66Thứ Hai, 14/10/2024, 10:52
53 · Phật Pháp Vấn Đáp - 53 _ 1 53 · Phật Pháp Vấn Đáp - 53 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 13/10/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

 BÀI 53

Trong việc siêu độ cho người thân, có người hỏi Hòa Thượng rằng cần phải làm bao nhiêu lần thì đủ? Hòa Thượng trả lời là chúng ta phải làm suốt đời. Thật ra thì chúng ta đang dùng cả cuộc đời của bản thân để tu hành mà việc thành tựu xem chừng còn thấy khó cho nên nếu vì ai đó mà siêu độ cho họ thì chúng ta phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba, gấp bốn, nghĩa là chúng ta phải làm đến được chính mình có thành tựu thì họ mới được nương nhờ. Nếu chỉ làm trên hình thức thì chẳng được bao nhiêu.

Trên Kinh Địa Tạng, Phật nói cho chúng ta biết cô Quang Mục nữ, Bà La Môn nữ muốn siêu độ cho Mẹ mình đã phải đạt được thành tựu trong tu tập với mức thấp nhấp là niệm Phật thành khối. Từ đây, chúng ta thấy khi làm bất cứ việc gì như cầu an hoặc mong điều tốt đẹp cho ai đó thì nhất định chúng ta phải thật làm. Nếu làm việc chểnh mảng thì coi như việc làm đó không thành công.

Câu hỏi thứ nhất trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, thế gian thường gọi tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn. Vào dịp này, trong các Chùa thường tổ chức lễ Trung Nguyên Phổ Độ và Hội Vu Lan Bồn. Vậy hai chương trình này có giống nhau không? Ý nghĩa chân thật của Hội Vu Lan là thế nào?

Hòa Thượng trả lời rằng: “Các vị đọc Kinh Vu Lan thì Vu Lan Bồn là tiếng Phạn nghĩa là Cứu Đảo Huyền, không phải là một cái bồn. Đây là loại nghi thức để phổ độ nên chúng ta nhất định phải tường tận. Chúng sanh đọa lạc trong cõi ác thì nỗi khổ của họ giống như bị treo ngược. Phật, Bồ Tát đại từ đại bi đã thấy rõ tình hình này cho nên chỉ dạy chúng ta phải làm thế nào để cứu giúp họ. Trên Kinh giảng nói được rất rõ ràng rằng chúng ta nhất định phải y theo nơi Tam Bảo mà làm. Muốn tu phước thì phải như lý như pháp mà làm thì mới chân thật cứu giúp được người ở nơi cõi khổ.

Với câu trả lời này, chúng ta thấy Hòa Thượng không nhắc đến Trung Nguyên Phổ Độ vì trên Phật Kinh không nói đến còn Vu Lan Bồn, trên Kinh có nhắc đến. Điểm này rất tế nhị, Hòa Thượng không nhắc đến là không muốn làm mất lòng. Ở thế gian, vì “danh vọng lợi dưỡng”, người ta có thể bày ra nhiều thứ gần giống với nghi thức Phật pháp nhằm lừa bịp chúng sanh để trục lợi. Nếu không được nhắc nhở thì chắc chắn chúng ta sẽ làm sai.

Phật dạy phương pháp cứu giúp chúng sanh nơi cõi khổ thông qua câu chuyện Ngài Mục Kiền Liên cứu Mẹ. Ngài Mục Kiền Liên dùng thần thông thấy Mẹ đọa lạc trong cõi khổ liền cần cầu Phật. Phật chỉ dạy người con hãy thiết lễ cúng dường chư Tăng. Không phải cúng dường để người nhận hưởng thụ mà để người con thông qua việc cúng dường với tâm thành kính thì người Mẹ ở cõi khổ khởi tâm muốn làm theo, tùy hỷ công đức.

Quả thực, nếu chúng sanh trong địa ngục khởi lên ý niệm rằng: “Địa ngục này khổ quá nhưng con tình nguyện chịu khổ thay chúng sanh!” thì lập tức cảnh khổ trong địa ngục liền tan biến. Thực tế, rất khó để một chúng sanh khởi tâm này vì chỉ cần thấy nơi nào khổ là chúng ta đã tránh xa. Hay thấy một người khổ là mình không muốn người ta đến chia sẻ với mình những thứ mình có. Hòa Thượng chỉ dạy rằng chúng ta ở trong một ngôi nhà thì chúng ta phải nghĩ đến người ngoài kia có hạnh phúc như chúng ta hay không?

Quan trọng nhất là phải khởi được tâm thiện lành, tâm nghĩ đến chúng sanh đau khổ và làm được những việc thiện lành chân thật lợi ích cho họ. Chúng ta làm với tâm chân thành thì sẽ cảm được tâm chân thành của những người xung quanh như thân bằng quyến thuộc hoặc oan gia trái chủ. Nếu không chân thành thì vẫn cảm, nhưng cảm oan gia trái chủ ghét chúng ta hơn, đến lấy mạng chúng ta nhanh hơn. Nếu có thể khởi tâm “vì chúng sanh, vì xã hội phục vụ” thì oan gia trái chủ không dám manh động, không dám tùy tiện làm hại chúng ta.

Người xưa từng nói: “Chí thành cảm thông” tức là trên cảm thông đến chư Phật, dưới cảm thông đến các chúng sanh ở các tầng không gian. Tất cả chúng sanh đều có một tự tánh như nhau nên nhất định sẽ cảm thông. Nếu không cảm thông thì hiểu rằng chúng ta chưa chân thành, làm việc chưa phát khởi từ tự tánh. Chúng ta chưa đề khởi được tự tánh như Phật Bồ Tát hay Tổ sư Đại đức nhưng chúng ta phải nỗ lực làm cho giống các Ngài. Tương tự như chú sư tử con, tuy nó chưa trở thành một chúa tể sơn lâm, nhưng dáng đi hay tiếng gầm của nó vẫn là của sư tử chứ không phải của một chú heo.