35Thứ Tư, 09/10/2024, 09:29
48 · Phật Pháp Vấn Đáp - 48 _ 1 48 · Phật Pháp Vấn Đáp - 48 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 08/10/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

 BÀI 48

Trong tu hành hằng ngày, chúng ta thấy rằng khi ý niệm giác của chúng ta được khởi lên thì mọi sự luôn trong trạng thái phản tỉnh còn ý niệm mê khiến chúng ta chìm đắm trong tập khí, phiền não. Vì vậy, mê và giác chỉ ở ngay trong chính chúng ta. Chúng ta chạy theo tập khí, phiền não thì chúng ta chắc chắn bị đọa lạc.

Người tu học Phật pháp, thậm chí ở độ tuổi 60, 70, 80, luôn mong muốn mình thay đổi tốt hơn nhưng bản thân không thật làm nên không có kết quả. Ngay lúc còn trẻ, còn khỏe thì phải nên cố gắng, vượt qua tập khí thì may ra còn kịp. Do đó, đối với bản thân luôn phải có nguyên tắc và cứ thế tuân thủ theo nguyên tắc. Nếu chúng ta đã nhận ra sai lầm của mình rồi thì mau mau sửa đổi vì nhận ra sai lầm chính là một sự khởi đầu tốt, nhờ đó sẽ có ngày chúng ta sẽ thay đổi.

Cũng giống như hằng ngày chúng ta mong muốn vãng sanh nhưng tiêu chuẩn cho một người vãng sanh chúng ta đã làm đúng chưa? Khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật của chúng ta có đủ tư cách vãng sanh hay không? Hòa Thượng nói rằng chúng ta sống trong xã hội hiện đại với vật chất đầy đủ nhưng thân thể của chúng ta thì yếu kém, không đủ sức lực còn tinh thần của chúng ta thì bạc nhược, không giống người xưa. Người xưa nhiều ngày không ngủ thì không sao còn bây giờ chúng ta chỉ cần hai ngày không ngủ là không đứng nổi. Người ngày nay còn bị tập khí phiền não chi phối khiến không thể có thành tựu. Chúng ta nhìn rõ như vậy để mình không còn chểnh mảng, chủ quan được nữa vì thời gian không còn kịp.

Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Chúng con ở trong niệm Phật đường tu hành và khi ra ngoài cuộc sống thường ngày thì chúng con phải tu hành như thế nào mới được tương ưng?” Hòa Thượng trả lời: “Trong niệm Phật đường chỉ là huấn luyện, thao trường giúp chúng ta nuôi dưỡng thói quen niệm Phật. Trong cuộc sống thường ngày không luận là công tác đối nhân xử thế tiếp vật thì trong tâm phải luôn nhớ Phật, niệm Phật.

Chúng ta tu tập trong niệm Phật đường vài ba tiếng chỉ là công phu phụ và ngay trong cuộc sống thường ngày có quá nhiều thời gian (hơn 20 giờ) mới là công phu chính. Nhưng vào thời gian công phu chính này, chúng ta lại buông lơi, không nhớ đến niệm Phật mà nhớ tất cả mọi thứ và vẫn tùy thuận tập khí phiền não. Bản thân tôi quán chiếu lại cũng thấy mình như vậy, có ngày không nhớ đến câu Phật hiệu. Cho nên Hòa Thượng coi niệm Phật đường chỉ là thao trường, là nơi huấn luyện cho nên chúng ta phải đem thao trường ra ngoài đời sống thường ngày và vào trong đối nhân xử thế tiếp vật, hành động tạo tác của chúng ta.

Hòa Thượng nói: “Có thể làm được không gián đoạn thì chính là công phu thành khối. Nếu đạt công phu này thì việc vãng sanh là chắc chắn.” Nơi niệm Phật đường, chúng ta nuôi dưỡng thành thói quen niệm Phật còn công phu chân thật phải ở trong đời sống thường ngày.

Câu hỏi thứ hai: “Kính bạch Hòa Thượng, sau khi học Phật rồi, con có làm những việc sai và con cũng đã cải sửa thế nhưng ý niệm không tốt vẫn thường hay xuất hiện. Vậy con phải làm thế nào để có thể tốt hơn?” Hòa Thượng trả lời: “Đây là vấn đề rất nghiêm trọng mà nhiều người đang gặp phải, đồng thời cũng là lý do vì sao công phu của người học Phật không có lực, không thể chuyển đổi được cảnh giới.

Người đặt câu hỏi này chưa đem công phu ở niệm Phật đường vào trong cuộc sống thường ngày, vào trong khởi tâm động niệm, vào trong đối nhân xử thế tiếp vật và hành động tạo tác. Nếu như mỗi hành động, mỗi ý niệm của chúng ta đều có Phật thì chúng ta sẽ không bao giờ làm sai.

Hòa Thượng từng chỉ dạy rằng: “Phật hiệu có thể gián đoạn chứ Phật tâm không thể gián đoạn”. Phật tâm chính là khởi tâm động niệm đều nghĩ đến lợi ích chúng sanh, chứ không hề có chuyện “tự tư tự lợi”, hại người để lợi mình. Phật tâm thường hằng thì chúng ta sẽ không làm sai để rồi phải sửa lại. Chúng ta không có nhiều thời gian để luẩn quẩn trong vòng xoáy làm sai rồi sửa, sửa rồi lại làm sai nữa.

Hòa Thượng trả lời: “Học Phật lâu rồi mà tập khí vẫn ở nơi mình. Chính mình cũng biết là sai, cũng biết sửa đổi thế nhưng tại sao không làm được triệt để? Lý do vì chúng ta xen tạp bất thiện, việc này đã được nói rõ trong Thập Thiện Nghiệp Đạo.” Đáng lẽ ra chúng ta học Phật thì chúng ta có thể chuyển đổi được cảnh giới của mình. Tuy nhiên, trong ý niệm của chúng ta có nhiều niệm thiện nhưng có xen lẫn ý niệm ác nên gọi là xen tạp bất thiện. Trong ý niệm lợi tha vẫn có những ý niệm tư lợi.