32Thứ Hai, 23/09/2024, 10:02
33 · Phật Pháp Vấn Đáp - 33 _ 1 33 · Phật Pháp Vấn Đáp - 33 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 22/09/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 33

Lúc nhỏ tôi nghe rất nhiều những câu chuyện về bùa chú. Nhiều người bị yểm bùa khiến họ sống không ra sống, chết không ra chết, rất là đau khổ. Ngày nay, sự việc này dần dần ít đi tuy nhiên vẫn còn tồn tại trong nhân gian. Trước đây, có một người nói với tôi rằng họ bị một người khác khống chế bằng cách chỉ cần khởi ý nghĩ đến người đó thì trong lòng bứt dứt, phải mang vài triệu đến đưa cho người này thì mới hết trạng thái khó chịu.

Em của họ gọi cho tôi và hỏi phải nên làm thế nào? Tôi khuyên rằng luôn phải giữ chánh niệm, phải làm chủ tinh thần của mình, không để tinh thần bị xuống thấp. Một khi tinh thần xuống thấp rất dễ bị thế lực bên ngoài khống chế.

Trong bài học trước, có người hỏi Hòa Thượng rằng họ phải làm sao khi bị người khác trù yểm, bỏ bùa (ở nước ngoài gọi là thả trùng độc) thì Hòa Thượng trả lời rằng chỉ có giữ gìn tâm chánh, hạnh chánh, khởi tâm động niệm đều phải chánh thì mới có thể ngăn được. Người có tâm tà vạy, nhất là tâm tự tư ích kỷ, bỏn xẻn, keo kiệt thì rất dễ bị khống chế. Ngược lại người khoáng đạt, quang minh, rộng lượng, luôn “vì người khác mà lo nghĩ” thì không thể bị như vậy. Trong Kinh Thập Thiện, Phật dạy chúng ta thường quán sát thiện pháp, tư duy thiện pháp, không để bất cứ một ý niệm bất thiện nào xen tạp.

Trên thế giới, có những người tàn ác nhưng họ vẫn sống an ổn bởi thế lực của họ rất lớn, không ai hại được. Tuy nhiên, khi phước báu hết, thế lực suy yếu thì họ sẽ tự sụp đổ. Chúng ta biết rằng người sống tại phước nên chúng ta không cần cầu xin ai, chỉ cần tích cực tạo phước, làm việc thiện lành, lợi ích cho cộng đồng xã hội. Một khi đã có phước báu rồi thì người xưa nói rằng: “Quân tử vui làm quân tử mà tiểu nhân dầu có oan ức vẫn phải làm tiểu nhân”. Câu nói này hàm ý rằng người có phước thì sẽ tự hưởng phước của chính mình, không cần lo lắng, cầu xin ai. Nếu không có phước thì dù cầu xin cũng không được. Nếu người đó có đi ăn trộm thì chưa lấy đồ về đến nhà cũng đã bị bắt rồi.

Hòa Thượng giải thích lý do bị Ma ám là vì có tâm Ma. Tần số tương thích với Ma thì Ma đến, không tương thích thì Ma không thể đến. Người có tâm chánh đại quang minh thì Ma rất sợ, thậm chí còn không dám nhìn. Người như thế, cho dù đã gặp phải tà ma yếm đối cũng không sợ hãi. Họ giác ngộ về sanh tử, xem nhẹ sống chết và nhận biết rõ rằng cái chết sẽ đến bất kỳ lúc nào, không hôm nay thì ngày mai, không năm nay thì năm sau.

Họ luôn có tâm niệm là sống một ngày thì phải “vì chúng sanh phục vụ” một ngày, vì Phật pháp và chuẩn mực Thánh Hiền mà sống. Còn nếu thế lực bên ngoài muốn lấy mạng thì họ cho rằng điều đó cũng tốt, muốn lấy mạng thì cứ lấy. Họ sẽ ra đi và ngừng mọi công việc. Kẻ lấy mạng phải thay thế họ mà làm nhưng công việc lợi ích chúng sanh đang bị ngừng trệ. Nếu không thay thế được thì nhân quả này, kẻ ấy không thể gánh nổi.

Cách đây nhiều năm, tôi dạy lớp gia giáo và cao đẳng tại Vũng Tàu nên thường đi vào buổi sáng và ra về vào buổi tối tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu và ngược lại. Có những hôm xe bị thủng lốp 3 lần trong một chuyến trở về thành phố. Có người nói tôi đi như thế quá nguy hiểm và tôi trả lời rằng: “Oan gia trái chủ không dám lấy mạng tôi bây giờ đâu, nếu có thì chỉ lấy cái tay, cái chân thôi”. Tôi nói như vậy vì biết tâm mình lúc đó rất mạnh, tôi đang tích cực làm việc phục vụ cho mọi người. Nếu oan gia đến lấy mạng tôi thì họ phải nợ mọi người.

Rõ ràng chúng ta phải có tâm mạnh mẽ luôn “vì người khác lo nghĩ” thì tà ma quỷ quái không thể đến gần và nếu đến gần được thì đó chính là oan gia trái chủ nhiều đời. Cho dù họ tìm đến được với chúng ta nhưng nếu chúng ta chân thật không “tự tư tự lợi”, hoàn toàn hy sinh phụng hiến thì họ sẽ không gây chướng ngại mà trở thành hộ pháp cho chúng ta. Từ oan gia trái chủ đối đầu đến để lấy mạng mà họ đã chuyển tâm trở thành vị hộ pháp là do họ cảm động. Phật từng dạy chúng ta: “Cảnh tùy tâm chuyển” tức là muốn hoàn cảnh xung quanh tốt thì chúng ta phải có tâm tốt. Hoàn cảnh xung quanh dù cho ác liệt đến đâu đi chăng nữa thì chúng ta vẫn bình an. Chúng ta hiểu rõ điều này để chúng ta dụng công.