21Chủ Nhật, 29/09/2024, 17:42
38 · Phật Pháp Vấn Đáp - 38 _ 1 38 · Phật Pháp Vấn Đáp - 38 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 27/09/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 38

Nhiều người cảm thấy mình là người tốt, là người tu hành nhưng họ không hiểu vì sao có nhiều người không ưa họ. Nếu chúng ta hiểu rõ nhân quả thì chúng ta sẽ tường tận việc này. Tất cả mọi việc đều có nhân duyên sâu dày, không có điều gì là đương không xảy ra. Chúng ta phải quán sát khởi tâm động niệm của mình, khi chúng ta làm bằng tâm “tự tư tự lợi”, làm vì bá đồ của mình thì chúng ta sẽ gây thù oán với người. Người khác không rảnh để gây thù chuốc oán, kiếm chuyện với chúng ta. Có quả ắt có nhân, không có nhân thì nhất định không có quả.

Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta gặp chướng ngại, chúng ta phải tìm thật kỹ nguyên nhân, nếu chúng ta tìm được nguyên nhân thì phải nhổ bỏ tận gốc nguyên nhân đó”. Chúng ta không được dùng tâm oán hận để báo thù người khác. Chúng ta là phàm phu, người khác giúp chúng ta thì chúng ta có thể quên nhưng người nào khiến chúng ta khởi tâm sân hận, làm chúng ta khổ đau thì chúng ta nhớ rất rõ. Chúng ta có tâm báo thù chúng ta sẽ bị chướng ngại trên con đường tu hành.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Xin Lão pháp sư giới thiệu cho con “pháp môn bổn nguyện niệm Phật”, rất nhiều cư sĩ muốn tu hành pháp này có được không?”.

Hòa Thượng nói: “Việc này không có ích lợi, pháp môn bổn nguyện bắt đầu từ thời nhà Đường truyền đến Nhật Bản, thời đó, mọi người tu học pháp môn này không có vấn đề gì. Thế nhưng, hiện tại pháp môn này đã biến chất rồi. Thế nào gọi là bổn nguyện? Phật A Di Đà có 48 nguyện, trong đó nguyện thứ 18 là quan trọng nhất, nguyện này nói rằng: “Thập niệm ắt sanh”. Mười niệm được sanh. Một số người hiểu sai, chỉ chuyên chấp trì nguyện thứ 18, họ cho rằng chỉ cần một nguyện này, 47 nguyện khác đều không cần đến. 48 nguyện của Phật A Di Đà là mỗi nguyện đều viên mãn, hàm nhiếp 47 nguyện khác, thiếu đi một nguyện thì không viên mãn. “Trên Kinh Hoa Nghiêm” nói rằng: “Một là tất cả, tất cả là một”. Vậy tại sao chỉ chọn riêng nguyện 18 mà các nguyện khác không cần đến? Tôi không tin rằng loại pháp tu này có thể giúp người vãng sanh và cũng chưa từng nghe người tu pháp này có thể vãng sanh. Cho nên, chúng ta lão thật y theo giáo huấn trên “Kinh Vô Lượng Thọ” mà học tập thì sẽ không sai! Nếu chúng ta nghe người khác nói khiến cho đạo tâm bị lui sụt vậy thì rất đáng tiếc”.

Cách đây khoảng 7, 8 năm, có một quyển sách có tên là “Bổn Nguyện Niệm Phật”, trong đó ghi chép nhiều việc sai lầm. Khi mới lưu hành, quyển sách này khiến nhiều người hoang mang, xao động, hiện tại, những quyển sách này phần lớn đã bị đốt, không còn ai quan tâm. Trong sách đó nói, niệm Phật không cần diệt vọng tưởng. Tâm tịnh mới tương ưng cõi tịnh, chúng ta không diệt vọng tưởng thì tâm chúng ta không thể thanh tịnh. Trong sách đó cũng nói, niệm Phật không cần giữ giới. Giới pháp, giới luật là chuẩn mực để tâm chúng ta lắng đọng, từ giới sinh định, từ định khai trí tuệ.

Khi Thích Ca Mâu Ni Phật sắp nhập Niết Bàn, Ngài A-nan hỏi Phật: “Khi Ngài còn tại thế thì chúng con nương vào Ngài, khi Ngài nhập Niết Bàn thì chúng con biết nương vào ai?”. Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Lấy giới làm Thầy, lấy khổ làm Thầy”. Có người sau khi đọc cuốn sách “Bổn Nguyện Niệm Phật” đó đã nói: “Tôi nhất định vãng sanh!”. Sau đó, họ mang tất cả sách, băng đĩa của Hòa Thượng tặng lại cho người khác. Họ cho rằng, tu hành theo cách Hòa Thượng dạy rất khó vãng sanh, tu hành theo cuốn “Bổn Nguyện Niệm Phật” thì sẽ dễ vãng sanh. Sau mấy chục năm, tôi cũng không gặp lại họ, tôi không biết người này có tu hành nữa không. Chúng ta không nên tùy tiện đọc sách và tùy tiện lý giải, tự hành trì, có những quyển sách gây hại cho tín tâm của chúng ta.

Khi Hòa Thượng đến học với Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Lão cư sỹ Lý Bỉnh Nam đã yêu cầu: “Từ nay về sau ông chỉ được nghe một mình tôi giảng, những gì tôi cho phép ông xem ông mới được xem, còn những gì trước đây ông học thì bỏ đi như bỏ đồ phế thải”. Hòa Thượng đồng ý những điều kiện mà Lão sư đã đưa ra. Sau một vài tháng học tập với Lão cư sĩ, Hòa Thượng cảm thấy những lời dạy này hữu dụng. Sau 5 năm học tập, Hòa Thượng đã nói với Lão sư Lý: “Con xin được gia hạn ở với Thầy thêm 5 năm”. Hòa Thượng đã có 10 năm học pháp với Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam.