44Thứ Sáu, 18/10/2024, 18:31

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 18/10/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 58

Hòa Thượng nói: “Bạn đừng nghĩ rằng bạn chỉ có một mình ở thế gian này, Phật Bồ Tát luôn dõi theo bạn, chỉ cần bạn giác ngộ, quay đầu thì Phật Bồ Tát sẽ đến”. Chúng ta chịu nghe lời, tiếp nhận lời của Phật Bồ Tát thì các Ngài liền sẽ đến. Phật Bồ Tát có vô lượng, vô biên thân để tiếp cận chúng ta. Chúng ta đề khởi được tâm chân thành thì Phật Bồ Tát sẽ đến, các Ngài dùng các hình tướng khác nhau để phù hợp với căn tánh của chúng ta. Trên “Kinh Vô Lượng Thọ” nói: “Bất thọ ác thú”. “Thọ” là cảm thọ, cảm nhận. Đáng hiện thân gì thì các Ngài hiện ra thân đó để tiếp độ chúng sanh. Hiện tại, chúng ta ở bất cứ nơi nào chúng ta cũng được Phật Bồ Tát dõi theo.

Sáng nay, có người gửi cho tôi một bức thư rất dài, người đó đang cảm thấy khổ đau đến cùng cực và họ muốn mang tất cả tài sản tặng cho tôi. Tôi khuyên họ cố gắng niệm Phật, ngoài niệm Phật mọi ý niệm khác đều là vọng tưởng. Chúng ta dụng tâm chân thành thì Phật A Di Đà sẽ an bài ổn thỏa, chư Phật Bồ Tát, Long Thiên Thiện Thần cũng sẽ vì chúng ta mà an bài. Chư Phật Bồ Tát đến tất cả cõi khổ của chúng sanh, đáng hiện thân gì để độ thì các Ngài liền hiện ra thân đó, đáng hiện thân Ngạ quỷ, thân Súc sanh, thân quốc vương thì các Ngài hiện ra thân đó. Các Ngài không bị khổ, lạc do thân đó vì tâm các Ngài vẫn thanh tịnh, vô nhiễm. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ mình cô độc, Phật Bồ Tát luôn dõi mắt theo chúng ta. Hằng ngày, chúng ta làm mọi việc đều có người theo dõi chúng ta, chúng ta làm việc tốt hay việc xấu mọi người đều biết. Phật Bồ Tát, Thiện Thần, Hộ pháp đều biết rõ khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của chúng ta.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, con được nghe nói rằng, nhân quả báo ứng là hiện tượng sự thật của tất cả các pháp, người không tin tưởng nhân quả là người không có thiện căn, Phật Bồ Tát cũng không có cách nào để độ họ. Đối với việc này, con có chút nghi ngờ, xin Hòa Thượng giải đáp?”.

Nếu chúng ta hiểu rõ nhân quả thì chúng ta sẽ hết sức cẩn trọng trong khởi tâm động niệm, hành động tạo tác. Chúng ta gieo nhân yêu thương thì gặp quả yêu thương, gieo nhân tang tóc thì nhận quả tang tóc. Hòa Thượng từng nói, buổi sáng, khi chúng ta vừa dắt xe ra khỏi nhà, bánh xe của chúng ta làm một người giật mình, họ mắng chúng ta mắt có vấn đề, chúng ta sẽ cảm thấy “đương không” mà chúng ta bị mắng. Hòa Thượng nói: “Chúng ta không hề oan ức một chút nào, tất cả đều là nhân trước, quả sau!”. Chúng ta hiểu được điều này thì chúng ta sẽ không oán trời, trách người. Tôi đang nói cho mọi người cũng chính là nói cho chính tôi nghe, hằng ngày, tôi cũng có ý niệm oán trời, trách người nhưng ngay sau đó, tôi nhanh chóng kiểm soát ý niệm của chính mình. Thậm chí, có những khi tôi còn lóe lên ý niệm: “Phật Bồ Tát ơi, các Ngài ở đâu rồi!”. Chúng ta hiểu được nhân quả thì chúng ta sẽ sống một cách bình an, bình thản tiếp nhận mọi tình huống xảy ra. Chúng ta chưa làm được điều này vì chúng ta vẫn chưa tin nhân quả, chưa sợ nhân quả!

Hòa Thượng nói: “Nhân quả báo ứng là tổng kết của tất cả sự thật của mọi hiện tượng. Tất cả pháp thế gian và xuất thế gian đều không rời khỏi nhân quả báo ứng. Nhân quả báo ứng là pháp nhân duyên sanh. Cho nên Phật trên “Kinh Kim Cang” nói: “Pháp còn nên xả huống hồ phi pháp”. “Pháp” là Phật pháp. Phật pháp còn nên xả huống hồ không phải Phật pháp. Phật nói ra tám vạn bốn ngàn pháp môn là để tùy thuận căn tánh của tất cả chúng sanh. Chúng sanh cảm thấy pháp nào tương thích với mình thì tiếp nhận. Chúng ta không nên chấp trước, dính mắc, chất chứa mọi sự, mọi việc trong lòng.

Chúng ta tu hành, chúng ta thấy pháp môn Mật Tông, pháp môn Thiền Tông đều hay thì chúng ta đã không biết xả. Ngày trước, mọi người nói với Hòa Thượng, Ngài giảng Thiền hay như vậy vì sao Ngài không tu Thiền. Hòa Thượng nói: “Tôi giảng Thiền để những người có căn tánh phù hợp với pháp môn Thiền tu, căn tánh của tôi chỉ phù hợp với pháp môn Tịnh Độ”. Ngài đã làm ra biểu pháp là không dính mắc ở pháp. Ngài giảng nói thông đạt tất cả các pháp nhưng Ngài chỉ tu theo một pháp.