Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 08/09/2024.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 19
Hòa Thượng thường nói Phật pháp trọng thực chất, không trọng hình thức. Hình thức đơn sơ mà trong tâm cung kính là điều đáng quý. Hòa Thượng từng kể rằng trong những năm đầu học Phật, khi gặp Chương Gia Đại Sư, Ngài có lễ tiết rất đơn sơ còn mọi người gặp Đại Sư thì rất cung kính. Việc này khiến nhiều người nói Hòa Thượng không đủ lễ tiết tuy nhiên Hòa Thượng khẳng định rằng Đại Sư Chương Gia chưa bao giờ quở trách mà còn rất ân cần dạy bảo.
Đại Sư Chương Gia phải chăng đã nhìn thấy căn tính, pháp khí của Hòa Thượng, rằng Ngài sẽ làm được những việc rất lớn để lợi ích chúng sanh cho nên Đại Sư không chỉ ân cần dạy bảo mà còn không cần chấp trước các lễ tiết. Điều này cho thấy, người tu học phải biết vận dụng Phật pháp một cách uyển chuyển. Đôi khi sự chấp nhặt trên hình thức sẽ tạo khoảng cách ngày càng xa hơn khiến cản trở con người đến với Phật pháp và chuẩn mực Thánh Hiền. Đối với người, chúng ta phải bao dung nhưng đối với mình, mình phải thật sự nghiêm túc trong lễ tiết.
Người chưa biết, chưa được học, chưa được dạy chúng ta không cần tính đếm đến những lễ tiết nhỏ nhằm giúp họ có cơ hội tiếp cận với Phật pháp và chuẩn mực Thánh Hiền, còn bản thân mình thì phải làm ra tấm gương. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm” tức là mọi hành động tạo tác, đối nhân xử thế tiếp vật hằng ngày của chúng ta phải là chuẩn mực, là biểu pháp để người khác nhìn vào.
Hòa Thượng kể rằng, có người hỏi Ngài là: “Hòa Thượng đối tốt với anh lắm mà vì sao khi anh gặp Hòa Thượng, anh không lạy Hòa Thượng vậy?” Ngài trả lời là bởi vì lúc đó Ngài không hiểu mà không hiểu thì Ngài không thể lạy được. Hòa Thượng nói: “Tuy rằng không hành lễ như người khác nhưng trong tâm rất là cung kính. Hình thức bên ngoài không quan trọng, quan trọng là nội tâm phải thật làm, phải chân thành, phải cung kính, do đó, nơi nơi phải có tâm tiếp nhận người sơ cơ”. Sơ cơ là những người chưa biết, chưa được tiếp cận.
Ngài tiếp lời: “Cần phải hiểu được phương tiện khéo léo nhất để cho họ được tiếp cận, không nên làm cho người sơ học khởi lên sự phản cảm, sự lo sợ khiến về sau họ sẽ không dám đến nữa. Làm như vậy thì chúng ta đã sai rồi.” Chúng ta không nên đối xử với người mới bằng cách đưa cho họ quá nhiều quy tắc, quy điều, yêu cầu họ phải thế này, thế khác.
Hòa Thượng từng dạy chúng ta về việc “tiếp độ” chúng sanh, nghĩa là “phục vụ” chúng sanh chứ không phải bề trên ban cho bề dưới. Nếu là phục vụ thì không có yêu sách, điều kiện gì cả. Tại sao phải phục vụ chúng sanh? Vì muốn chúng sanh giác ngộ Phật pháp, vì để tiếp nối Phật pháp, vì để Phật pháp trường tồn nên chúng ta phải làm như vậy. Phật pháp sẽ tự trường tồn là chân lý nhưng để lan tỏa Phật pháp thì người thúc đẩy, vận hành Phật pháp phải dùng mọi phương tiện khéo léo nhất để mọi người có thể tiếp cận và giác ngộ cũng như tiếp tục gánh vác sứ mạng thúc đẩy Phật pháp.
Câu hỏi thứ nhất trong bài học hôm nay có người hỏi rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, con đã bị bệnh ung thư, chỉ còn sống được 3-6 tháng nữa, xin Sư phụ khai thị cho con là con làm thế nào để có thể an bài những ngày tháng này?” Đây là sự việc mà rất nhiều người đang phải đối diện. Bác sỹ được xem là Lương Y Như Từ Mẫu cho nên thiết nghĩ nếu nói sự thật rằng chỉ còn vài tháng nữa là chết thì có lẽ không nên. Có một sư cô cũng bị kết luận như vậy nhưng đến hôm nay, trải qua hơn 30 năm, sư cô vẫn sống khỏe mạnh, an vui, tự tại. Ngày ngày, thân thì phục vụ chùa còn tâm thì lo niệm Phật, thậm chí khi trái gió trở trời, người khác thì ốm bệnh còn sư cô thì không sao, lúc nào cũng quần quật với công việc.
Trả lời câu hỏi thứ nhất, Hòa Thượng nói: “Mười năm trước, Lý Mộc Nguyên Cư sĩ ở Xinh-ga-po đã bị bệnh ung thư. Bác sỹ nói với ông chỉ còn ba tháng. Lý Mộc Nguyên biết được tình huống này nên ông đã vạn duyên buông bỏ, nhất tâm niệm Phật, đến Cư Sĩ Lâm làm công quả. Ông đã nhất tâm chuyên niệm, chuyên nghĩ đến A Di Đà Phật, không nghĩ đến việc khác.
“Phật nói tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Không có bệnh mà ngày ngày nghĩ đến bệnh thì bệnh sẽ xuất hiện. Có bệnh rồi mà không nghĩ đến bệnh, chỉ nghĩ đến A Di Đà Phật thì căn bệnh liền khỏi. Một khi thọ mạng đã đến rồi thì cũng vừa lúc A Di Đà Phật đến tiếp dẫn vãng sanh. Còn nếu thọ mạng vẫn còn thì căn bệnh này chỉ như một tai nạn, nhất tâm chuyên niệm thì bệnh nhất định sẽ khỏi.