5817/09/2024, 10:09 18/09/2024, 08:23
27 · Phật Pháp Vấn Đáp - 27 _ 1 27 · Phật Pháp Vấn Đáp - 27 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 16/09/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 27

Đa phần người học Phật, tu hành khi có một chút cảm ngộ thì liền mong muốn mọi người xung quanh cũng đều phải học Phật, đều phải tu hành. Đây là tâm tốt nhưng nếu không biết dụng tâm, chẳng hạn như dụng tâm quá mau lẹ, vội vàng sẽ khiến người xung quanh cảm thấy khó chịu. Nhiều người đã ăn chay rồi thì lại thường tỏ ra kỳ thị với người không ăn chay, hay một số người niệm Phật lại tỏ vẻ khó chịu với người ngồi hát Karaoke. Phật pháp là tốt nhưng cách làm, thái độ và cách diễn đạt của chúng ta khiến người khác bị dị ứng và không muốn tiếp cận Phật pháp.

Nếu chúng ta thông hiểu giáo huấn của Phật thì sẽ biết cách hòa mình vào trong cuộc sống hiện tại nhưng không hòa tan. Người thế gian thì chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng” còn chúng ta thì ngược lại, tích cực làm các việc lợi ích chúng sanh.

Câu hỏi thứ nhất trong bài học hôm nay có người hỏi rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, con phải làm thế nào để trong đời sống thường ngày, đối nhân xử thế tiếp vật, đầu óc luôn tỉnh táo, rõ ràng tường tận, mọi sự mọi việc nhìn nhận được chuẩn xác, không bị mơ hồ mê hoặc?” Đối nhân xử thế tiếp vật rõ ràng, tường tận nghĩa là chúng ta làm đúng phép tắc, đúng chuẩn mực. Người học Phật mà ứng xử lố bịch, chỗ quá thừa, chỗ quá thiếu thì người ta nhìn vào người học Phật, người ta sẽ không có thiện cảm.

Hòa Thượng trả lời: “Việc này phải y theo giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền, nghe theo lời dạy của người xưa.” Trong cuộc sống này, ở quốc gia nào cũng đều có phép tắc của quốc gia đó, trong làng xóm cũng có phép tắc riêng. Ngoài việc tuân thủ lời Phật dạy, lời Thánh Hiền dạy, chúng ta phải tuân thủ luật pháp quốc gia và tuân theo quy định, phép tắc của từng thôn, xóm, làng. Ở Ấn Độ, người ta kính trọng bò thậm chí người ta còn trét phân bò lên người. Nếu chúng ta đến đất nước Ấn Độ mà có thái độ nhăn mặt, bịt mũi chạy đi thì chúng ta sẽ gặp khó khăn.

Trong cuộc sống thường ngày, mọi nơi đều là môi trường để chúng ta học tập, nâng cao thường thức. Muốn đầu óc được rõ ràng thì từ sáng đến chiều, nhận biết của chúng ta trước mọi sự mọi việc phải rõ ràng, không được lờ mờ. Nếu một thứ lờ mờ thì mọi việc cũng sẽ lờ mờ theo. Tôi thấy nhiều người khi làm việc họ đã không hiểu nội dung và tính chất công việc, thậm chí khi làm việc họ thường không lấy đúng dụng cụ.

Mỗi chúng ta ai cũng như ai, thân thể không khỏe mạnh, luôn luôn có trạng thái mệt mỏi, lười biếng. Cho nên, chúng ta luôn phải quán sát tâm để kịp thời tự mình đề khởi tinh thần phấn chấn, luôn kiểm soát các trạng thái lờ mờ, lười nhác, mệt mỏi v..v.. không để chúng chiếm thế thượng phong. Ví dụ khi lễ Phật thấy tinh thần đang đi xuống thì chúng ta tăng tốc độ lễ nhanh hơn để đẩy tinh thần lên cao.

Câu hỏi thứ hai: “Kính bạch Hòa Thượng, vì sao trong gia đình thường hay bất hòa, làm sao có thể tu được Lục Hòa Kính trong gia đình ạ?” Hòa Thượng trả lời: “Nguyên nhân trong nhà bất hòa cần phải chính mình tìm ra và trừ bỏ nguyên nhân đó thì cả nhà liền hòa thuận. Thông thường, nhân tố chính gây nên sự bất hòa đều là do không cảm thông lẫn nhau, không tha thứ cho nhau.

Chúng ta thường khó bỏ qua những lỗi lầm nghiêm trọng gây ra tổn thương lớn. Cũng chính vì sự chấp trước và phiền não này mà nhiều đời nhiều kiếp chúng ta bị trôi lăn trong vòng sinh tử, không thoát ra được. Chúng ta luôn nhìn vào lỗi người nên nỗi khổ niềm đau hằn trong tâm. Nếu như có thể tha thứ, có thể hiểu được bao dung, có thể dung nhận (nhường nhịn) cho nhau và đặc biệt là đừng bao giờ nhìn thấy lỗi lầm của người khác thì có thể hòa thuận ở với nhau.

Hòa Thượng nói tiếp: “Trong Lục Tổ Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng nói: “Nếu là người chân thật tu hành thì không thấy lỗi thế gian. Đây là một giáo huấn rất hay. Không thấy lỗi thế gian không phải là mắt chúng ta có vấn đề. Mọi sự mọi việc chúng ta rất là tường tận nhưng không hề lưu lại trong tâm chứ không phải không thấy.

Nhìn thấy lỗi lầm của người khác, chính mình phải có tâm từ bi, có tâm yêu thương, phải có trí tuệ và phương tiện khéo léo giúp đỡ họ cải ác hướng thiện, chuyển mê thành ngộ. Đây mới chân thật là tự độ, độ tha. Đặc biệt trong xã hội hiện đại này, chúng ta nhất định phải nhận biết rõ ràng.