1501/10/2024, 06:14 02/10/2024, 17:59

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 01/10/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

 BÀI 41

Có một đồng tu trong khi đặt câu hỏi với Hòa Thượng đã tâm sự rằng hễ mỗi lần họ niệm Phật là họ không thể kìm được nước mắt. Hiện tượng này cho thấy nhân duyên của họ đối với pháp môn niệm Phật rất sâu dày. Pháp môn này đã được ghi lại trong A Lại Da Thức của họ, cho nên, khi gặp lại, họ vô cùng xúc động. Cũng giống như mỗi lần chúng ta nhắc đến Cha của mình, đều là đong đầy cảm xúc.

Bản thân tôi khi phiên dịch những bài pháp của Hòa Thượng cũng là như vậy. Có lúc tôi ngồi khóc một trận, khóc xong lại ngồi phiên dịch tiếp. Khi tôi phiên dịch bài hát mà Thầy Định Hoằng cùng các đạo hữu hát để thỉnh Hòa Thượng trụ lại thế gian, tôi đã khóc, khóc xong thì nhanh chóng phiên dịch và lồng tiếng chỉ trong một ngày.

Cho nên Phật pháp không chỉ hiểu bằng câu chữ bên ngoài mà phải cảm xúc bằng nội tâm tu hành. Cũng vẫn là bài Kinh đó, bài pháp đó, nếu chúng ta xem đi xem lại thì mỗi lần xem lại là một lần có những ý mới. Lần đầu tiên đọc bài Kinh đó, bài pháp đó sẽ khác với sau năm năm, sau mười năm chúng ta đọc lại. Cho nên Hòa Thượng từng dạy rằng Kinh Phật là Kinh “sống” không phải Kinh “chết”.

Nói là “sống” tức là Kinh có vô lượng nghĩa, chứ không giới hạn trong mức hiểu của chúng ta. Khi trình độ công phu của chúng ta càng lên cao hơn thì chúng ta lại hiểu sâu hơn. Giống như một cơn mưa rơi xuống tưới tẩm vạn vật nhưng mỗi loài cây sẽ hút nước với lượng vừa đủ theo nhu cầu của riêng từng loại.

Cơn mưa bây giờ đã bị con người làm cho biến đổi bất thường, thậm chí thời tiết cũng không còn là bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông mà bất kỳ lúc nào cũng có thể chợt mưa, chợt nắng. Bây giờ mới là đầu mùa mưa mà thiên tai đã đi qua nhiều tỉnh thành, đặc biệt sau bão là mưa to gây lụt lội và sạt lở đất. Hiện tại mọi người đang nỗ lực cứu giúp. Thậm chí, khu vực tôi đang ở là cao nguyên mà vẫn bị ngập nước. Trên Kinh Phật nói rằng “Cảnh tùy tâm chuyển” tức là lòng người khác thường nên môi trường và hoàn cảnh sống cũng khác thường. Tuy nhiên, đa phần con người không tin vào điều này.

Chúng ta tiếp nhận Phật pháp và chuẩn mực Thánh Hiền thì chúng ta phải có một cảm xúc, một hoài cảm, giống như đã quen lắm rồi. Chúng ta đọc một câu Kinh, niệm một câu Phật hiệu mà như thể chúng ta đã từng đọc, từng niệm thì người như vậy là có thiện căn. Nếu chúng ta nghe Kinh, nghe Pháp, niệm Phật mà không có cảm xúc gì đã cho thấy thiện căn của chúng ta rất cạn.

Trong những buổi học trước, Hòa Thượng dạy chúng ta tu học phải đạt được định lực và từ bi. Ngày ngày chúng ta từ bi với ai mà quên mất sự từ bi với chính mình? Chúng ta vẫn tùy thuận tập khí phiền não mà không cố gắng vượt qua nó. Thân này muốn ăn, muốn ngủ, muốn phá làng phá xóm thì chúng ta vẫn chiều theo ý thích của thân, để cho ăn, để cho ngủ, để mặc cho phá làng phá xóm. Như thế chúng ta đã không từ bi với chính mình.

Hòa Thương chỉ dạy rằng từ bi với chính mình là phải y theo giáo huấn của Phật, y theo lời dạy của Phật trên Kinh Vô Lượng Thọ. Do đó, việc một người niệm Phật, tụng Kinh mà có cảm xúc khiến rơi lệ, sởn tóc gáy hay nổi da gà thì đó hoàn toàn là thiện căn. Ngược lại, không có cảm xúc là không có thiện căn.

Bản thân tôi không thích đọc sách nhưng khi tôi gặp pháp của Hòa Thượng thì bộ sách Kinh Vô Lượng Thọ Giảng Giải, có bốn tập của Hòa Thượng in bằng chữ Hán, tôi đều đọc hết. Tôi chắc rằng mình đã có nhân duyên với Ngài nên mới có thể làm được như vậy dù trước đó tôi chưa từng đọc cuốn sách nào.

Sau đó, tôi được đọc một cuốn sách mỏng có tên “Gương sáng người xưa”, trong đó có hai câu: “Đồ cũ không dùng cho đi vẫn hữu dụng. Nhịn một hai bữa tiệc tùng để cho người nghèo đói”. Kết hợp câu nói này với lời dạy của Hòa Thượng cho nên đi đâu tôi cũng có quà tặng cho mọi người. Do đó, nếu chúng ta thể hội được lời Kinh, tiếng pháp thì chúng ta mới thật làm một cách mạnh mẽ. Nếu chưa thể hội sâu sắc thì chúng ta chỉ làm ở mức dễ coi.

Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi rằng: “Kính bạch Hòa Thượng! Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Phổ Môn dạy chúng ta rằng trong lúc nguy nan, cấp nạn thì niệm Bồ Tát Quán Thế Âm. Hiện tại, con nhất tâm chuyên niệm A Di Đà Phật. Xin hỏi A Di Đà Phật có thể cứu nạn trong lúc nguy nan được hay không?