Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 02/10/2024.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 42
Có người hỏi Hòa Thượng về việc làm thế nào để phân biệt được phải quấy, tốt xấu thì Ngài trả lời là chỉ cần y theo giáo huấn của Phật, y theo Kinh điển mà làm thì nhất định sẽ không mắc sai lầm. Nếu chúng ta chạy theo tập khí của chính mình, y theo tập khí đó mà làm thì chúng ta sẽ làm sai.
Tôi từng nghĩ đến việc tổ chức những trại hè ở nước ngoài để dạy Văn hóa Truyền thống thế nhưng tôi nhìn thấy rằng không đủ duyên. Cũng vậy, Thôn Di Đà mà trước đây tôi từng qua bây giờ đã tan rã bởi “danh vọng lợi dưỡng”. Người chuyên tu học, chuyên nghĩ đến việc làm lợi ích chúng sanh đã phải ra đi vì người mới đến đã làm theo cách riêng của họ.
Không có thứ gì là bền vững mãi mãi. Nương dâu hóa thành bãi biển rồi bãi biển hóa thành nương dâu, vật đổi sao rời. Hôm nay là nương dâu, buồng chuối nhưng chỉ sau một trận lũ quét thì mọi thứ mất hết. Vì sao có sự thay đổi? Là vì tâm con người thay đổi, tần suất thay đổi trên từng ý niệm quá lớn.
Với sức tu hành hiện tại, chúng ta không thể phân biệt được phải quấy, tốt xấu, tà chánh, thị phi bởi những thứ đó biến hình rất vi tế. Nếu chúng ta không nương tựa Kinh pháp, nương tựa giáo huấn của Thánh Hiền thì chắc chắn sẽ phạm phải sai lầm. Thập thiện nghiệp đạo chính là tiêu chuẩn trong đó “Thân thì không sát đạo dâm”. Nhiều người đã từng bị gạt bởi những người nói thì hay mà thân thì vẫn “sát đạo dâm”. Họ chính là yêu ma quỷ quái mà vẫn lừa được nhiều người.
Từ sơ phát tâm mãi cho đến khi đã thành Phật đều lấy tiêu chuẩn của Thập Thiện Nghiệp Đạo để thực hành. Người chưa thành Phật thì làm chưa tốt và người đã thành Phật rồi thì làm còn tốt hơn rất nhiều. Không thể nói là đã thành Phật thì không giữ 10 thiện, được ăn thịt, được uống rượu, được tà dâm. Người không giữ, không thực hành Thập Thiện chính là Ma. Họ cho rằng đạo hạnh của họ cao, họ có làm như thể họ không làm.
Đới nghiệp vãng sanh tức là mang nghiệp cũ mà vãng sanh. Nghiệp cũ là nghiệp từ khi phát tâm trở về trước. Nhưng có người nói rằng tạo nghiệp mới vẫn vãng sanh. Họ có cách nói này là bởi vì chính họ đang tạo nghiệp, đang phạm trai phá giới. Một số người nghe như vậy sẽ rất vui mừng. Cho nên chúng ta nghe Phật pháp thì phải biết nương tựa vào tiêu chuẩn và tiêu chuẩn tốt nhất là Thập Thiện Nghiệp Đạo: “Thân không sát đạo dâm; Ý không tham, sân, si; Miệng không nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời thêu dệt, nói lời hung ác.”
Thực hiện tiêu chuẩn của Thập Thiện, chúng ta không chỉ làm trên tướng mà là làm trên tánh. Yêu Ma Quỷ Quái bên ngoài có thần thông, đoán được quá khứ, vị lai. Chúng tự nhận là Phật nhưng bỏ hết các tiêu chuẩn này. Cho nên, chúng ta không nên dùng tư duy của mình để suy đoán chân ngụy bởi vì chúng ta chưa đủ tầm. Chúng ta hãy nương vào Kinh pháp. Kinh nói thì chúng ta làm theo, Kinh không dạy thì chúng ta không làm. Đây là tiêu chuẩn để chúng ta không rơi vào phải quấy, tốt xấu, chân ngụy. Y theo Phật và giáo huấn của Ngài thì chánh chứ không tà, chân chứ không ngụy, thiện chứ không ác.
Hằng ngày, mọi thứ đúng sai, phải quấy, thiện ác, tốt xấu đều đang bao vây chúng ta nhưng chúng ta không dám nhắc nhở những người gây ra những điều sai trái đó, khiến họ bị đọa lạc. Chúng ta làm như vậy là không có lòng từ bi.
Câu hỏi thứ nhất trong bài học hôm nay, có người hỏi rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, sau thời khóa sớm tối, thời gian còn dư ra, con đều niệm Phật. Nhưng vào buổi tối, thời khóa xong, vẫn dư thời gian thì con niệm thêm Chú Đại Bi, Quan Âm Linh Cảm Ứng Chân Ngôn. Như vậy có phải là xen tạp không, có thể vãng sanh không?” Hòa Thượng nói rằng: “Bạn làm như vậy là tạp tu rồi, tốt nhất là không nên xen tạp. Bạn có thể vãng sanh hay không thì phải xem công phu của bạn.”
Qua câu hỏi này, chúng ta hãy quán chiếu tâm mình có như vậy không? Tu hành Tịnh Độ có tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc mà các Tổ Sư Đại Đức đã dạy là: “Không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn”. Hòa Thượng Tịnh Không trong lúc giảng Kinh Vô Lượng Thọ từng nói: “Bạn có đủ can đảm để suốt cuộc đời này chỉ niệm một câu A Di Đà Phật không?”