4517/09/2024, 22:51 18/09/2024, 08:23
28 · Phật Pháp Vấn Đáp - 28 _ 1 28 · Phật Pháp Vấn Đáp - 28 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 17/09/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 28

Trong bài học hôm trước, Hòa Thượng đã đặt câu hỏi rằng hiện tại ngay trước mắt chúng ta có người nào không tham không? Người không tham thì không tranh giành với người. Người tranh giành với người khác, dù chỉ là một niệm vi tế trong nội tâm thì cho dù niệm Phật có tốt thế nào đi chăng nữa, cũng không thể vãng sanh.

Hòa Thượng đặc biệt nhắc đến hạnh của Bồ Tát là luôn tư duy thiện, luôn có ý niệm thiện và hành động thiện. Chúng ta thì sao? Ý niệm, tư duy, việc làm đều bất thiện nên chiêu cảm thiên tai nhân họa. Có mấy người trên thế gian đề khởi được ý nghĩ sợ hãi rằng liệu việc làm của mình có tổn hại đến người khác không? Người mà làm bất cứ việc gì đều “vì người khác mà lo nghĩ” thì thế gian này sẽ không có thiên tai, không có động đất, sóng thần.

Người thế gian thậm chí chẳng cần quan sát việc làm tốt của những người khác là lợi ích cho ai? Có phải lợi ích cho tha nhân hay cho cộng đồng hay không? Họ sẵn sàng cản trở những việc làm tốt đẹp ấy, chỉ đến khi họ thấy chính mình có lợi từ việc làm này thì họ lại lân la đến gần. Thế gian là như vậy đấy cho nên nơi đây có đáng để lưu luyến hay không? Không đáng để lưu luyến. Tịnh Độ có câu: “Yểm ly Ta Bà, hân cầu Cực Lạc”.

Do đó, người niệm Phật phải đặc biệt chú ý giữ gìn ba nghiệp “thân khẩu ý” luôn phải thiện. Vì không giữ gìn ba nghiệp nên có người niệm Phật mà chẳng có chút công lực gì, do đó, phiền não vẫn phiền não, khổ đau vẫn khổ đau. Thấy vậy, những người khác cho rằng họ đã thối tâm. Xét cho cùng, họ thậm chí chẳng có cái tâm để mà thối. Họ chỉ có tâm tham lam, tâm ham “danh vọng lợi dưỡng” chứ không hề có tâm “vì chúng sanh phục vụ”. Cho nên nói thối tâm là cái tâm đã hư hỏng.

Hòa Thượng nói: “Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ. Nếu chúng ta muốn về đây thì chúng ta phải đạt đến cái thiện tương thích với thế giới này. Nếu bạn không thiện thì đương nhiên bạn không thể vãng sanh. Bạn phải ghi nhớ rằng tâm thiện, tâm tịnh của bạn phải tương ưng với Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì bạn mới có thể vãng sanh”.

Điểm này rất quan trọng nhưng ít người để ý đến, họ chỉ quan tâm đến số lượng một ngày niệm bao nhiêu câu Phật hiệu và lễ bao nhiêu lễ Phật. Ngoài điều này ra, họ vẫn “tự tư tự lợi”, vẫn đang nỗ lực xây dựng bá đồ riêng cho mình. Ngày ngày họ niệm Phật, nhắc mọi người phải xả bỏ thân tâm thế giới cầu sanh Tây Phương Cực Lạc nhưng bản thân những trưởng tràng đó càng lúc càng giàu có và chèn ép người khác. Người niệm Phật mà còn như vậy thì người không niệm Phật sẽ ra sao?

Tu hành quan trọng nhất là hành vi và tư tưởng phải thiện, phải tương ưng với thế giới Tây Phương Cực Lạc. Phải dùng tư tưởng thiện, hành vi thiện để niệm Phật chứ không phải chạy theo số lượng. Tổ Sư Đại Đức từng nói: “Chí thành thì cảm thông”, trên thì thông đến chư Phật, dưới thì thông đến chúng sanh ở các tầng không gian khác nhau, thậm chí thông đến cả loài động vật.

Các loài động vật và các chúng sanh ở các tầng không gian khác nhau đều biết rõ và cảm nhận được tâm chân thành của chúng ta. Chúng ta đừng cho rằng mình khởi tâm động niệm thì không ai biết! Người mượn hình tướng người niệm Phật để dụ dỗ rồi chèn ép, ức hiếp người khác cũng không thể che dấu được ai những hành vi này của họ.

Hòa Thượng từng nói Phật là Giác, Pháp là Chánh, Tăng là Tịnh. Con người luôn quay về Giác mà không Mê, Chánh mà không Tà, Tịnh mà không Nhiễm. Như lời chỉ dạy của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, chúng ta tự xét bản thân mình xem miệng nào niệm Phật, miệng nào nhai thịt chúng sanh; miệng nào niệm Phật, miệng nào nói những lời lừa gạt, ức hiếp chúng sanh; tâm nào là tâm niệm Phật, tâm nào đang lừa gạt chúng sanh, đang xây dựng bá đồ riêng để trục danh, trục lợi.

Hòa Thượng Tịnh Không chỉ dạy là tu hành cho dù có tốt đến mấy mà xen tạp danh lợi, tư lợi thì sẽ chẳng bao giờ thành công. Đó cũng là lý do vì sao một số người học Phật cảm thấy không an lạc, luôn sợ mình bị thiệt, bị lỗ. Hiện tại, chúng ta dừng việc tổ chức Lễ Tri ân Cha Mẹ không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở Nghệ An và Gia Lai nhằm dồn kinh phí kết hợp với các ban ngành hỗ trợ cho bà con bị ảnh hưởng sau bão lũ.