15Thứ Năm, 03/10/2024, 17:09
43 · Phật Pháp Vấn Đáp - 43

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 03/10/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 43

Có người hỏi Hòa Thượng: “Có người rao giảng lời giảng của Hòa Thượng một cách sai lầm, cắt chương, đoạn ngữ, làm thế nào để có thể phân biệt đâu là đúng, đâu là sai?”. Khi tôi mới dịch đĩa của Hòa Thượng, rất nhiều người nói sai lời của Hòa Thượng, tôi phải bôn qua đi khắp nơi để đính chính lại lời của Hòa Thượng. Nhiều người nói lời của Hòa Thượng nhưng việc làm của họ trái ngược với lời dạy của Ngài. Khi chúng ta thuật lại những lời giảng của Hòa Thượng thì chúng ta nhất định phải thuật lại đầy đủ, không được cắt bỏ. Chúng ta muốn nhận biết được người khác có nói sai hay không thì chúng ta phải nghe Kinh, nghe pháp.

Nhiều vị mặc áo như Hòa Thượng và nói rằng họ tu theo Hòa Thượng, hình tướng, lời nói của họ thì giống nhưng việc làm của họ thì không giống, khi họ tặng một quyển sách nhỏ thì trên quyển sách đó cũng để số tài khoản, kêu gọi ủng hộ. Hòa Thượng cả cuộc đời là tam bất quản, không quản tiền, không quản việc, không quản người. Nhiều năm qua, tôi cố gắng làm theo Hòa Thượng, để chứng minh lời nói của Hòa Thượng. Tôi không để lại số tài khoản, không kêu gọi ủng hộ nhưng tôi vẫn làm được việc.

Chúng ta phải cẩn trọng khi truyền đạt lại giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền, không được cắt ghép lời của các Ngài. Ngày trước, khi tôi vừa dịch xong đĩa về Hòa Thượng Hải Hiền, đã có nhiều người cắt bỏ phần đầu, phần cuối của video và gắn logo và coi đó là sản phẩm của họ. Chúng ta hoan nghênh mọi người xem và không giữ bản quyền nhưng mọi người muốn làm như vậy thì phải thưa hỏi với người đã làm ra đĩa. Họ tưởng họ làm như vậy là không sai, đây là việc làm phạm tội, họ sẽ phải ghánh lấy trách nhiệm nhân quả.

Hòa Thượng nói: “Làm thế nào để chúng ta có thể hiểu và không bị người khác gạt? Không gì khác hơn là chúng ta phải trường kỳ huân tập. Chúng ta nghe Kinh, nghe pháp một thời gian dài thì chúng ta nhất định sẽ có thể nhận ra”. Chúng ta “Y giáo phụng hành” thì chúng ta có thể khế nhập cảnh giới của Phật Bồ Tát.

Trước đây, tôi không muốn đi chia sẻ, nhưng nhiều người nói và làm sai với lời của Hòa Thượng nói nên tôi phải đi đính chính lại. Tôi đã có 10 năm dịch thuật, 10 năm đi chia sẻ khắp mọi nơi. Tôi cố gắng nói lại và làm theo những lời Hòa Thượng đã nói. Khi tôi đến Luân Đôn, ban đầu những người ở nói đó có ý xem thường, cho rằng tôi chỉ là cư sĩ. Hôm đó, thị giả của Hòa Thượng nói, họ sắp xếp cho tôi gặp mặt Hòa Thượng vào Chủ nhật, tôi đã hẹn đi giảng ở đạo tràng đó vào ngày Chủ nhật. Nếu tôi đi gặp Hòa Thượng thì tôi sẽ thất hứa nên tôi hỏi người thị giả có thể chuyển lịch sang thứ hai được không nhưng họ nói không thể vì thứ hai, Hòa Thượng đã bận.

Hôm đó, tôi không đi gặp Hòa Thượng mà đến đạo tràng đó giảng, ban đầu họ có thái độ xem thường, vì họ thường tiếp đón những Cao tăng, Đại đức, đây là lần đầu tiên họ đón tiếp một cư sĩ. Trước đó, tôi được một người đưa 1000 đô, khi đến đạo tràng, tôi thấy chùa đang sửa nên tôi cúng dường cho họ 500 đô. Khi tôi chuẩn bị nói, người quản lý để chiếc máy ghi âm ngay trước mặt tôi như muốn để chất vấn. Tôi giảng xong thì họ mang phong bì đến nhưng tôi để tất cả phong bì vào hòm công đức. Tôi cố gắng làm theo cách Hòa Thượng đã làm, trước khi đi đến đâu giảng, tôi yêu cầu bốn điều kiện, điều kiện thứ nhất là tôi không ở khách sạn, điều kiện thứ hai là không tổ chức đi chơi, điều kiện thứ ba là không tổ chức tiệc tùng, điều kiện thứ tư là tôi không nhận phong bì, tôi chỉ muốn dành toàn bộ thời gian để làm việc. Ngày trước, tôi đã đến giảng nhiều lần ở tỉnh Nam Định, sau khi giảng xong, tôi để tất cả tiền vào hòm công đức. Có người nói, tôi không biết dùng tiền. Hòa Thượng từng nói vui, chúng ta đừng nhận tiền lẻ nhiều lần để phải mất công cảm ơn, chúng ta nhận một lần để làm cho xong việc và chỉ cần cảm ơn một người.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Rất nhiều người đã lấy danh nghĩa của Hòa Thượng để vận động kêu gọi cúng dường ở một nơi nào đó, vậy thì con nên làm như thế nào?”.

Hòa Thượng nói: “Đó là việc của họ, đừng báo với tôi. Họ làm như vậy là họ phạm pháp vậy thì mọi người chỉ cần báo với chính quyền”. Tôi không mở Facebook, Zalo. Mọi người muốn tôi mở tài khoản trên mạng xã hội để tiện trao đổi công việc, nhưng tôi nói, mọi người nói ngắn gọn những việc cần thiết, chúng ta làm trong năm mười năm vẫn chưa làm xong những việc cần làm. Tôi làm chưa giống với Hòa Thượng nhưng tôi phải cố gắng làm. Tôi là phàm phu, tôi vẫn phải cố gắng làm, tôi chưa làm một cách tự tại. Hôm qua, tôi vừa nhận được một bức tượng của Hòa Thượng Hải Hiền, các chú làm ra bức tượng này là những người chuyên tâm niệm Phật, họ tự tay làm ra bức tượng, bức tượng rất giống thật. Đây chính là chí thành cảm thông.