Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 12/09/2024.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 23
Khi chúng ta học Phật, chúng ta có nhiều nghi vấn, chúng ta cần những bậc sáng tỏ giải nghi cho chúng ta. Nếu chúng ta không cẩn trọng, chúng ta hỏi những người tâm chưa thanh tịnh thì họ sẽ trả lời chúng ta theo sự phân biệt, chấp trước của họ. Khi chúng ta tu hành có công phu, tâm chúng ta có một chút thanh tịnh thì chúng ta sẽ nhìn thấy được những cảnh giới thù thắng của sự tu hành. Điều này giống như, khi nước hồ đục thì chúng ta không nhìn thấy đáy hồ nhưng khi nước hồ trong thì chúng ta sẽ nhìn thấy rõ mọi vật dưới đáy hồ. Nếu chúng ta ngửi thấy một mùi thơm lạ mà chúng ta cảm thấy rất hoan hỷ thì đây là chúng ta đã chấp trước, do vậy chúng ta cần có bậc thiện tri thức giải nghi cho chúng ta.
Có người hỏi Hòa Thượng: “Con cảm thấy con đã có thể hiểu được vô ngã, vô thường và hiểu được tất cả là duy tâm, vạn pháp duy thức, thế nhưng, trong tâm con có lúc vẫn lờ mờ, như có ta và không có ta làm chủ. Việc này là vì sao và làm thế nào để con chân thật đạt đến vô ngã?”. Người này đang tự mình gạt mình, họ đang bị cái ta làm chủ. Họ vẫn đang dính mắc vào “cái ta”.
Hòa Thượng nói: “Nếu bạn chân thật đạt đến vô ngã, vô thường rồi thì bạn sẽ không đến hỏi tôi vấn đề này. Bạn đến hỏi tôi vấn đề này, vậy thì ai đang hỏi vậy? Chính là cái tôi đang hỏi. Do đây có thể biết, người chân thật làm đến được vô ngã thì trình độ này không thấp, họ đã đạt đến siêu vượt sáu cõi luân hồi, chính là pháp giới của bốn Thánh. Pháp giới của bốn Thánh vẫn chưa chân thật đạt đến vô ngã. Phật nói: “Ngã chấp khó, pháp chấp tồn tại, ngã chấp phá rồi thì vẫn còn pháp chấp”. Người chấp trước pháp chấp, vẫn là còn có một cái ngã, chẳng qua là cái ngã chấp của họ khi đó rất vi tế”.
“Bốn Thánh” ở đây là A-La-Hán, Bích Chi Phật, Quyền Giáo Bồ Tát, Tạng Giáo Bồ Tát, Thông Giáo Bồ Tát. Chúng ta được dạy, phải quên đi chính mình để làm việc lợi ích chúng sanh hay “việc tốt cần làm, nên làm không công, không đức” nhưng chúng ta luôn dính mắc vào mọi việc. Chúng ta cho người khác một chút đồ, một lời khuyên thì chúng ta đã cho rằng họ nợ chúng ta một món nợ ân tình, khi họ làm chúng ta không vừa lòng thì chúng ta giận hờn. Thí dụ, hôm trước chúng ta mời họ ăn một món ăn ngon mà hôm nay họ không mời chúng ta thì chúng ta sẽ phiền não. Chúng ta làm một chút việc cho người, cho dù chúng ta không nói ra nhưng chúng ta vẫn muốn người khác báo đáp. Chúng ta muốn đạt đến cảnh giới vô ngã, cảnh giới không có “cái ta” không dễ dàng!
Hòa Thượng nói: “Nếu như ngã chấp, pháp chấp đều đoạn thì vô minh phá được một phẩm, siêu vượt mười pháp giới, chính là pháp thân Bồ Tát ở pháp giới chân thật. Đây mới chân thật là vô ngã”. Chúng ta lìa xa ngã chấp, pháp chấp thì chúng ta mới đạt đến vô ngã. Chúng ta hiểu một cách lờ mờ về việc phải chân thật hy sinh phụng hiến nên chúng ta chưa làm được mọi việc một cách triệt để, chúng ta vẫn đang bị “cái ta” khống chế. Tất cả khởi tâm động niệm, hành động tạo tác, đối nhân xử thế tiếp vật của chúng ta đều bị “cái ta” điều khiển. Việc làm của chúng ta bị hạn chế vì chúng ta chưa làm được mọi việc bằng tâm đại từ, đại bi. Chúng ta phát được tâm đại từ, đại bi thì việc làm của chúng ta sẽ không có chướng ngại. Chư Phật Bồ Tát làm mọi việc bằng tâm đại từ, đại bi, chúng ta đang học theo các Ngài. Hằng ngày, chúng ta làm việc gì cũng dính mắc vào “cái ta”, “cái của ta”, dính mắc vào thành bại, được mất, hơn thua, tốt xấu.
Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta đạt đến chân thật vô ngã thì cách làm của chúng ta mới là làm từ chân tâm, trí tuệ của chúng ta được khai mở. Nếu đối với tất cả các pháp chúng ta vẫn còn chướng ngại, không tường tận, không rõ ràng thì đó chính là vô minh, chúng ta hoàn toàn bị vô minh che mất. Chúng ta tuy chăm chỉ thâm nghiên, tìm tòi học hỏi tất cả pháp thế gian và xuất thế gian nhưng chúng ta vẫn có những kiến giải sai lầm”. Hiện tại, chúng ta làm mọi việc vẫn bằng “cái ta”, “cái của ta”, tuy “cái ta”, “cái của ta” của chúng ta đã nhỏ hơn một chút nhưng chúng vẫn chưa đạt đến mức vi tế. “Cái ta”, “cái của ta” của chúng ta nhỏ hơn một chút thì việc làm của chúng ta cũng đã rất khác so với người thế gian. Khi trí tuệ khai mở thì chúng ta sẽ thông đạt tất cả pháp thế gian và xuất thế gian. Đây là cảnh giới của người đã quay về được với chân tâm, xa lìa “cái ta”, “cái của ta”.