13Thứ Năm, 10/10/2024, 07:42
49 · Phật Pháp Vấn Đáp - 49 _ 1 49 · Phật Pháp Vấn Đáp - 49 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 09/10/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

 BÀI 49

Hòa Thượng nói rằng chúng ta có được thân người và nghe được Phật pháp là việc không dễ dàng. Vậy mà, hiện tại chúng ta đã có được cơ hội này rồi thì nhất định không nên để lỡ qua. Từ nhiều kiếp đến nay chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội! Quả thật, không hề dễ gì để nghe Phật pháp mà liền tin nhận ngay. Hòa Thượng cho biết rằng bản thân Ngài phải mất nhiều năm mới tin được Phật pháp và sau khi tin Phật pháp rồi, Ngài lại phải trải qua nhiều năm nữa mới tin vào pháp môn Tinh Độ.

Lúc nhỏ, tôi thấy ở nhà bà nội không có ban thờ Phật mà chỉ có ban thờ gia tiên nên bà nội đêm nào cũng lạy trời đất và niệm Phật. Bà cũng chỉ cầu cho con cháu bình an mạnh giỏi. Tôi nghe thấy bà niệm Phật thì liền tin ngay vào việc niệm Phật, không một chút nghi ngờ nào. Tôi bắt đầu biết đến câu “A Di Đà Phật” vào năm 12 tuổi, rồi tập đi chùa và tụng Kinh. Không ai bảo nhưng trong tâm thấy rất thích.

Đây chính là thiện căn nhiều đời! Chúng ta cũng vậy, chúng ta nhiều đời cũng đã từng gặp qua Phật pháp và pháp môn Tịnh Độ nhưng đều là bỏ lỡ cơ hội vãng sanh khiến phải trôi lăn trong vòng sanh tử, để rồi khi có duyên lành, chúng ta lại gặp lại Phật pháp, nhưng tu hành không tốt nên phải tiếp tục trôi lăn.

Nếu đời này, chúng ta không được giải thoát thì đời sau việc tu học còn khó hơn nữa. Chúng ta đang ở 1000 năm đầu trong 10.000 năm thời kỳ Mạt pháp. Nếu lần này chúng ta không vãng sanh mà đọa lạc thì sau khi thọ báo trong ác đạo xong, chúng ta quay trở lại cõi Ta Bà. Tuy nhiên, lúc này, Phật pháp đã lọt vào khoảng giữa thời Mạt pháp. Chúng ta sẽ không còn được nghe nói rằng có một vị tu hành nào đó rất tốt, đã niệm Phật vãng sanh hoặc nếu có nghe nói thì rất ít. Đời này chúng ta còn gặp được Hòa Thượng Tịnh Không, Hòa Thượng Hải Hiền làm tấm gương tu hành tốt cho chúng ta.

Phàm phu chúng ta rất dễ bị chi phối bởi hoàn cảnh khiến quên đi mục tiêu chính và dần dần nắm lấy những mục tiêu khác hướng đến “danh vọng lợi dưỡng”. Có người lợi dưỡng không cần nhưng danh vọng lại cần, có không cần cả danh vọng lẫn lợi dưỡng nhưng trong sâu thẳm tâm hồn thì vẫn dính mắc. Đây đều là lý do khiến chúng ta tu hành không có lực. Cho nên, Hòa Thượng chỉ dạy chúng ta phải triệt để buông xả “danh vọng lợi dưỡng”.

Càng buông xả thì những thứ đó càng đến nhiều hơn. Hòa Thượng đã biểu pháp việc này cho chúng ta. Kể từ năm 36 tuổi, Ngài đã buông và không quản người, không quản tiền, không quản việc. Tuy là không quản nhưng Ngài có thể làm được mọi việc tốt đẹp. Thậm chí có người còn sẵn sàng cúng dường cho Ngài một khoản tiền để xây dựng trung tâm giáo dục Đệ Tử Quy.

Chân thật buông xả mọi thứ thì mọi thứ không mất đi mà thậm chí vẫn còn đầy đủ, mọi sự mọi việc liên quan đều diễn biến như ý chúng ta. Năm nay là một năm khó khăn mà chúng ta vẫn làm được rất nhiều việc. Chúng ta làm việc không cưỡng cầu, mọi việc từ lớn đến nhỏ đều hướng tới việc làm lợi ích chúng sanh thì Phật Bồ Tát, long thiên hộ pháp sẽ an bài cho chúng ta.

Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, vì sao có một số đồng tu thường trụ ở nơi đạo tràng tu tập, niệm Phật đã 3-5 năm rồi nhưng vẫn thường xuất hiện hiện tượng bụng bị đau, bị chướng khó tiêu, tay chân thì phù thũng rất nặng?

Không phải cứ người ở trong đạo tràng thì đều là người tu hành tốt. Thân thì có tu, có niệm Phật nhưng tâm thì chưa chắc đã có tu, vẫn là vướng vào phải quấy, nhân ngã, tốt xấu luôn cho mình là người cũ, soi mói và chỉ trích người mới. Đây chính là vấn đề! Có người cũng hỏi Hòa Thượng là làm sao để có thể đi theo Hòa Thượng thì Ngài trả lời là: “Những người ở bên cạnh tôi thì không thành tựu, chỉ có người làm theo tôi mới có thành tựu. Những người ở cạnh tôi dần dần đã trở thành La sát.” Đây là do, những vị cạnh Hòa Thượng vì muốn bảo vệ Ngài nên thường quát mắng những người không có quy củ, gây sự xáo động, hoặc là phá hàng lao vào đòi chụp hình với Hòa Thượng tại những nơi Ngài đến.

Trả lời câu hỏi này Hòa Thượng nói: “Nguyên nhân quan trọng đầu tiên là phải xem xét tình hình vệ sinh ở trong đạo tràng. Đạo tràng thời xưa rất xem trọng đối với việc vệ sinh. Các đạo tràng ở Nhật Bản hiện tại đều giữ truyền thống của người xưa. Cho dù ở Đại Điện hay trong phòng ngủ đều rất tinh khiết, công tác vệ sinh rất là nghiêm khắc khiến cho mọi người rất là kính phục. Mỗi khi họ bước vào phòng đều phải đổi dép. Chẳng những là dép bên ngoài mà ngay áo khoác cũng đổi sang áo khác. Ngay đến nền nhà cũng không có một chút bụi và thiết kế của họ cũng gọn gàng, chuẩn chỉ, có ngăn nắp nên việc vệ sinh luôn hợp lý nhất.