24Thứ Tư, 11/09/2024, 21:30
22 · Phật Pháp Vấn Đáp - 22 _ 1 22 · Phật Pháp Vấn Đáp - 22 _ 2 22 · Phật Pháp Vấn Đáp - 22 _ 3

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 11/09/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 22

Chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng giới luật của nhà Phật là biệt giải thoát, giữ được giới điều nào là giải thoát sự ràng buộc của giới điều đó. Tuy nhiên, giới luật có “Khai Giá Trì Phạm” rất rõ ràng. “Khai” là có trường hợp vi phạm giới cấm nhưng không bị coi là phạm giới. “Giá” là ngăn cấm, “Trì” là vâng giữ và “Phạm” là vi phạm.

Trong quá trình giữ giới, hành giả luôn linh động, hoạt bát chứ không khô cứng. Có những việc cần tuyệt đối giữ, cũng có những việc được phép khai mở. Tuy nhiên, có những việc đáng khai mở mà không khai mở hoặc không được khai mở mà khai mở thì là phạm.

Nhiều người trong quá trình giữ giới lại quá cứng nhắc nên tự tạo ra chướng ngại như thấy người khác ăn hành tỏi thì ngồi tránh xa hoặc trong bát có hành tỏi thì nhặt từng cọng bỏ ra. Lục Tổ Huệ Năng có 15 năm ở với nhóm thợ săn, Ngài ăn gì? Ăn rau trong nồi thịt! Vậy mà cả đời Ngài là Tổ sư. Cho nên điều quan trọng là ở tâm của chúng ta. Tinh thần của giới luật rất thông tình đạt lý chứ không khô cứng, cố định.

Ví dụ lâu lâu chúng ta về quê, anh em họ hàng giết gà vịt và ăn nhậu, thấy vậy chúng ta không ngồi với họ vì cho là họ sát sinh. Sát sinh, ăn nhậu thì họ đã làm, đó là việc của riêng họ. Phạm giới hay không là do mình. Phạm giới là khi người ta ăn đùi gà mà mình cũng thèm chảy nước miếng. Chúng ta ngồi với họ thì chúng ta có cơ hội dẫn dắt câu chuyện, quan tâm hỏi han gia đình, đưa họ đến với phương pháp giáo dục gia đình để đạt được hạnh phúc. Điều này mới là tốt.

Người trì giới tinh nghiêm thì rất hoạt bát chứ lại không xa lánh mọi sự mọi việc xung quanh. Chúng ta phải hiểu rằng không dính mắc trong tâm mới là quan trọng. Làm mọi việc từ lớn đến nhỏ mà dính vào nội tâm, mà “có ta” và “cái của ta” mới là sai.

Cho nên Phật pháp không rời khỏi thế gian, luôn luôn ở trong thế gian, giúp thế gian được tốt hơn chứ không tự tạo ra chướng ngại bằng những khắt khe như chỗ này không được, chỗ kia không được. Chúng ta phải hiểu tinh thần của Phật pháp, nhất là Phật pháp Đại thừa, rất là rộng mở.

Tuy nhiên, chính vì sự rộng mở đó mà nhiều người bị cám dỗ, bị sa đà. Chúng ta phải tự biết cảnh giới nội tâm của mình đang ở trạng thái nào. Nếu chúng ta gặp “Tài Sắc Danh Thực Thùy” mà vẫn dính “Tài Sắc Danh Thực Thùy” thì chúng ta phải biết tránh, biết điểm dừng không cho vượt qua. Rất nhiều người khi đến ngưỡng thì không biết dừng và đã rơi vào sa đà. Một khi sa đà thì sẽ đọa lạc.

Nhiều người cho rằng đã niệm Phật thì không nói chuyện, quay về với tịnh thất của mình để tu cho an lành. Nếu ai tu hành cũng nghĩ như vậy thì sẽ chẳng có người đem Phật pháp và chuẩn mực Thánh Hiền đến thế gian. Kết quả nhìn thấy ngay là con cháu đời sau của chúng ta sẽ bất hạnh. Cũng có người đóng cửa niệm Phật không nói chuyện nhưng lại hóng chuyện, tin tức bên ngoài đều biết tuốt.

Bản thân tôi, có quen biết với nhiều người trước đây từng nghe pháp của Hòa Thượng Tịnh Không và niệm Phật rất tinh tấn. Sau này, tuy họ không niệm Phật, không nghe pháp của Hòa Thượng nhưng tôi có cách để xây dựng mối quan hệ. Đó là vẫn qua lại, vẫn tặng quà và chuyện trò cùng họ về các mối quan hệ ngũ luân và chuẩn mực Thánh Hiền. Một câu Phật pháp cũng không nói đến mà thay vào đó là hành động. Dần dần họ nhận thấy rằng người mà mấy chục năm trời chỉ niệm Phật, chỉ học với Hòa Thượng lại là người biết cách đối nhân xử thế và có tâm lượng như vậy. Kết quả là họ rất thích, rất hoan hỉ.

Chúng ta hiện tại đang học một pháp môn, tu với một vị thầy là Hòa Thượng Tịnh Không nhưng chúng ta không trở nên khô cứng mà hoàn toàn linh động và hoạt bát. Trường hợp nào thì chúng ta đóng cửa không nên nói chuyện? Đó là hễ mở miệng thì chúng ta nói chuyện phiếm, chuyện phải quấy, tốt xấu! Đáng ra, nếu có nói thì nên đề cập đến giáo dục Phật Đà và đề xướng chuẩn mực Thánh Hiền.

Trong Kinh Vô Lượng Thọ Phật dạy: “Phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”. Tâm Bồ Đề là trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Chúng ta không có tâm “lo nghĩ đến chúng sanh” thì Tâm Bồ Đề không phát khởi. Cho nên nếu không phát tâm Bồ Đề mà chỉ có một lòng chuyên niệm hoặc chỉ phát tâm Bồ Đề mà không một lòng chuyên niệm thì đều không vãng sanh. Hai điều này đều tương trợ, tương thành cho nhau.