67Thứ Sáu, 13/09/2024, 18:48
24 · Phật Pháp Vấn Đáp - 24 _ 1 24 · Phật Pháp Vấn Đáp - 24 _ 2 24 · Phật Pháp Vấn Đáp - 24 _ 3

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 13/09/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 24

Mọi sự, mọi việc trong đời sống của chúng ta đều là nhân trước quả sau, chúng ta gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh thì chúng ta cũng không cần vui mừng hay lo lắng vì đó đều là do chính chúng ta. Tất cả những việc chúng ta gặp phải đều là do chúng ta tạo ra, tất cả đều là nhân trước quả sau. Chúng ta gặp khó khăn chúng ta thường đổ lỗi cho thiên tai mà không biết rằng đó đều là do khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của chúng ta. Gần đây, tôi nghe những người hàng xóm nói, những người trồng rau đang xịt rất nhiều thuốc phòng trừ sâu bệnh, mọi người ăn rau phải cẩn trọng, nếu không sẽ mắc những bệnh nghiêm trọng. Những người trồng rau này đã tạo ra nhân bất thiện. Chúng ta nên tích cực trồng rau để chúng ta và mọi người có rau sạch để ăn. Ngày nay, người thế gian khởi tâm động niệm đều là “tự tư tự lợi”, không quan tâm đến người khác, không biết đến nhân quả.

Nhiều người không hiểu tại sao con của họ chậm phát triển, nghễnh ngãng hay phá hoại, tất cả đều là nhân trước quả sau. Bài học hôm qua, Hòa Thượng nói, trong “An Sĩ Toàn Thư”, cư sĩ Châu An Sỹ cầu những người con đến gia đình họ đều là hiếu tử, hiền tôn. Chúng ta chỉ cầu nguyện thì chưa đủ mà chúng ta cần tích cực làm những việc thiện lành, khởi tâm động niệm vì người lo nghĩ.

Những ngày gần đây, khắp cả nước mưa nắng diễn ra thất thường, nhiều vùng xảy ra bão lụt, lở đất nghiêm trọng, lúc này, rất cần sự đóng góp của mọi người. Tinh thần của dân tộc ta là “lá lành đùm lá rách”, nếu người người đều khởi ý niệm thiện lành thì hoàn cảnh sống của cta sẽ dần tốt lên. Phật dạy: “Cảnh tùy tâm chuyển”. Tâm chúng ta thiện lành thì hoàn cảnh sống sẽ tốt đẹp.

Trên Kinh Phật đã nói: “Nhất thiết pháp từ tâm tưởng sinh”. Tâm chúng ta bao dung, rộng lớn, biết yêu thương mọi người thì chắc chắn hoàn cảnh sống của chúng ta sẽ tốt. Chúng ta “tự tư tự lợi”, không biết nghĩ cho người thì hoàn cảnh sống của chúng ta sẽ ngày càng xấu.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Trong lúc đang ngồi tĩnh tọa nghe giảng Kinh thì con thấy được cảnh giới của Phật Bồ Tát, hơn nữa, mỗi ngày khi con niệm Phật và tụng Kinh trong đầu con luôn có cảm giác ngờ ngợ, xin hỏi đây là do nguyên nhân gì?”. Khi ngồi tụng Kinh, niệm Phật, họ có cảm giác như có người đang ngồi bên cạnh hoặc có người đang nhìn họ niệm Phật, tụng Kinh.

Hòa Thượng nói: “Loại cảnh giới hiện tiền thì chúng ta không nên để ý, không để ở trong tâm, cũng không nên đi nói với người khác. Trong ngạn ngữ có câu: “Thấy lạ mà không lạ thì việc lạ đó sẽ tự mất”. Trên “Kinh Lăng Nghiêm” nói được rất hay, không luận là cảnh giới của Phật hay cảnh giới Ma, nếu chúng ta không để ý đến thì đó đều là cảnh giới tốt, nếu chúng ta chấp trước thì liền biến thành Ma chướng. Nếu chúng ta không để ý đến thì qua một thời gian những cảnh này tự nhiên sẽ bình thường”. Những cảnh này chỉ có đối với người có tâm mong cầu, thích cảm ứng. Chúng ta ngồi nghe Kinh, niệm Phật, nghe pháp nếu có bất cứ cảnh lạ nào thì chúng ta cũng không nên để ý. Chúng ta chuyên tâm nghe Kinh, niệm Phật, nghe pháp thì những cảnh lạ đó sẽ tự mất. Nếu chúng ta cho rằng đó là cảnh giới chúng ta đạt được, chúng ta dính mắc vào đó thì chúng ta đã bị phân tâm, đã bị động.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hoà Thượng, ở Đại lục có rất nhiều đồng tu muốn đến Cư sĩ Lâm Singapore niệm Phật dài lâu như vậy thì có được không?”.

Hòa Thượng nói: “Việc này cần phải hỏi Cục di dân của Singapore, nếu họ đồng ý thì bạn không có chướng ngại, nếu họ không đồng ý thì sau thời gian 15 ngày bạn phải rời đi. Các vị niệm Phật phải khẩn thiết. Nếu chúng ta niệm Phật chân thành, khẩn thiết thì Phật Bồ Tát nhất định sẽ gia trì. Đạo tràng niệm Phật ở Đại lục cũng rất nhiều, tôi tin tưởng, tương lai cũng sẽ có những đạo tràng thù thắng hơn đạo tràng cư sĩ Lâm. Chỉ cần mọi người cố gắng niệm Phật cho tốt, Phật Bồ Tát sẽ gia hộ”. Hiện nay, ở Đại lục có đạo tràng của cư sĩ Tề niệm Phật rất tốt. Chúng ta ở bất cứ nơi đâu, nếu tâm chúng ta đủ chân thành thì chúng ta cũng có thể cảm động đến Phật Bồ Tát, thần hộ pháp.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Con nghe Ngài giảng Kinh, con lĩnh ngộ được một chút nhưng con không thể hoàn toàn lĩnh hội vậy thì con nên làm thế nào cho tốt?”.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải nghe nhiều một chút, hiện tại, chúng ta có thể dùng đĩa, băng ghi âm để nghe lại. Chúng ta nghe từng tập thật kỹ, mỗi lần nghe sẽ có một chỗ ngộ, thường thường nghe thì thường thường có chỗ ngộ cho nên việc nghe nhiều là vô cùng quan trọng. Người xưa nói: “Tích tiểu ngộ sẽ thành đại ngộ, tích đại ngộ sẽ có triệt ngộ. Nếu có thể đem giáo huấn ở trên Kinh mà làm được thì ngộ nhập của chúng ta sẽ càng nhanh. Chúng ta không thật làm thì chúng ta vĩnh viễn không thể có được chỗ ngộ”.

Chúng ta phải nghe Kinh nhiều, hiện tại, các bài giảng đều đã được đưa lên mạng, chúng ta chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể nghe được. Chúng ta nghe hiểu rồi thì chúng ta phải ứng dụng những điều đã học trong khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật. Chúng ta không thật làm thì chúng ta không thể bước vào cảnh giới mà Phật Bồ Tát đã dạy. Hôm qua, chúng ta học “Thập Thiện Nghiệp Đạo”, tôi đã nói, chúng ta làm theo giáo huấn của Phật, chúng ta làm tốt thì kết quả nhất định sẽ tốt, chúng ta làm nhưng không có kết quả thì chắc chắn là chúng ta đã làm sai.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Cư sĩ tại gia có thể phát tâm giảng Kinh được không?”.

Hòa Thượng nói: “Đây là một sự việc tốt, thế nhưng chúng ta phải phát tâm như người xuất gia. Chúng ta buông bỏ thế duyên, bằng lòng trải qua đời sống thanh khổ, toàn tâm toàn lực ở nơi Kinh giáo vậy thì chúng ta sẽ có thành tựu rất lớn”.

Giảng Kinh chính là làm giáo dục. Chúng ta giảng giải giáo dục của Phật đà, giảng giải lời của người xưa, kể về những tấm gương đức hạnh thì đó là giảng Kinh, giảng lại lời của Thánh Hiền. Tất cả việc giảng dạy chân thật lợi ích cho mọi người thì đều có thể gọi là giảng Kinh. Điều quan trọng là cách dụng tâm của chúng ta, chúng ta phải dụng tâm vì người. Chúng ta phát tâm như người xuất gia là chúng ta buông bỏ những việc thế gian, chân thật hy sinh phụng hiến. Chúng ta dính mắc vào việc thế gian thì chúng ta không có thời gian làm việc vì chúng sanh. Chúng ta làm thỏa mãn “danh vọng lợi dưỡng”, năm dục sáu trần thì chắc chắn việc làm của chúng ta sẽ không tốt. Chúng ta thật làm thì cho dù chúng ta chưa làm được mạnh mẽ nhưng chúng ta cũng có thể chinh phục lòng người.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Con là một cư sĩ nghiệp chướng sâu nặng, con muốn nhất tâm niệm Phật cầu vãng sanh nhưng con phải chăm sóc gia đình. Xin hỏi, làm thế nào con có thể đảm bảo được phần vãng sanh, làm thế nào để con đạt đến được sự nhất tâm?”. Con người thường ưu tư nhiều việc, chúng ta ở trong gia đình, việc chúng ta chăm sóc gia đình là đương nhiên, việc này không chướng ngại việc tu tập của chúng ta. Chúng ta không biết dụng tâm, chúng ta dính mắc quá nhiều vào việc gia đình thì chúng ta không có thời gian làm việc vì chúng sanh, không giữ được tâm thanh tịnh.

Hôm trước, tôi về qua nhà, con gái tôi đang mang thai và đang bị sốt, sau khi dặn con những việc cần thiết thì tôi rời đi. Nếu các con không làm theo những lời dặn của tôi thì các con sẽ phải tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Tôi đi làm những việc cần làm, nếu tôi ở bên cạnh tỏ vẻ quan tâm thì điều này chỉ làm sự chấp trước của tôi lớn hơn. Mấy hôm trước, tôi dặn mọi người ở Sóc Trăng gửi một thùng rau lên cho một người em và dặn người em chia sẻ rau cho một số người. Cư sĩ tại gia gặp phải rất nhiều chướng ngại, nếu chúng ta tình chấp thì chúng ta sẽ không biết làm thế nào để có thể tu tập tốt, không biết làm thế nào vừa giúp gia đình, vừa giúp ích cho chúng sanh.

Hòa Thượng nói: “Trước đây, ở Mỹ có một vị Lão Thái Thái, hằng ngày, bà chăm sóc con cháu, làm việc nhà, niệm Phật rất tinh tấn, khi bà vãng sanh mọi người đều không biết. Hằng ngày, cháu đi học, con trai, con dâu đi làm, sáng bà thức dạy nấu ăn sáng. Một hôm, buổi sáng bà không thức dậy, mọi người không có cơm ăn, mọi người cảm thấy kỳ lạ nên đến gõ cửa phòng của bà. Cửa phòng đang mở, mọi người nhìn thấy bà đang ngồi xếp bằng trên giường. Mọi người gọi bà nhưng bà không dậy, khi mọi người đến gần thì họ thấy bà đã vãng sanh rồi, không biết bà đã đi lúc nào. Trên giường có một tờ di chúc, ngay đến hiếu phục của con, cháu, con dâu bà cũng đã may một cách tươm tất”,

Hòa Thượng nói: “Vị Lão Thái Thái rất cừ khôi, bà biết được giờ ra đi, bố trí việc hậu sự một cách tốt nhất, con cháu không cần phải bận tâm. Cho nên, việc làm việc nhà, chăm sóc con cái tuyệt nhiên không chướng ngại việc niệm Phật. Quan trọng nhất là trong tâm chúng ta không có chút nào vướng bận nào đối với gia đình, con cái. Nếu chúng ta có chút vướng bận thì chướng ngại liền đến, chúng ta không thể tự tại vãng sanh. Do đó, chúng ta phải nên làm việc nhà, chăm sóc con cháu rất chu đáo nhưng trong tâm chúng ta chỉ có “A Di Đà Phật”. Ngoài “A Di Đà Phật” ra, trong tâm chúng ta không có bất cứ thứ gì như vậy thì chúng ta sẽ tự tại, không có chướng ngại”.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta làm nghề nghiệp nào thì cũng không chướng ngại việc niệm Phật vãng sanh của chúng ta, nếu như chúng ta có chướng ngại thì đó là do chính chúng ta không hiểu rõ đạo lý, phương pháp. Chúng ta hiểu rõ đạo lý, phương pháp thì chúng ta không có một chút chướng ngại nào, sự thù thắng của pháp môn Tịnh Độ là ở chính chỗ này”. Chúng ta làm việc bằng thân, chúng ta niệm Phật ở trong tâm. Có người chỉ thích niệm Phật không thích làm việc, đây là do họ lười biếng, sợ khổ, sợ khó, sợ cực nhọc. Chúng ta vừa niệm Phật vừa làm việc không có chướng ngại.

Người thợ rèn Hoàng Đả Thiết vừa niệm Phật, vừa làm việc mà biết trước giờ vãng sanh, tự tại ra đi. Lão Hòa Thượng Hải Hiền niệm Phật hơn 90 năm, Ngài khai khẩn nhiều đất đai, làm ra rất nhiều lương thực cúng dường đại chúng. Chúng ta tích cực làm chính là chúng ta đang tích công bồi đức, tu phước, tích phước. Nhiều người không thích làm việc, chỉ muốn ngồi an hưởng cảnh an bình. Nếu chúng ta có cơ hội làm việc lợi ích chúng sanh, lợi ích xã hội thì chúng ta phải tích cực làm.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Chồng con tin tưởng nhân quả, không sát sinh, không nói lời thô ác, ưa thích giúp người, tin Phật pháp nhưng đối với thế giới Tây Phương Cực Lạc thì bán tín bán nghi vậy thì con phải làm sao?”.

Hòa Thượng nói: “Tin tưởng thế giới Tây Phương Cực Lạc không phải là một việc dễ dàng. Trên Kinh Phật nói, người tin tưởng thế giới Tây Phương Cực Lạc có hai loại người, một loại người là người chân thật hiểu nghĩa lý mà Phật đã nói trên Kinh, họ có độ lý giải tương đối sâu, từ đó có thể xây dựng lòng tin, có thể tu học pháp môn Tịnh Độ”. Tôi là loại người thứ hai, từ nhỏ, tôi nhìn thấy bà nội ngày ngày lạy Phật, niệm Phật, ăn chay nên tôi cũng làm theo bà. Đây là thiện căn, phước đức, nhân duyên sâu dày.

Hòa Thượng nói: “Loại người thứ hai là người trong đời quá khứ có thiện căn, phước đức, nhân duyên sâu dày. Người có thiện căn, phước đức, nhân duyên sâu dày, gặp được pháp môn này, tuy chưa hiểu đạo lý, thời gian tiếp xúc rất ít thế nhưng tin được rất sâu, rất chăm chỉ, nỗ lực niệm Phật. Loại người này, cơ hội thành tựu rất lớn”. Người có thiện căn, phước đức, nhân duyên sâu dày thì cơ hội thành Phật rất lớn. Ngày nay, những người học rộng, nghe nhiều thì luôn có chướng ngại.

Hòa Thượng nói: “Bình thường mọi người đối với thế giới Tây Phương Cực Lạc có hoài nghi, ngay người xuất gia cũng có nghi hoặc. Chúng ta gặp được nhân duyên này mà chúng ta có thể tin tưởng, có thể y giáo phụng hành thì đây là do chúng ta có thiện căn, phước đức, nhân duyên sâu dày. Pháp môn niệm Phật không dễ có cơ duyên gặp được, sau khi gặp rồi thì chúng ta phải trân trọng nắm lấy”. Chúng ta tu hành tốt, chúng ta làm được biểu pháp tốt thì tự nhiên mọi người sẽ tin.

Có một bà cụ, con cái của bà theo các tôn giáo khác, trước vãng sanh bà nói với các con là họ có thể niệm Phật đưa bà vãng sanh không. Đúng ngày đó, các con tập trung niệm Phật cho bà, một lúc sau thì bà tự tại ra đi. Từ đó, mọi người trong nhà bà đều tin pháp môn niệm Phật, tin có thế giới Tây Phương Cực Lạc. Điều quan trọng là chúng ta phải làm ra biểu pháp tốt, chúng ta làm ra biểu pháp thì nhất định mọi người sẽ tin. Chúng ta khuyên bảo nhưng chúng ta không thể làm ra biểu pháp thì mọi người không thể có niềm tin.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Có người đứng niệm Phật để tương lai họ có thể đứng vãng sanh, như vậy có đúng không?”. Người có thể đứng vãng sanh thì phải là người có đạo lực phi thường. Trong “Vãng sanh chuyện”, có ghi chép, có người ngồi vãng sanh, có người đứng vãng sanh thậm chí có người chồng chuối vãng sanh. Đây là họ làm ra biểu pháp cho người. Chúng ta tu hành rời rạc, nghiệp chướng nặng nề, thậm chí là chúng ta muốn ngồi vãng sanh cũng không ngồi được. Hòa Thượng từng nói: “Người xưa ba ngày, ba đêm không ngủ vẫn khỏe bình thường”. Chúng ta không ngủ một ngày, một đêm thì đã cảm thấy rất mệt, không chịu nổi. Thể lực của chúng ta yếu do nghiệp chướng của chúng ta sâu nặng, toàn thân bệnh khổ.

Hòa Thượng nói: “Người đứng niệm Phật thì có thể đứng vãng sanh, người ngồi niệm Phật thì có thể sẽ vãng sanh ngồi, khi lâm chung đi như thế nào có hai nguyên nhân, một là chính mình công phu chín muồi, hai là do nguyện lực của chính mình”.

Hòa Thượng nói: “Trong “Ảnh Trần hồi ức lục” ghi chép tự chuyện của pháp sư Đàm Hư, trong đó nói đến một vị học trò của Lão Hòa Thượng Đế Nhàn. Trước khi xuất gia ông là một người thợ vá nồi, công việc này rất khổ cực, khi đến tuổi trung niên, ông phát tâm xuất gia. Lão Hòa Thượng Đế Nhàn rất từ bi nói với ông, ông tuổi đã già, không nên ở trong chùa bởi vì mỗi ngày đều sẽ phải dậy sớm công phu, sau đó làm việc rất nặng, ông nên đến một ngôi chùa hoang, có một số cư sĩ sẽ cúng dường cơm cho ông. Lão Hòa Thượng Đế Nhàn dặn ông niệm Phật, khi nào mệt thì nghỉ, đói thì đi ăn, sau đó lại mau mau niệm Phật. Sau 3 năm, ông đứng vãng sanh. Những vị cư sĩ chăm sóc ông đi đến nơi ở của Hòa Thượng Đế Nhàn để thông báo, thời gian cả đi và về là ba ngày, người thợ vá nồi vẫn đứng đợi Hòa Thượng Đế Nhàn đến”. Điều quan trọng là chúng ta có thể ra đi một cách tự tại, biết trước giờ ra đi, khi ra đi không có bệnh khổ.

Chúng ta có rất nhiều nghi vấn, nếu chúng ta không được lý giải, người khác khuyên chúng ta làm sai thì chúng ta đã uổng phí một kiếp tu hành. Chúng ta cảm thấy nghi hoặc thì chúng ta phải tham khảo bậc thiện tri thức. Thiện tri thức là người có tu có học, có trải nghiệm. Người không có tu, không có học, không có thực chứng thì chỉ nói những lời lý thuyết suông.

. ****************************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!