26Chủ Nhật, 29/09/2024, 17:43
39 · Phật Pháp Vấn Đáp - 39 _ 1 39 · Phật Pháp Vấn Đáp - 39 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 28/09/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 39

Vọng tưởng của chúng ta nhiều vô tận. Bình thường, khi chúng ta không chú ý đến nội tâm, chúng ta tưởng mình không có vọng tưởng nhưng khi chúng ta tập trung niệm Phật thì chúng ta nhận thấy mình có rất nhiều vọng tưởng. Có người đang tụng Kinh thì nhớ lại những việc họ đã làm trong quá khứ và rất sợ hãi, họ cho rằng vì họ tụng Kinh nên nghiệp chướng mới hiện tiền. Vọng tưởng của chúng ta tuôn chảy như một dòng suối, khi chúng ta kiểm soát tâm thì dòng vọng tưởng bị cản, giống như một dòng nước va vào vật cản và nước bắn tung toé. Khi chúng ta tu hành, chúng ta công phu, chúng ta mới nhận ra mình có nhiều vọng tưởng như vậy.

Chúng ta đem một ngày buồn phiền nhất cô đặc lại thì hình dáng của nó cũng to không bằng hạt mè. Nó không có hình tướng nên là vọng. Chúng ta phải thay “vọng” bằng “chánh niệm”. Niệm Phật là chánh niệm. Tất cả những niệm khác, kể cả niệm từ bi, niệm thiện cũng không phải là chánh niệm.

Hôm qua, có người hỏi Hòa Thượng: “Tư duy có phải là khởi tâm động niệm không?”. Tư duy chắc chắn là khởi tâm động niệm, trong đó có ác, có thiện. Chúng ta rất khó khởi lên niệm vì chúng sanh. Chúng ta luôn “tự tư tự lợi”, mỗi niệm đều vì mình, vì cái của mình. “Danh lợi” rất vi tế, chúng ta không dễ nhận ra. Chúng ta rất dễ nhận ra ý niệm “danh lợi” vì những ý niệm này khiến chúng ta phiền não. Chúng ta làm việc mà chúng ta phiền não thì chứng tỏ chúng ta làm vì danh lợi. Chúng ta không dính vào danh lợi thì chúng ta sẽ không phiền não. Chúng ta làm không dính vào danh lợi thì chúng ta sẽ “đến không không, đi không không”, hay giống nhà Phật nói: “Nhạn hoá trường không”. Như cánh chim nhạn bay qua bầu trời, không để lại dấu vết.

Hòa Thượng nói: “Người học Phật phải luôn nghĩ đến lời giáo huấn của Phật, thực tiễn lời giáo huấn của Phật ngay trong cuộc sống thường ngày”. Chúng ta thực tiễn lời giáo huấn của Phật thì chúng ta sẽ cảm thấy rất an vui. Đời này chúng ta tận tâm tận lực vì Phật pháp, vì chúng sanh, nhưng nhiều đời trước chúng ta đã tạo nghiệp chướng thì chúng ta vẫn sẽ phải nhận nghiệp chướng. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường dính mắc vào vợ chồng, con cái, nhà cửa.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, làm thế nào để làm được viên mãn từ bi và định lực,?”.

Hòa Thượng nói: “Chỉ có người chứng quả vị Phật mới có từ bi và định lực viên mãn”. Ngay đến Bồ Tát cũng chưa làm được từ bi và định lực viên mãn. Chúng ta là phàm phu, chúng ta chưa có từ bi. Chúng ta “ái duyên từ bi”, từ bi có điều kiện, chúng ta thích ai thì chúng ta yêu thương họ. Bồ Tát còn thấy chúng sanh để độ nên các Ngài vẫn là “chúng sanh duyên từ bi”.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta có nguyện vọng này rất tốt, nguyện vọng này chính là đại nguyện để thành Phật, chính là tâm Đại Bồ Đề. Chúng ta muốn làm được viên mãn từ bi và định lực thì chúng ta tu học pháp môn Tịnh Độ. Trong Phật pháp gọi pháp môn Tịnh Độ là pháp môn thành tựu được ngay trong một đời này”. Chúng ta muốn ngay đời này thành tựu viên mãn thì chúng ta tu pháp Tịnh Độ, nếu ngay đời này, chúng ta vãng sanh thì chắc chắn chúng ta sẽ thành Phật. Phật nói ra vô lượng vô biên pháp môn, trong vô lượng pháp môn chỉ có pháp môn Tịnh Độ là pháp môn giúp chúng ta thành tựu ngay trong đời này.

Hòa Thượng Hải Hiền tự tại vãng sanh, lưu lại toàn thân xá lợi. Tôi nghe nói, ở Đông Thiên Mục Sơn cũng đã có rất nhiều người vãng sanh. Thậm chí, có người đến đó ở một thời gian ngắn đã kể với tôi rằng, họ nhìn thấy một con rắn đang bò thì dừng lại và chết. Khi người đó nhìn thấy cảnh này thì tín tâm của họ rất mạnh mẽ nhưng sau này, họ đã mất đi tín tâm. Nhiều người bị “tài, sắc, danh, thực, thùy” cuốn đi nên không còn đạo tâm. Chúng ta muốn xây dựng tín tâm không dễ! Tâm của chúng ta mong manh, dễ vỡ, chúng ta phải cẩn trọng, không tùy tiện giao lưu với những người phóng túng, tùy tiện.

Hòa Thượng nói: “Thế nào gọi là định lực? Người có định lực là người hiểu đại khái chân tướng của vũ trụ nhân sanh, biết được tam đồ, lục đạo, mười pháp giới không phải là cứu cánh, nhất tâm muốn rời khỏi tam đồ, lục đạo, mười pháp giới, không còn bị hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất quấy nhiễu, trong tâm triệt để buông xả”. Chúng ta không cần vào trong núi tu hành mà chúng ta phải ở ngay trong hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất tu hành. Hằng ngày, chúng ta xử lý mọi sự, mọi việc một cách tinh tường, không để ở trong tâm, làm xong thì quên.