18Thứ Năm, 17/10/2024, 15:16

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 17/10/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 57

Hòa Thượng nói: “Năm xưa Thích Ca Mâu Ni Phật giáo hóa, khuyên bảo chúng sanh đoạn ác tu thiện, phá mê khai ngộ, chuyển phàm thành Thánh. Thích Ca Mâu Ni Phật đến thế gian không lo nghĩ đến đạo tràng, Ngài ở dưới gốc cây nửa ngày ăn một bữa, sau giữa ngọ thì không còn đi hóa duyên. Pháp duyên của Ngài rất thù thắng, Ngài có 16 vị đại quốc vương làm hộ pháp, cung cấp nơi chốn để Ngài và đại chúng tu học, giảng Kinh nói pháp. Phật và đệ tử chỉ có quyền sử dụng, quyền sở hữu thuộc về những vị quốc vương này”. Thích Ca Mâu Ni Phật làm việc thế gian nhưng không dính mắc vào việc thế gian. Đây là “vi thế gian sự, bất vi thế gian ý”. Thích Ca Mâu Ni Phật ăn đúng ngọ, sau giờ ngọ thì Ngài không đi khất thực nữa. Phật chỉ có quyền sử dụng nên Ngài rất tự tại. Chúng ta muốn có quyền sở hữu nên chúng ta có rất nhiều phiền phức.

Hòa Thượng nói: “Sau khi Phật giáo truyền đến chúng ta, thời kỳ đầu người xuất gia tuy tiếp nhận cúng dường của Quốc vương, đại thần, trưởng giả, thế nhưng đạo tràng, quyền sở hữu đều thuộc về một người nào đó, cho nên mọi người thường nói: “Thập phương đạo tràng”. Đây đều là các Ngài làm thế gian sự nhưng nhất định không có thế gian ý. Cho nên các Ngài tu hành có thành tựu. Hiện tại, người ngày nay tu hành thành tựu không bằng người xưa chính là do thế gian ý quá nhiều. Người tu hành mà thế gian ý quá nồng thì sẽ rất khó thành tựu. Hiện tại, người xuất gia thế gian ý quá nồng, nhiều hơn không biết gấp bao nhiêu lần so với người xuất gia ngày trước. Chúng ta quá xem trọng được mất nên chúng ta tu hành rất khó có được thành tựu. Do đó tôi gần đây sâu sắc cảm nhận, chúng ta không nên xây đạo tràng, phòng ốc, đạo tràng tốt nhất là nên thuê, sau khi chúng ta chết, mọi sự vướng mắc đều không có và cũng sẽ không có người tranh”.

Thế gian ý là “danh vọng lợi dưỡng”, ý niệm hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “ảo danh ảo vọng”. “Thập phương đạo tràng” là đạo tràng của mười phương. Người xuất gia đi đến đâu đều có thể đến ở một vài ngày sau đó họ lại tiếp tục đi nơi khác.

Ngày trước, có một người ở cạnh nhà tôi, một thời gian dài, tôi không thấy con cháu của bà xuất hiện nhưng khi bà vừa mất thì liền có một người cháu đến tiếp nhận. Người cháu này này thậm chí gắn Camera để giữ tài sản của bà. Khi bà bị bệnh rất nặng, bà được người chở đi cấp cứu, trên đường đi bà nói rất nhiều mong muốn nhưng khi vào bệnh viện thì bà mất. Sau đó, người cháu không thực hiện những mong muốn của bà. Chúng ta học Phật, chúng ta nên an bài mọi việc cho tốt để khi chúng ta mất, chúng ta không phải vướng bận.

Hòa Thượng nói: “Nếu là đạo tràng của mình thì tương lai sẽ có rất nhiều đồ để tranh nhau, tốt nhất là chúng ta không nên có quyền sở hữu, chỉ nên có quyền sử dụng”. Hòa Thượng đã làm ra biểu pháp cho chúng ta. Ngài đến thế gian như một lữ khách và ra đi cũng như một lữ khách, tự tại, không chướng ngại.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta không có thứ gì, không có bất cứ việc gì vậy thì chúng ta không tạo nghiệp. Khi tôi ở nước ngoài, đạo tràng do cư sĩ xây dựng, quản lý. Hội trưởng và phó hội trưởng đều là người tại gia, người xuất gia chỉ giảng Kinh, nói pháp, lãnh đạo, dẫn dắt mọi người niệm Phật, ngoài việc này ra không làm những việc khác nên tâm của người xuất gia mới có thể thanh tịnh. Năm xưa, Thế Tôn ở đời thị hiện cho chúng ta xem thấy việc này rất có đạo lý. Ngài đã làm ra tấm gương rất tốt cho chúng ta. Chúng ta hiểu được nguyên lý, nguyên tắc này thì chúng ta làm nghề nghiệp nào, chúng ta cũng giữ được tâm thanh tịnh”. Người ngày nay, tâm được mất quá nặng, luôn sợ được mất, lời lỗ. Chúng ta cho đi một cách vô điều kiện thì chúng ta không bao giờ lỗ.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, người làm nghề kỹ nữ, người làm nghề đồ tể làm thế nào tu thanh tịnh, tu Bồ Tát Đạo?”.

Người làm nghề đồ tể thì hằng ngày giết hại chúng sanh, người làm nghề kỹ nữ thì luôn chìm đắm trong dục vọng. Chúng ta chọn nghề nghiệp bất thiện thì chúng ta rất khó để tu được tâm thanh tịnh.

Hòa Thượng nói: “Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói đến việc Thiện Tài Đồng Tử 53 lần đi tham vấn, những người được tham vấn đều là Bồ Tát, chư Phật Như Lai thị hiện. Có một người làm nghề đồ tể nhưng ông là Bồ Tát hay bà Tu Mật Đa Nữ là kỹ nữ nhưng bà cũng là Bồ Tát, Đây chính là: “Khả đắc vi thế gian sự, bất khả đắc vi thế gian ý”. “Khả đắc vi thế gian sự, bất khả đắc vi thế gian ý” là làm việc thế gian nhưng không có thế gian ý. Chúng ta thấy họ làm như vậy nhưng không phải như vậy. Thí dụ, chúng ta xem phim Tế Công, khi chú Tiểu nhìn thấy Tế Công cầm đùi chó, uống rượu, chú Tiểu cảm thấy rất thèm, chú Tiểu đợi Ngài Tế Công ngủ thì lén ăn trộm. Sau đó, chú Tiểu nhận thấy đùi chó là củ cải, rượu là giấm. Phàm phu nhìn thấy đồ tể giết chúng sanh hay kỹ nữ mua vui cho người đây đều là mượn thân để độ một đối tượng, đối tượng này nếu có nhân duyên đó thì sẽ thành tựu. Bồ Tát ở chợ thì chợ là đạo tràng, Bồ Tát ở vũ trường thì vũ trường thành đạo tràng. Phàm phu đến đạo tràng thanh tịnh thì đạo tràng cũng thành chợ.