13Thứ Ba, 15/10/2024, 09:29

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 14/10/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

 BÀI 54

Hòa Thượng nói rằng hiện tại người học Phật thọ giới nhưng đa phần đều chỉ trên hình tướng, “hữu danh vô thực”, có thọ giới nhưng không thực hành giới. Quy y Phật là trở về với “Giác” mà không mê. Tuy nhiên, khi chúng ta làm việc, đôi lúc chúng ta không biết việc đó là đúng hay sai, thì đó không phải là “Giác”. “Giác” là chúng ta hiểu và xử lý công việc rõ ràng tường tận, không lờ mờ. Mọi sự mọi việc chúng ta làm ra đều đúng như lý, như pháp, thậm chí phù hợp với phong tục, tập quán, không tạo nên sự khác biệt. Chúng ta quy y Pháp là trở về với “Chánh”, quy y Tăng là trở về với “Tịnh”.

Trong giới Kinh nói giữ được một giới thanh tịnh thì có năm vị thần hộ vệ, giữ năm giới thanh tịnh có 25 vị thần hộ giới. Vậy thì người giữ giới thanh tịnh thì làm gì mà bị kiếp nạn hay không tránh được kiếp nạn? Hòa Thượng chỉ dạy chúng ta thọ giới thì phải trì giới thì mới đắc giới mà đắc giới thì phước đức, trí tuệ đầy đủ, mọi sự mọi việc sẽ làm được đúng như lý như pháp. Cho nên từ “Giới” sẽ sinh “Định”, từ “Định” sẽ sinh “Tuệ”.

Ngày nay người học Phật, đa phần là “hữu danh vô thực”, chỉ có cái mác là người học Phật nhưng thật làm thì không có mấy người. Chính vì thế, kết quả càng lúc càng ít người thành tựu, điều này khiến người khác nghi ngờ về Phật pháp.

Người xưa có câu: “Hành hữu bất đắc phản cầu chư kỷ”-Hành động mà chẳng đạt đều phải quay lại tìm nguyên nhân ở mình, vậy một ngày mấy lần chúng ta “phản cầu chư kỷ” - quay lại nhìn chính mình? Một ngày nhìn lại một lần là tổng kiểm điểm, chúng ta tu hành thì phải xem lại chính mình trong từng phút, từng giờ, thậm chí, trong từng ý niệm. Chúng ta phải kiểm điểm ngay khi khởi tâm động niệm, xem chính mình có rơi vào hư danh ảo vọng không?

Trong cuộc sống, chúng ta mải mê trong ánh đèn sân khấu hay trong những lời khen tặng. Người khen thì không mất gì, người nghe không khéo lại mất trắng. Nếu không phản tỉnh thì chúng ta tin rằng lời khen đó là thật. Hòa Thượng từng nhắc đi nhắc lại rằng người ngày nay thích nghe gạt chứ không thích nghe khuyên. Những lời lừa dối thì nghe rất thật còn những lời khuyên can thì rất khó nghe.

Người ngày nay cũng rất thích thốt ra những lời nói sáo rỗng để khen tặng người khác. Việc này không giống với chàng trai mà Thầy Thái từng nhắc đến trong bộ sách “Con đường dẫn đến nhân sinh hạnh phúc”. Người bạn trai này rất chân thành khi lần đầu tiên đi chơi với bạn gái đã góp ý về răng của cô gái xấu quá, ảnh hưởng đến bao tử của cô, từ đó sức khỏe của cô không tốt, tương lai việc làm Mẹ của cô cũng có trở ngại. Lời nói tuy thẳng thắn nhưng lại ấm tình yêu thương chứ không sáo rỗng. Con người hiện đại đa phần đang hướng đến lối sống thích nói và thích nghe lời vô vị.

Chúng ta học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền thì phải xem lại xem chúng ta có “hữu danh hữu thực” hay là “hữu danh vô thực”. Ví dụ chúng ta đi làm từ thiện thì việc làm đó có chân thật lợi ích cho những người khổ nạn hay chúng ta “hữu thực” theo kiểu là được danh, được lợi, được những bức ảnh và những lời khen tặng. Quả thật là một vốn bốn lời!

Nếu đầu tư chân thật, làm thật thì khoản lời của chúng ta chẳng thua kém gì, thậm chí còn có lời trong nhiều đời sau. Đạo lý này ít ai biết, kể cả người học Phật nhiều năm. Cho nên Hòa Thượng nhắc nhở chúng ta dù là tại gia hay xuất gia thì năm giới là đại giới căn bản: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Người tại gia chú trọng ở tướng giới (khi làm thì mới phạm) còn người xuất gia chú trọng ở tánh giới (khởi tâm động niệm là đã phạm). Người tu hành chân thật luôn nỗ lực đạt được tánh giới chứ không dừng ở tướng giới, tức là tu hành có thực chất chứ không chỉ trên hình tướng.

Câu hỏi thứ nhất trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng là: “Kính bạch Hòa Thượng, con niệm Phật niệm đến tâm bình khí hòa thì thường là rơi nước mắt, nội tâm dâng trào cảm xúc, không biết đây là nguyên nhân gì ạ?

Hòa Thượng trả lời: “Việc này trong Kinh Vô Lượng Thọ nói rằng đây là thiện căn trong đời quá khứ đã phát khởi. Vì vậy, có thể biết bạn trong đời quá khứ đã tu hành pháp môn này, thế nhưng chưa chăm chỉ nên chưa thành tựu, vẫn là luân hồi trong sáu cõi. Đời này lại gặp được, nội tâm sanh khởi ý niệm hổ thẹn cho nên mới có hiện tượng này. Bạn đã biết được rồi thì càng phải nên chăm chỉ nỗ lực, đời này nhất định không nên để lỡ qua.