đến tham sân si là ác, không tham sân si là thiện. Mười tiêu chuẩn này triển khai ngay trong cuộc sống thường ngày, ngay trong công việc, ngay trong đối nhân xử thế tiếp vật và khởi tâm động niệm đều bao gồm hết ở trong đó.

Do đó, hằng ngày trong đối nhân xử thế và hành động tạo tác của mình, chúng ta phải lấy Thập Thiện làm mực thước để biết mình đang ở bên thiện hay bên ác. Đây là cách phân biệt rất rõ ràng! Một ngày từ sáng đến chiều, mọi việc làm đều rơi về phía ác nghĩa là “thân thì sát đạo dâm; ý thì tham sân si; lưỡi thì nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác, nói lời thêu dệt”, vậy thì chúng ta không cần hỏi ai, chúng ta biết sau khi chết chúng ta sẽ đi về đâu.

Nếu một ngày, mọi việc chúng ta làm đều là 10 thiện thì chúng ta biết chúng ta sau này sẽ có chỗ tốt để đi. Chúng ta sẽ sống rất thoải mái, không còn phải lo sợ, bất an vì chúng ta có nhận thức rằng mọi việc làm tốt sẽ có kết quả tốt đẹp. Việc này bản thân tôi đã có sự thể hội sâu sắc.

Có những lúc tôi thấy việc xấu đang đến như một mũi tên xuất hiện từ xa, đang sắp lao vào mình nhưng khi nó đến gần, nó tan nhạt, mờ dần, không làm tổn hại mà còn trở thành việc tốt, thậm chí còn bảo vệ chúng ta. Cho nên chúng ta cứ theo tiêu chuẩn của Phật, Bồ Tát và Cổ Thánh Tiên Hiền mà hành động tạo tác, mà khởi tâm động niệm thì chúng ta sẽ sống bình an.

Có người trăn trở rằng tương lai họ sẽ ra sao? Lương lai ra sao đã có Phật, Bồ Tát, Long Thiên Hộ Pháp lo cho chúng ta. Nếu không phát tâm mạnh mẽ thì chúng ta không thể hội được việc này. Phát tâm không phải là làm một cách liều mạng. Phát tâm, theo lời giáo huấn của Thánh Hiền thì đó chính là lập chí làm Thánh Hiền còn theo lời dạy của Phật Bồ Tát thì chính là chúng ta có ý muốn trở thành Phật Bồ Tát. Do đó, muốn chân thật phát tâm, chúng ta phải thay đổi tập khí xấu ác của mình. Cho dù chúng ta làm nhiều việc thiện lớn nhưng tập khí xấu ác không hề thay đổi thì cũng chưa phải là chân thật phát tâm.