Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 07/10/2024.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 47
Cả đời của Hòa Thượng Tịnh Không tại thế gian đều là “vì chúng sanh mà lo nghĩ”. Ngài chưa từng một lần “tự tư tự lợi” vì mình mà lo nghĩ. Kể từ khi Ngài 36 tuổi đến lúc Ngài vãng sanh, Ngài đều thực hành Tam Bất Quản: “Không quản người, không quản tiền, không quản việc”. Tuy là không quản nhưng Ngài làm được rất nhiều việc như xây trường học, in hơn 10.000 bộ Đại Tạng Kinh và các Kinh sách khác thì vài ngàn tấn. Mỗi lần Ngài giảng Kinh thuyết pháp tại đâu thì vài chục tấn Kinh, sách, băng đĩa để tặng Phật tử thường được chở đến trước.
Tấm gương của Hòa Thượng cho thấy rằng không phải quản người mới có người, quản tiền mới có tiền, quản việc mới có việc. Khi chúng ta không cần quản nữa thì những việc đó tự nhiên xuất hiện. Muốn được như vậy, Hòa Thượng từng hỏi chúng ta rằng: “Bạn có chân thật phát tâm vì Phật Bồ Tát mà làm việc, vì chúng sanh mà phục vụ hay không? Nếu bạn chân thật phát tâm vì Phật Bồ Tát, vì chúng sanh mà làm việc thì mọi sự mọi việc liên quan đến công việc đó sẽ được Phật Bồ Tát vì chính bạn mà lo nghĩ”.
Thực ra, khi chúng ta khởi được tâm (phát tâm) tiếp nối sứ mạng mà Phật Bồ Tát đã làm thì các vị thiên thần, long thiên hộ pháp sẽ hộ trì và oan gia trái chủ đang chờ cơ hội báo thù chúng ta cũng sẽ quay đầu hỗ trợ chúng ta thay vì chĩa mũi kiếm hại chúng ta. Hòa Thượng đã khẳng định sự thật này trong những bài giảng pháp của mình từ mấy mươi năm trước: “Nếu oan gia trái chủ giết bạn trong khi bạn là người phát tâm vì Phật pháp, vì chúng sanh mà phục vụ, thì họ sẽ phải đối mặt với những người đáng lẽ được bạn cứu giúp. Họ sẽ không trả nổi món nợ đó”.
Chỉ cần chúng ta phát tâm làm thì mọi sự mọi việc gần như có sự an bài của Phật Bồ Tát. Sự thật thì Phật Bồ Tát không cần phải động tâm. Người xưa từng nói rằng: “Một bữa ăn một ngụm nước đều do tiền định”. Tiền định là phước báu. Một khi khởi tâm động niệm của chúng ta là “vì người mà lo nghĩ, mà phục vụ, mà làm việc” thì chúng ta là người đại phước báu. Nhờ đó được sự hộ trì của long thiên hộ pháp, thiện thần thậm chí ngay cả ác thần hay oan gia trái chủ của chúng ta cũng sẽ hồi tâm chuyển ý.
Một người muốn hại chúng ta mà chúng ta cứ mãi đối tốt với họ thì một ngày họ sẽ quay đầu đối tốt với chúng ta. Một người làm ác, tuy rất ác nhưng không hề thích một người làm ác. Họ vẫn muốn một người cư xử tốt với họ. Họ lừa gạt cả thế gian nhưng họ vẫn muốn người trợ thủ là người chân thật với chính họ. Hòa Thượng nói chúng ta phải biết rằng chúng ta đến thế gian có mấy ngày ngắn ngủi thì phải cố gắng sử dụng thời gian sao cho có ý nghĩa. Có ý nghĩa tức là thật lợi ích cho chúng sanh.
Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính thưa Hòa Thượng, Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện quả báo ăn lúa ngựa và đau đầu ba ngày. Nếu A Di Đà Phật đến Ta Bà của chúng ta thì cũng sẽ có hiện tượng này xuất hiện phải không ạ?”
Hòa Thượng trả lời: “Có! Đây chính là giáo hóa chúng sanh, nhắc nhở chúng sanh nhân quả rất đáng sợ.”
Phật Thích Ca Mâu Ni phải ăn lúa ngựa đến ba tháng là do năm đó mất mùa, toàn bộ người dân phải chịu nạn đói kém và Phật bị đau đầu ba ngày trước khi Vua Tỳ Lưu Ly kéo quân đến đánh dòng họ Thích. Chúng ta nên nhớ rằng tất cả những việc làm của Phật đều là thị hiện cho chúng sanh mà thôi.
Ở thế gian từng có câu chuyện ghi chép về một người tu hành giữ giới nghiêm túc nên được thiên nhân kính trọng, mang cơm đến cúng dường. Đó là Ngài Tuyên Luật Sư, Ngài sống rất gần với thời đại của chúng ta. Vậy tại sao Phật Thích Ca Mâu Ni là Thầy của trời người, Cha lành chung bốn loài, phước đức trí tuệ viên mãn mà lại phải ăn lúa dành cho ngựa trong suốt ba tháng? Phật không phải là không có phước để được cúng dường mà đó là do Ngài đang thị hiện một đạo lý rằng: “Nhân quả là điều không thể tránh khỏi”.
Câu chuyện Phật đau đầu ba ngày trước khi Vua Tỳ lưu ly kéo quân đến đánh dòng họ Thích có nguyên nhân trong đời quá khứ. Thuở đó, Vua Tỳ Lưu Ly là một con cá lớn và quân lính của Vua Tỳ Lưu Ly là các con cá nhỏ. Dòng họ Thích khi ấy là những người dân trong làng cùng hò nhau tát ao bắt cá và họ đã ăn cả cá lớn lẫn cá nhỏ. Tiền thân của Phật khi đó không ăn cá nhưng gõ đầu con cá lớn ba cái nên khi Ngài thành Phật, Ngài vẫn phải chịu quả báo đau đầu ba ngày.