Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 05/10/2024.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 45
Có người hỏi Hoà Thượng: “Khi vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc có thể quay trở lại Ta Bà độ chúng sanh không hay phải chờ đến “hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh?”. Nếu thật tâm độ sanh thì trong lúc phát tâm tu hành chúng ta đã phát tâm đã phải phát cái tâm này rồi. Hòa Thượng nói: “Chúng ta chậm đi một ngày thành tựu thì chúng sanh thêm một ngày đau khổ”. Chúng ta phải nỗ lực hoàn thiện chính mình để độ chúng sanh. Khi chúng ta vãng sanh thì A Di Đà Phật đã biết bổn nguyện của chúng ta. Khi chúng ta tu hành, chúng ta phát tâm thì A Di Đà Phật sẽ an bài mọi việc cho chúng ta một cách thoả đáng. Điều này giống như, khi một vị Thầy ở thế gian thấy chúng ta đủ lực thì Thầy mới cho chúng ta đi đến các phương. Điều quan trọng là chúng ta có phát được tâm độ chúng sanh hay không. Tất cả bổn nguyện của Phật đều phát tâm từ nơi nhân địa. Khi Phật còn là Pháp Tạng Tỳ Kheo, Ngài đã hướng đến Tự Tại Vương Như Lai hỏi, làm thế nào tạo ra một thắng địa tiếp dẫn chúng sanh đến tu hành. Ngài đã phải trải qua vô lượng kiếp tu hành để tạo ra một thắng địa cho các chúng sanh. Ngài vừa phát tâm tu hành thì đã nghĩ đến việc độ sanh.
Người không phát tâm độ sanh thì không thể vãng sanh. Trên “Kinh Vô Lượng Thọ” nói: “Phát tâm Bồ Đề một lòng chuyên niệm”. Chúng ta một lòng chuyên niệm mà không phát tâm Bồ Đề thì không thể vãng sanh. Chúng ta phát tâm Bồ Đề mà không một lòng chuyên niệm thì cũng không thể vãng sanh. Hai việc này tương bổ tương thành. Chúng ta phát tâm độ sanh từ nơi nhân địa, đây là tinh thần của Phật pháp Đại Thừa. Chúng ta không phát tâm độ sanh thì chúng ta chỉ chứng được quả vị thấp của Tiểu Thừa. Trong tứ quả của Tiểu Thừa là sơ quả Tu Đà Hoàn, nhị quả Tu Đà Hàm, tam quả A Na Hàm, tứ quả A La Hán, khi đã chứng quả thì các Ngài đều muốn rời đi, đáng vào cõi Dục Giới, Sắc Giới, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ thì các Ngài về đó. Chúng sanh ở thế gian rất khó tiếp cận các bậc chứng Thánh. Quả vị thấp nhất của Tiểu Thừa là Tu Đà Hoàn thì đã đạt đến vô ngã, không còn cái ta, không còn thấy mình. Nếu người nào còn thấy ta đã chứng quả thì người đó chưa chứng.
Các Ngài luôn mong muốn thoát khỏi cõi Ta Bà ngũ trược ác thế chỉ có Bồ Tát tình nguyện ở trong đời ngũ trược ác thế để độ chúng sanh. Các Ngài đủ điều kiện thành Phật nhưng các Ngài không muốn thành Phật, thành Phật thì sẽ không còn câu sanh phiền não, khó ở lại thế giới Ta Bà. Người còn câu sanh phiền não thì dễ ở lại thế giới Ta Bà, đây là đại nguyện của các Bồ Tát. Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Đại Thế Chí, Bồ Tát Địa Tạng, Bồ Tát Quan Âm đều là Đẳng Giác Bồ Tát, các Ngài một đời thành Phật nhưng các Ngài mãi mãi là Bồ Tát. Có Kinh nói, Văn Thù là một vị cổ Phật, là Thầy của các vị Phật nhưng Ngài vẫn muốn là Bồ Tát để gần gũi các chúng sanh. Chúng ta đừng nghĩ là chúng ta về thế giới Tây Phương Cực Lạc thì chúng ta mới phát tâm độ sanh, chúng ta không phát tâm từ nơi nhân địa, từ nơi tu hành thì sẽ khó vãng sanh. Chúng ta phải phát tâm từ ngay khi chúng ta tu hành. Việc quan trọng nhất là chúng ta có vãng sanh được hay không. Hòa Thượng nói: “Tự độ giúp độ tha, độ tha giúp tự độ”. Hai việc này tương bổ tương thành. Nếu chúng ta muốn tự độ mà không muốn độ tha thì chúng ta sẽ không có động lực tu hành.
Khi tôi học Đại học, năm thứ hai của đại học nhiều người bạn học của tôi đã có người yêu, ban đầu họ học dở nhưng sau khi có người yêu thì họ học rất tốt, đây là do họ có động lực để xây dựng gia đình. Đến cuối năm học thứ hai, tôi thấy mọi người bắt đầu đi làm thêm, ra trường thì các cặp này cưới nhau. Người thế gian có động lực xây dựng gia đình nên họ nỗ lực. Chúng ta có động lực độ sanh thì chúng ta sẽ nỗ lực tu hành. Chúng ta phát nguyện độ chúng sanh, chúng ta nhìn thấy chúng sanh đau khổ thì chúng ta sẽ càng tu hành dũng mãnh hơn.
Có người hỏi một vị Tổ Sư là Ngài đáng lẽ ra sẽ đạt được phẩm vị gì, vị Tổ Sư nói, Ngài đáng lẽ trung phẩm thượng sanh nhưng vì tiếp tăng độ chúng nên chỉ đạt được trung phẩm trung sanh. Chúng ta có người Thầy phát tâm độ sanh thì chúng ta mới có thể phát tâm độ sanh. Nếu Thầy không phát tâm độ sanh thì chúng ta rất khó phát được tâm đó. Chúng ta học tập với Hòa Thượng, Ngài cả đời đều vì chúng sanh lo nghĩ. Trong suốt 70 năm tu hành, Ngài đã tiếp độ được rất nhiều chúng sanh.