79Thứ Bảy, 21/09/2024, 16:38
32 · Phật Pháp Vấn Đáp - 32 _ 1 32 · Phật Pháp Vấn Đáp - 32 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 20/09/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 32


Có người hỏi Hòa Thượng: “Chỉ nghe pháp của Hòa Thượng và chỉ chuyên trì danh hiệu Phật như vậy thì có đúng pháp không?”. Hòa Thượng cả một đời nghe lời và thật làm, Ngài là tấm gương cho chúng ta. Khi Ngài 80 tuổi, Ngài vẫn luôn nói: “Thầy của tôi nói như vậy!”. Khi trẻ mầm non đi học về các con thường nói: “Cô con nói!”. “Thầy con nói!”, đến khi các con học cấp 1 thì ít dần và đến cấp 2 thì không nói như vậy nữa. Trong tập 20 của bộ đĩa Hòa Thượng giảng “Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú”, phần cuối Hòa Thượng cũng nói: “Đây là Thầy của tôi nói”. Chúng ta biết kính Thầy, nghe lời Thầy thì chúng ta mới làm tốt được những lời Thầy dạy. Trong đời Hòa Thượng có ba người Thầy, Giáo sư Phương Đông Mỹ dạy Hòa Thượng Triết học, sau đó, Hòa Thượng học với Đại sư Chương Gia, khi Đại sư Chương Gia thị tịch thì Hòa Thượng đến học với Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam.

Khi Hòa Thượng tìm đến học với Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam yêu cầu: “Từ nay về sau ông chỉ được nghe một mình tôi giảng, những gì tôi cho phép ông xem ông mới được xem, còn những gì trước đây ông học thì bỏ đi như bỏ đồ phế thải”. Lão cư sĩ biết Hòa Thượng đã học với Đại sư Chương Gia, Giáo sư Đông Phương Mỹ nhưng Ngài vẫn yêu cầu Hòa Thượng phải trút bỏ những điều đã học.

Mấy chục năm nay, tôi chỉ nghe pháp và dịch pháp do Hòa Thượng Tịnh Không giảng nhưng tôi vẫn làm được việc. Một lần, có người ở bên Úc gọi điện cho tôi vào khoảng 3 giờ sáng, họ muốn tôi dịch đĩa của một vị, một tháng tôi chỉ cần dịch một đĩa, họ sẽ chuyển tiền trước cho tôi. Tôi nói, tôi chỉ hiểu lời do Hòa Thượng nói, họ nên nhờ người khác dịch. Chúng ta chỉ nghe Hòa Thượng, học theo và làm theo lời Hòa Thượng.

Khi nhỏ, tôi thấy bà nội niệm Phật nên tôi niệm theo, thi thoảng có cô nhập lên nói hoa sen của ai đó tươi tốt vì người đó niệm Phật tốt, tôi cố gắng niệm Phật để tưới cho hoa sen của mình tươi. Hòa Thượng dạy tôi một câu “A Di Đà Phật” niệm đến cùng nên tôi làm theo lời Ngài.

Hòa Thượng nói: “Cho dù học pháp nào chúng ta cũng phải chuyên và tinh”. Chúng ta chuyên tu, chuyên tinh thì chúng ta nhất định có thành tựu. Chúng ta phải “nhất môn thâm nhập trường kỳ huân tu”. Điều này giống như chúng ta chỉ đi theo một con đường thì chúng ta nhất định sẽ đến đích. Chúng ta “chuyên” thì chúng ta sẽ “tinh”. Chúng ta “tinh” thì chúng ta sẽ có thành tựu rất rõ nét. Người thế gian cũng nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Trong tu hành cũng vậy, chúng ta có một người hướng dẫn thì chúng ta có một con đường, hai người hướng dẫn thì chúng ta có hai con đường, chúng ta có ba người Thầy hướng dẫn thì có ba con đường.

Có một cô đã 70 tuổi, trước đây, cô cũng đã tu tập ở đây một thời gian, ban đầu cô cũng kính trọng tôi nhưng sau đó, cô đi tìm những vị Thầy khác. Gần đây, tôi nghe nói, người con trai của cô mắng chửi, đuổi cô đi. Tôi từng tặng người con trai một chuỗi hạt, anh rất trân trọng, có lần anh nói: “Mẹ đi vào ở chỗ của Thầy mà tu đi!”. Cô cảm thấy ở đây không “linh” nên cô đi tìm nơi khác “linh” hơn. Có lần cô hỏi tôi: “Thầy ơi, con đã quy y 6 lần bây giờ con quy y một lần nữa có được không?”. Họ đã quy y 6 lần rồi thì quy y thêm một lần nữa cũng chẳng sao! Chúng ta ở ngã ba thì chúng ta đã không biết đường đi.

Người không có niềm tin thì sẽ luôn bao chao, xao động. Trước đây, cô ở trong núi tu hành với một vị Thầy rất nghiêm khắc. Mọi người kể nếu Nam Nữ đi gần nhau mà nhìn nhau thì sẽ bị phạt một cách nghiêm khắc. Cô trải qua 7 lần quy y chứng tỏ tâm của cô rất tạp loạn. Chúng ta không dễ làm được “không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn”. Trong tu hành và trong cuộc sống, chúng ta lập định cho mình chính xác rồi thì chúng ta tiến bước, mọi việc sẽ ngày càng tốt hơn. Nếu chúng ta cảm thấy mình sai thì chúng ta bắt đầu lại từ đầu, chúng ta có khởi đầu tốt thì chúng ta mới có kết quả tốt. Có người tiếc, không muốn bắt đầu lại vì họ đã tu hành mấy mươi năm, chúng ta tu sai trong mấy mươi năm thì chúng ta cũng phải trút bỏ.