42Thứ Năm, 10/10/2024, 10:40
50 · Phật Pháp Vấn Đáp - 50 _ 1 50 · Phật Pháp Vấn Đáp - 50 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 10/10/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 50

Chúng ta là cư sĩ tại gia có nhiều việc chúng ta phải làm một cách uyển chuyển, hợp lý. Chúng ta mong mọi người phát tâm tu hành, đây là mong muốn chính đáng vì Phật pháp là chí cao vô thượng, giúp người hiện đời an vui, tương lai đến được cảnh lành nhưng chúng ta phải khéo léo dẫn dắt để mọi người đến với Phật pháp với tâm trạng hoan hỷ. Chúng ta thường áp đặt, cưỡng cầu muốn người khác ăn chay, niệm Phật. Hòa Thượng nói, chúng ta phải làm ra biểu pháp về sự tốt đẹp của việc ăn chay, sự thù thắng của niệm Phật, mọi người cảm nhận được thì họ sẽ sinh tâm ngưỡng mộ, tán thán và chắc chắn sẽ học hỏi.

Chúng ta ăn chay nhưng chúng ta vẫn nấu đồ mặn cho người nhà ăn, đó là chúng ta dùng phương tiện. Hòa Thượng nói, đây là chúng ta khai duyên chứ không phải là phạm giới. Chúng ta phải tránh làm tổn hại chúng sanh. Ngày nay, trong siêu thị có bán đầy đủ tất cả các loại đồ ăn. Ngày trước, Phật dạy hàng đệ tử ăn tam tịnh nhục, là không nghe giết, không thấy giết, không vì mình mà giết. Chúng ta nghe thấy người ta giết các con vật thì chúng ta không được ăn, nếu chúng ta vẫn ăn thì chúng ta đã phạm, làm thương tổn tâm từ bi của chúng ta.

Có nhiều người cho rằng ăn ngũ tân là không thanh tịnh, là phạm giới, họ chấp chặt rằng không được ăn hành, tỏi, cho rằng hành tỏi là không thanh tịnh. Có người hỏi Hòa Thượng, lấy hành tỏi làm nguyên liệu chế biến món ăn được không. Hòa Thượng nói: “Chúng ta cho người nhà ăn vài miếng tỏi tốt hơn là cho họ ăn vài miếng thịt”. Chúng ta dùng tỏi làm nguyên liệu chế biến thức ăn cũng không có hệ lụy gì. Người xuất gia không nên ăn ngũ vị tân vì người xuất gia không có gia đình. Nhà Phật quy định người xuất gia không được có ý niệm dâm dục, người tại gia không được tà dâm. Ngũ tân sẽ làm tính khí chúng ta nóng nảy hơn, dễ sinh dục vọng, những thứ khiến chúng ta dễ sinh khởi dục vọng thì chúng ta không nên ăn, nhưng nếu chúng ta cần dùng để chế biến thức ăn cho người nhà thì không sao cả.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Con đã thọ giới không nói dối nhưng trong lúc bất đắc dĩ, con vì phương tiện mà nói dối như vậy có phạm giới không? Thí dụ, con đến Singapore là để nghe Sư phụ giảng Kinh nhưng con không dám nói với người nhà như vậy mà con chỉ nói là con đi du lịch, như vậy có phạm vào tội nói dối không?”.

Hòa Thượng nói: “Bạn vốn dĩ là đi du lịch mà, đây là bạn không vọng ngữ, bạn nghe Kinh chỉ là thuận tiện đã đến đây thì đến nghe mà thôi, hơn nữa, lời nói của bạn không tạo thành sự tổn hại cho người khác. Nếu bạn nói dối lừa gạt người khác, khiến cho người khác bị tổn thương, bị hại vậy thì bạn có tội. Nếu lời nói không thật nhưng khiến người khác có lợi ích thì không tạo tội”.

Mọi người đến Singapore đều đi tham quan các nơi, nghe Kinh chỉ là một phần trong chuyến đi. Nếu chúng ta đến Singapore nghe Hòa Thượng giảng mà người nhà không ủng hộ, họ nói những lời tùy tiện thì chúng ta đã khiến người nhà ác khẩu. Chúng ta phải hết sức khéo léo, nếu người nhà chưa tin, chưa hiểu Phật pháp thì chúng ta nên nói tránh. Trong giới luật có khai, giá, trì, phạm.Giá là chúng ta biết rõ những gì Đức Phật ngăn cấm. Khai là khai mở, khai duyên, có những trường hợp ngoại lệ, chúng ta làm cũng không mắc tội. Trì là phải gìn giữ, không được phạm. Thí dụ, sát sinh là không có khai duyên, chúng ta làm là phạm; trộm cắp không có khai duyên, chúng ta làm là phạm.

Trong “Kinh Hiền Ngu” có kể câu chuyện, Thích Ca Mâu Ni Phật trong đời quá khứ là một người đi buôn, trong đoàn đi buôn đó có một người muốn giết tất cả những người khác để chiếm đoạt tài sản. Tiền thân của Thích Ca Mâu Ni Phật biết dã tâm của người này nên đã giết người đó. Do vậy, thứ nhất là 500 người lái buôn kia không bị giết, thứ hai là người có dã tâm đó không phạm phải tội ác đã giết 500 người, thế nhưng Ngài vẫn phải nhận nhân quả, nợ mạng phải trả mạng. Mỗi lần chúng ta chết đi thì chúng ta vô cùng đau khổ nhưng các Bồ Tát xả thân, thọ thân dễ dàng, đến và đi như thay một bộ đồ. Chúng ta nói dối mà không làm tổn hại người thì đó là khai duyên.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hoà Thượng, ăn tam tịnh nhục thì có tội, ăn trứng và ăn tam tịnh nhục thì việc nào có tội hơn?”.