5521/09/2024, 16:38 30/09/2024, 18:08
31 · Phật Pháp Vấn Đáp - 31 _ 1 31 · Phật Pháp Vấn Đáp - 31 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 20/09/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 31

Trong khi giảng “Thập Thiện Nghiệp Đạo”, Hòa Thượng nói: “Người không tu “Mười Thiện” thì hông phải là người học Phật”. Người chân thật tu học Phật pháp thì phải làm tốt được “Mười Thiện”. Đây là tiêu chuẩn phân biệt giữa chánh pháp và tà pháp, chánh pháp dạy chúng ta phải “y giáo phụng hành” “Mười Thiện”, tà pháp thì khuyên chúng ta thực hiện “Mười Thiện” nhưng bản thân họ không làm. Chúng ta tu hành mà chúng ta không tu “Mười Thiện” thì chúng ta đang tu tà pháp.

Có người nói pháp rất hay, được nhiều người tin tưởng nhưng bản thân họ vẫn phạm phải “sát, đạo, dâm, vọng”. Trên Kinh Phật nói: “Đây là pháp mà người từ sơ phát tâm đến khi thành Phật đều phải tu”. Càng là các bậc Thánh Nhân thì càng phải làm tốt “Mười Thiện”, làm được rất tốt cả mặt sự và lý. Người không làm tốt “Mười Thiện” thì không phải là Thầy tốt, không phải là bạn lành để chúng ta nương tự.

Nhà Phật nói: “Ba nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây Phương”. Hiện tại, chúng ta thân thì sát, đạo, dâm; Ý thì tham, sân, si; Khẩu thì nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời thêu dệt, nói lời hung ác. Chúng ta nói những lời mà chúng ta không làm được thì đây cũng là chúng ta nói lời không thật, nói lời thêu dệt để mê hoặc người nghe. Hòa Thượng nói: “Ngày nay, người thế gian thích nghe gạt, không thích nghe khuyên”. Người thế gian cũng nói: “Lời chân thật thì không hoa mỹ, lời hoa mỹ thì không chân thật”.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Khi con đang tụng Kinh thì giữa chừng có điện thoại gọi đến vậy nghe điện thoại xong, con có thể tiếp tục tụng Kinh hay không?”.

Nhiều người tu hành lâu năm, khi tụng Kinh, niệm Phật vẫn cầm theo điện thoại. Cách đây khoảng một tuần, có người gọi cho tôi nói, Cha Mẹ của tôi bị xe đâm và đã mất ở ngoài đường, sau đó họ tắt máy. Tôi nghĩ rằng, họ muốn tôi gọi lại cho họ, sau đó họ sẽ lấy thông tin của tôi. Người ngày nay không biết sợ nhân quả, sẵn sàng tạo ác nghiệp. Chúng ta nên hạn chế sử dụng điện thoại, không nên mang điện thoại bên mình. Người ngày nay thường sử dụng điện thoại nên tâm họ không thanh tịnh.

Ngày trước, khi mạng xã hội Facebook mới xuất hiện ở Việt Nam, mọi người đều mua điện thoại thông minh để cài ứng dụng này. Tôi nghĩ, ứng dụng này không tốt nên tôi không cài đặt. Nhiều người muốn tôi sử dụng Facebook, Zalo nhưng tôi thấy không cần thiết. Tôi không cài đặt những ứng dụng này nên tôi tránh được nhiều phiền não!

Hòa Thượng nói: “Việc này có một câu chuyện, thời nhà Minh, có một danh tướng, cũng là một tín đồ Phật giáo tên là Thích Kế Quan, ông suốt cuộc đời thọ trì “Kinh Kim Cang”, ông tụng Kinh rất có lực. Một lần, ông nằm mơ thấy có một binh sĩ đã tử trận đến cầu xin ông tụng Kinh siêu độ cho họ. Sau khi tỉnh dậy, ông vì người binh sĩ đó mà tụng “Kinh Kim Cang” và hồi hướng cho vị binh sĩ đó. Buổi tối, ông lại nằm mơ thấy vị binh sĩ đó, vị binh sĩ đó nói: “Tướng quân! Vì sao Ngài tụng cho tôi một nửa bộ Kinh vậy?”. Người binh sĩ đó nói, khi tụng đến giữa chừng thì Ngài nói xen vào hai chữ: “Không dùng!”. Sau khi Thích Kế Quan tỉnh dậy, ông đột nhiên nhớ đến khi đang tụng Kinh, người hầu mang đến một tách trà, ông đưa tay lắc và trong tâm nghĩ: “Không dùng!”. Khi ông tụng Kinh, tâm của ông đã xen tạp nên bộ “Kinh Kim Cang” mà ông tụng không mang lại hiệu quả tốt cho người binh sĩ, do đó ông tụng lại Kinh cho người binh sĩ đó”

Hòa Thượng nói: “Khi đang tụng Kinh mà bạn nghe điện thoại thì coi như bộ Kinh này đã không còn viên mãn. Chúng ta phải tụng bộ Kinh từ đầu đến cuối không xen tạp thì mới có kết quả tốt. Cho nên, chúng ta tụng Kinh, hồi hướng cho người có hiệu quả hay không dều do tâm chúng ta chân thành, thanh tịnh hay không. Người xưa nói: “Thành tắc linh”. Việc này chúng ta cần phải chú ý!”.

Trong tất cả mọi sự, mọi việc, chúng ta đều phải dùng tâm chân thành, thanh tịnh. Thí dụ, khi mọi người dịch Kinh, tôi đọc bản dịch của mọi người, nếu đoạn nào thấy lời dịch không có sự liên kết thì tôi biết họ đã không tập trung khi dịch. Thí dụ, khi chúng ta dịch lời Hòa Thượng nói ở phía trên, chữ “nễ”, khi thì nói về người binh sĩ, khi thì về Thích Kế Quan, chúng ta phải hiểu được ngữ cảnh thì chúng ta mới dịch được liền mạch. Nếu chúng ta không dùng tâm chân thành, thanh tịnh thì chúng ta cách xa ý của Phật đến ngàn dặm.