31Thứ Hai, 30/09/2024, 10:55
40 · Phật Pháp Vấn Đáp - 40 _ 1 40 · Phật Pháp Vấn Đáp - 40 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 29/09/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 40

Chúng ta tu học Phật pháp thì điều quan trọng là chúng ta phải tu như thế nào để có được định lực, tức là luôn làm chủ được mình trong mọi hoàn cảnh. Con người sống ở thế gian chẳng khác gì tấm bèo trôi hay chiếc lọ lục bình, gặp gió hướng nào thì trôi theo hướng đó và khi nước lên thì trôi vào, nước rút thì trôi ra. Mỗi người đều có một năng lực mà trên Kinh Hoa Nghiêm gọi là trí tuệ không cần Thầy tức vô sư trí. Chỉ cần mỗi người miệt mài một thời gian thì họ sẽ vượt trội còn nếu tùy thuận theo tập khí thì không biết đến lúc nào họ mới tốt hơn.

Hồi tôi mới về ở nơi này, hàng xóm láng giềng không hiểu tôi là ai? Người tu hành, thư sinh hay một ông nông dân? Hiện tại, họ rất ngạc nhiên vì thấy tôi có thể điều hành làm cả một vườn rau ở khu vực này tốt tươi, xanh um. Rồi con đường mới đổ đất đã bịt mất đường thoát nước của khe suối chảy từ trên núi xuống, khiến nước suối sẽ chảy vào phía sau khu nhà ở này mà gây ngập lụt. Tuy nhiên tôi đã điều hướng dòng nước qua một cái mương đưa nước chảy vào lòng đất. Tôi không biết năng lực này của mình từ đâu mà có.

Tôi nói ra điều này là để sách tấn mọi người cần phải nỗ lực, cần cầu học tập. Nếu chúng ta không biết thì chúng ta nên thưa hỏi, tránh tự ý làm dẫn đến hư hại. Trong cuộc sống vật chất, trong hoàn cảnh nhân sự, điều khó nhất là chúng ta làm sao để mình không bị ô nhiễm bởi “danh vọng lợi dưỡng”, thứ đã nhấn chìm hàng bao nhiêu người nổi danh, nổi tiếng. Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn cứ tận tâm tận lực làm những việc cần làm mà tâm mình vẫn thanh tịnh, an lạc.

Chúng ta muốn từ bi thì phải y cứ theo giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền thì không làm sai, tránh bị đọa lạc. Đó là từ bi với chính mình. Sự nghiệp cuộc đời của mỗi con người được kết tinh từ sự cực khổ của Cha Mẹ, Thầy Cô, của quốc gia, của xã hội, vậy mà, thế gian này, có biết bao nhiêu người ngông cuồng, làm liều, tùy tiện không nghe lời Cha Mẹ, Thầy Cô và người xưa nên đến khi xảy ra sai phạm, không còn cách gì có thể cứu vãn.

Cho nên những gì người xưa dạy thì chúng ta làm, những gì người xưa không dạy thì chúng ta không làm. Hòa Thượng từng sách tấn rằng: “Chúng ta phải giúp chính mình ngay trong đời này vượt thoát được sinh tử, ra khỏi lục đạo luân hồi. Đó mới là chân thật từ bi.” Đôi lúc chúng ta ngộ nhận những công việc mình đang làm là từ bi nhưng thực ra chúng ta chỉ làm cho dễ coi.

Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, ở niệm Phật đường, nhiễu Phật do cư sĩ dẫn chúng thì có đúng pháp không ạ?” Hòa Thượng trả lời rằng: “Nếu niệm Phật đường không có người xuất gia hay pháp sư hoặc người xuất gia hay pháp sư không muốn dẫn chúng mà nhường cho người cư sĩ dẫn chúng thì như vậy là đúng pháp!” Ý của Hòa Thượng muốn nói rằng người xuất gia luôn trên chúng ta một bậc, nên chúng ta luôn ưu tiên công việc dẫn chúng cho người xuất gia.

Nhân câu chuyện này, tôi xin kể một vài kỷ niệm trong cuộc đời cư sĩ của tôi. Tôi từng được một vị mời ra một tỉnh phía Bắc để chia sẻ Phật pháp trước 1.300 Phật tử. Tôi nhận được hơn một chục câu hỏi từ chính người đã mời tôi đến với ý đồ muốn hạ bệ tôi. Người đó nêu câu hỏi bằng một giọng tức tối: “Vì sao lại niệm “A Di Đà Phật” mà không niệm “Nam Mô A Di Đà Phật?

Tôi trả lời rằng trong Kinh A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni dạy chúng ta chấp trì danh hiệu “A Di Đà Phật” từ một đến bảy ngày nhất tâm bất loạn thì Phật A Di Đà cùng thánh chúng sẽ đến tiếp dẫn về Tây Phương Cực Lạc. Danh hiệu của giáo chủ cõi Tây Phương là bốn chữ “A Di Đà Phật” còn “Nam Mô” là quy y, là cung kính, là nương về. Như vậy, Phật Thích Ca Mâu Ni dạy chúng ta niệm bốn chữ.

Mặt khác tổ sư của Tịnh Độ tông là Ngẫu Ích Đại Sư một mặt thì dạy người niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” còn bản thân Ngài thì niệm “A Di Đà Phật”. Có người hỏi vì sao lại như vậy thì Ngài trả lời là bởi vì Ngài tin có thế giới Tây Phương Cực Lạc, tin có Phật A Di Đà và chắc chắn đời này Ngài nhất định vãng sanh cho nên Ngài nói Ngài không cần khách sáo. Chữ “Nam Mô” là khách sáo. Người khác chưa đủ tín tâm như Ngài nên phải niệm “Nam Mô”.