31Thứ Tư, 18/09/2024, 18:40
29 · Phật Pháp Vấn Đáp - 29 _ 1 29 · Phật Pháp Vấn Đáp - 29 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 18/09/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 29

Chúng ta là người học Phật thì phải dùng mọi phương tiện khéo léo để đưa thân bằng quyến thuộc đặc biệt là Cha Mẹ của chúng ta đến với Phật pháp. Hòa Thượng nói rằng làm được như thế mới chính là phần hiếu tâm của chúng ta. Người thế gian cho rằng cung phụng vật chất đầy đủ thì đó là hiếu. Thật ra hiếu như thế chỉ được một đời còn chúng ta giúp Cha Mẹ biết đến Phật pháp, biết đến tu hành thì Cha Mẹ mới được giải thoát nhiều đời.

Để làm được việc này, chúng ta phải hết sức khéo léo, tránh thúc ép làm cho Cha Mẹ khó chịu. Chúng ta học Phật như thế nào để thông qua ứng xử của mình khiến Cha Mẹ thấy Phật pháp rất gần gũi mà tự phát tâm học Phật.

Thời gian qua, các anh em trong Hệ Thống đã giúp đỡ một gia đình huynh đệ tổ chức tang lễ một cách chu đáo. Cả dòng họ của vị huynh đệ này rất ngạc nhiên vì các anh em vừa có tấm lòng tốt lại vừa làm mọi việc rất giỏi. Cho nên đây chính là phương tiện để thúc đẩy mọi người xung quanh phát tâm học tập theo chúng ta chứ việc ép buộc họ học Phật hay niệm Phật là một sai lầm.

Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, chúng ta chuyên tu pháp môn Tịnh Độ thì ngày mùng một, ngày rằm có cần tụng Kinh Địa Tạng hoặc niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng không ạ? Như vậy có phải là xen tạp không ạ?

Hòa Thượng rất từ bi nên Ngài trả lời là không xen tạp vì khi họ hỏi như thế có nghĩa là chính họ hoặc người trong đạo tràng của họ đã làm như vậy. Họ thật sự chưa tin sâu vào pháp môn niệm Phật cho nên họ mới tụng Kinh Địa Tạng và niệm danh hiệu Địa Tạng. Thậm chí có nhiều đạo tràng chuyên tu mà vẫn đề xướng niệm Bồ Tát Quán Âm, niệm Chú Đại Bi, tụng Chú Vãng Sanh. Chúng ta phải biết rằng đây chính là xen tạp.

Tôi nhớ cách đây 8-10 năm, nhiều người niệm Phật nhưng lạy Địa Tạng Chiêm Sát Sám Nghi, xem đây như là một phương pháp trợ tu. Đúng thời điểm này, tôi phiên dịch một bài giảng của Hòa Thượng về chủ đề chánh tu và trợ tu. Hòa Thượng nói rằng chánh tu là một câu “A Di Đà Phật” và trợ tu cũng là một câu “A Di Đà Phật”, chánh trợ như nhau, không hai không khác.

Trả lời câu hỏi này, Hòa Thượng nói: “Nếu bạn phát tâm từ bi vì tất cả chúng sanh đọa lạc ở nơi ác đạo mà tụng Kinh siêu độ thì việc này là rất tốt còn nếu như chính mình chuyên tu Tịnh Độ thì không cần thiết. Vào triều đại Càn Long, pháp sư Từ Vân Quán Đảnh trong chú giải Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đã nói với chúng ta rằng tiêu trừ nghiệp lực tốt nhất, thù thắng nhất chính là cung kính trì niệm một câu A Di Đà Phật.

Ngài nói rằng người mà nghiệp chướng sâu nặng đến nỗi tất cả các Kinh điển, các sám pháp đều không còn hiệu lực nữa thì sau cùng vẫn còn một câu Phật hiệu này để cứu giúp.

Hòa Thượng có lần nhắc đến pháp sư Oánh Kha. Pháp sư từng hỏi đại chúng rằng có cách nào để giúp ông thoát khỏi địa ngục vì ông là người tu nhưng lại phá giới, phạm trai. Đại chúng nói rằng đó là pháp niệm Phật. Thế là ông dùng ba ngày ba đêm niệm Phật. Phật A Di Đà xuất hiện và cho ông biết rằng ông còn 10 năm dương thọ nhưng ông từ chối tuổi thọ này. Ông sợ rằng người phóng túng như ông thì sống thêm ngày nào sẽ tạo tội nghiệp thêm ngày đó nên ông mong muốn đi ngay với Phật. Phật đồng ý và nói ba ngày nữa sẽ vãng sanh.

Đúng ngày, đúng giờ, ông đã ra đi. Ông là người tu hành mà phạm tội cực trọng nhưng nhờ vào câu “A Di Đà Phật” mà ông được cứu. Cho nên cách tiêu trừ nghiệp chướng tốt nhất cho người nặng nghiệp là cung kính niệm “A Di Đà Phật”. Hòa Thượng tiếp lời: “Người lỡ tạo tội ngũ nghịch thập ác thì chỉ cần lúc trút hơi thở cuối cùng, đầu óc họ thật rõ ràng, chân thật sám hối thì một câu A Di Đà Phật sẽ giúp họ vãng sanh.

Chỉ nhờ một câu “A Di Đà Phật” chuyên tu một đời mà Hòa Thượng Hải Hiền, một lão nông tu hành không biết chữ, có thể biết trước giờ ra đi, lưu lại toàn thân xá lợi. Ở Việt Nam cũng có hai vị thiền sư lưu lại toàn thân xá lợi là Ngài Vũ Khắc Minh và Ngài Vũ Khắc Trường tại chùa Đậu, Hà Tây. Điều này cho thấy định lực của việc tu hành có thể khiến thân thể hữu cơ của con người vốn dễ dàng tan rã lại có thể được giữ nguyên vẹn.