36Thứ Tư, 25/09/2024, 21:23
36 · Phật Pháp Vấn Đáp - 36 _ 1 36 · Phật Pháp Vấn Đáp - 36 _ 2 36 · Phật Pháp Vấn Đáp - 36 _ 3

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 25/09/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 35

Tu học Phật pháp, quan trọng nhất là nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu cho nên chúng ta phải chọn được một pháp để tu, một người Thầy để theo. Có người từng nghe pháp của Hòa Thượng rất chuyên cần, niệm Phật rất tinh tấn, thế nhưng sau đó, họ đã chạy theo hết người này đến người khác. Kết quả là họ học rất nhiều pháp nhưng chẳng thành tựu pháp nào. Thân bằng quyến thuộc hay Cha Mẹ của họ khi lâm chung cũng không được trợ niệm. Đây là điều vô cùng đáng thương!

Khi lâm chung, họ khuyên Cha mình giữ chánh niệm, buông xả vạn duyên, nhưng làm sao người Cha có thể buông xả được khi cái chết thường làm con người vô cùng lo sợ. Nếu mọi người cùng niệm Phật thì may ra người Cha còn có thêm trợ lực, còn có chỗ để nương vào. Xung quanh lúc đó, anh em, con cái thấy có tang lễ thì buồn rầu nên ngồi đánh bài cho vui.

Cho nên chúng ta chỉ cần hiểu sâu, hiểu rõ, đâu cần phải học cao hiểu rộng. Hòa Thượng Hải Hiền là người như vậy! Ngài không phải là người học cao hiểu rộng, không phải học nhiều pháp để nói được nhiều rồi được người khác khen rằng mình là người thông thạo. Điều này chẳng cần thiết!

Lúc tôi còn trẻ, bất cứ ai hỏi tôi ngoài pháp niệm Phật thì tôi không trả lời. Khi ai đó hỏi về pháp niệm Phật của một vị Thầy khác không phải là Hòa Thượng, tôi cũng không trả lời. Tôi chỉ trả lời người hỏi về pháp niệm Phật theo cách mà Hòa Thượng Tịnh Không giảng dạy.

Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, đệ tử con tu học đã nhiều ngày tháng thế nhưng vẫn chưa đạt được công phu niệm Phật thành khối. Xin Ngài từ bi khai thị cho con ạ? ” Hòa Thượng trả lời: “Việc này không nên gấp gáp nhưng cũng không được xem thường. Chỉ cần chúng ta lão thật, thành thật mà niệm Phật là tốt rồi. Phải chân thật làm đến được lão thật! Thật ra việc này, không dễ dàng!

Để lão thật niệm Phật là điều không dễ. Đây cũng thuộc về tập khí. Người có thể lão thật được thì trong đời sống hàng ngày, bản chất thật thà của họ từ khi sinh ra đã được toát ra bên ngoài. Còn người có bản chất điêu ngoa, dối trá thì cho dù có sửa cách nào thì tập khí xảo trá đó vẫn còn tồn tại. Việc này phải đặc biệt chú ý.

Hòa Thượng tiếp lời: “Người xưa thường nói chỉ có bậc thượng chí hoặc hạ ngu, hai loại người này, dễ dàng làm đến được lão thật. Bậc thượng trí có trí tuệ cao nên mọi thứ thảy đều thông đạt tường tận, nhờ đó có thể làm đến được vạn duyên buông xả, nhất tâm niệm Phật. Tâm không có tạp niệm, không có vọng tưởng, loại người này dễ thành tựu.

Loại thứ hai là hạ ngu. Họ tuy là không hiểu lý lẽ nhưng khi dạy họ niệm Phật thì họ chỉ có một câu Phật hiệu niệm đến cùng. Họ cũng không có tạp niệm và không có hoài nghi. Loại người này cũng dễ dàng thành tựu. Khi chúng ta hỏi hạng hạ ngu thì họ đều không biết gì hết. Chúng ta hỏi ăn cơm chưa thì họ nói là: “A Di Đà Phật”. Khỏe không? Cũng là “A Di Đà Phật”! Ngủ được không? Lại là “A Di Đà Phật”!

Hòa Thượng nhấn mạnh: “Phiền phức nhất chính là ở khoảng giữa, tức là những người không phải bậc thượng trí cũng không phải hạng hạ ngu. Hạng người này có vọng tưởng tạp niệm quá nhiều. Họ nghe Kinh, học pháp rất nhiều nhưng bán tin bán nghi”. Tâm người hiện đại ngày nay đầy rẫy sự nghi ngờ. Ngay bản thân chúng ta đây cũng thuộc dạng nửa tin, nửa ngờ. Chính mắt, chính tai chúng ta nhìn thấy, nghe thấy rõ ràng những thành tựu tu học rạng rỡ ngay trước mắt mà vẫn còn nghi ngờ nên chúng ta khó có thành công.

Nhiều năm trước, tôi từng khẳng định rằng người nào thật học chuẩn mực Thánh Hiền chỉ trong vòng 10 buổi và nghe rồi thì thật làm theo, mà cuộc sống của người đó không tốt lên thì tôi nguyện lấy thân mình lót đường cho họ đi. Điều này nói lên rằng niềm tin của tôi luôn luôn chắc thật đến như vậy đấy!

Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam đã từng khẳng định rằng: “Xưa nay Tổ Sư Đại Đức chuyên tu chuyện hoằng Tịnh Độ, ngày nay chúng ta đi theo mà có vào Địa Ngục thì cũng xin tình nguyện mà theo”. Đây là lời khẳng định một cách mạnh mẽ chứ không phải là cách nói hời hợt nhẹ nhàng. Tổ Sư Đại Đức mà Lão Cư sĩ nhắc đến ở đây chính là Tổ Ấn Quang vì Lão Cư sĩ là học trò của Ấn Tổ. Cho nên không có lý do gì để có thể thay đổi. Đây là một niềm tin sắt đá. Tổ sư Đại đức tu hành đã thành tựu một cách trác tuyệt và biểu diễn vãng sanh cho chúng ta thấy nên các Ngài không dạy chúng ta đi vào Địa Ngục.